LTS: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã xác định việc thí điểm từng bước nhất thế hóa chức danh cán bộ.
Tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã; góp phần đúc kết những bài học thực tiễn để cùng toàn Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.
Ban Biên tập Tạp chí Khoa học thời đại giới thiệu loạt bài viết về việc thực hiện thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã ở tỉnh Bình Phước của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh để bạn đọc tham khảo.
Kỳ 1: Những kết quả đạt được trong thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ở tỉnh Bình Phước.
Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên” xác định việc thể chế hóa chức danh cán bộ, tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Trong đó có việc thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Trên tinh thần của Nghị quyết và Thông báo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn việc thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Ngày 08/6/2009, sau khi nghiên cứu, xác định cơ sở để lựa chọn đơn vị thực hiện thí điểm, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Thông báo số 1836-TB/TU về việc chọn 03 đơn vị trong số 111 xã, phường, thị trấn trực thuộc 03 huyện khác nhau để thực hiện thí điểm (tỷ lệ thí điểm đạt 2,7%), Theo đó, ngày 01/7/2009, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 45-HD/BTCTU về thực hiện thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã. Ba đơn vị được lựa chọn bảo đảm được tính đặc trưng cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau; tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ổn định, đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Đó là, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành; xã Đường 10, huyện Bù Đăng; Thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực Bí thư Đảng ủy cấp xã ở tỉnh Bình Phước trong tình hình hiện nay” |
Công tác triển khai thực hiện thí điểm được tiến hành kịp thời, có sự đồng thuận cao trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Các đơn vị được lựa chọn thực hiện thí điểm đều được chỉ đạo chặt chẽ, đúng các nguyên tắc, quy định, tạo sự thống nhất trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Ngay sau khi thực hiện thí điểm, Ban thường vụ các huyện đã chỉ đạo các ban xây dựng đảng, các đoàn thể, tổ chức đoàn công tác trực tiếp hướng dẫn cơ sở điều chỉnh và từng bước hoàn chỉnh quy chế làm việc; xác lập phương thức tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, tập thể Ủy ban nhân dân; phân công nhiệm vụ các Phó Bí thư thường trực cấp ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách các lĩnh vực công tác; điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã đảm bảo phù hợp với mô hình “nhất thể hóa” và đặc điểm của từng địa phương.
Việc thí điểm mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã” là vấn đề mới, là việc làm cần thiết nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thực tế ở tỉnh Bình Phước, từ khi thực hiện mô hình Bí thư Đảng uỷ cấp xã đồng thời là Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã đến nay, bước đầu cho thấy đây là mô hình phù hợp với yêu cầu thực tiễn; nhất là trong bối cảnh hiện nay cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính…, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bộ máy ở cơ sở được tinh gọn, sự lãnh đạo, điều hành được thông suốt, ít tầng nấc trung gian. Việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương được tiến hành một cách nhanh chóng, nhất quán và có hiệu quả hơn. Việc điều hành, kiểm tra, giám sát công việc khối chính quyền được thuận lợi hơn; giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, chủ động, linh hoạt (trừ những vấn đề cần phải bàn bạc thống nhất trong tập thể). Đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch nắm chắc hơn các hoạt động của khối chính quyền trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, việc thực hiện mô hình Bí thư Đảng uỷ cấp xã đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thể hiện sự nhất quán trong nguyên tắc và quan điểm của Đảng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo cho “chiếc cầu nối” giữa Đảng với dân được vững chắc, thông suốt. Theo Báo cáo kết quả điều tra xã hội học đề tài khoa học cấp tỉnh “Nâng cao năng lực Bí thư Đảng ủy cấp xã ở tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay”, có một số ý kiến đã khẳng định: “Đây là mô hình hay. Rất thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Về ưu điểm là thể hiện tốt vai trò, khả năng lãnh đạo nếu biết phân biệt vừa lãnh đạo vừa là điều hành thực hiện nghị quyết sẽ phát huy tác dụng rất lớn”; “là mô hình thích hợp, sẽ tránh được hiện tượng nói không đi đôi với làm, vừa thực hiện sẽ rút ngắn được thời gian và sát với tình hình thực tế hơn”(1).
