Thay vì “công cụ” chủ lực là điểm số, theo thông tư 22 (năm 2021) được Bộ GD-ĐT ban hành áp dụng cho học sinh trung học, sẽ sử