Mô hình Bí thư Đảng ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực sự đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cấp xã, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, “Thống nhất trong toàn Đảng bộ, không còn bộ phận phân biệt giữa Đảng với chính quyền”(2). Ưu điểm của mô hình này là giúp cho công tác chỉ đạo của cấp ủy; tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân đồng bộ, linh hoạt hơn, Vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chức năng quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền được phát huy tốt hơn; các nhiệm vụ được triển khai kịp thời và có hiệu quả hơn; khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hay tình trạng bao biện làm thay, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền.
Thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tạo cơ sở tốt cho sự phối hợp giữa các bộ phận, giữa các cán bộ làm công tác chuyên môn của cấp ủy và Ủy ban nhân dân ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn. Vị thế của người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền; tính chủ động, sáng tạo được đề cao. Từ đó, tích cực góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện cán bộ giỏi, tạo nguồn cán bộ cho cấp huyện.
Thực hiện mô hình này có tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt; khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ giữa chủ trương và tổ chức thực hiện; khắc phục được những hạn chế trong điều hành. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đồng bộ, linh hoạt hơn. Từ đó, tạo sự thống nhất giữa việc ban hành nghị quyết của cấp ủy với tổ chức thực hiện nghị quyết của chính quyền, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ở địa phương.
Theo Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Số lượng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ ngang nhau. Có một số ý kiến đã khẳng định việc thực hiện mô hình này đã “Đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa Đảng với chính quyền, giữa lãnh đạo và điều hành, tránh được sự không thống nhất và đùn đẩy trách nhiệm”; “Giải quyết nhanh công việc và mang tính toàn diện, nếu công tâm có trách nhiệm cao thì hạn chế là không đáng ngại vì còn nhiều ngành và nhân dân xem xét”; “Có nhiều điều kiện trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra, giám sát”(3).
Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các xã thực hiện thí điểm được tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và triển khai nhanh hơn, bộ máy tinh gọn hơn; các nghị quyết, chương trình công tác của đảng ủy được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc tập trung, nhất quán. Các Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; xác định mục tiêu cụ thể, đề ra được các nhiệm vụ và giải pháp khả thi, đảm bảo mục tiêu phát triển. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong quá trình thực hiện thí điểm, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được tôn trọng, nên chưa nảy sinh biểu hiện độc đoán, chuyên quyền. Với mô hình này, vai trò của Phó Bí thư Đảng ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phát huy được nhiều hơn; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ thể hiện tốt năng lực, uy tín, một số cán bộ trẻ có bước trưởng thành nhanh chóng. Các đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được rèn luyện trong thực tiễn công tác đều đã trưởng thành và giữ các cương vị công tác cao hơn sau khi kết thúc thời gian thực hiện mô hình nhất thể hóa.
(Còn tiếp)
Thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã có tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt; khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ giữa chủ trương và tổ chức thực hiện; khắc phục được những hạn chế trong điều hành. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đồng bộ, linh hoạt hơn. |
(1) Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (2013), Báo cáo kết quả điều tra xã hội học đề tài khoa học cấp tỉnh “Nâng cao năng lực Bí thư Đảng ủy cấp xã ở tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay”, tr.50-51.
(2) Trường Chính trị tỉnh Bình Phước(2013), Báo cáo kết quả điều tra xã hội học đề tài khoa học cấp tỉnh “Nâng cao năng lực Bí thư Đảng ủy cấp xã ở tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay”, tr.50.
(3) Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (2013), Báo cáo kết quả điều tra xã hội học đề tài khoa học cấp tỉnh “Nâng cao năng lực Bí thư Đảng ủy cấp xã ở tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay”, tr.48-49.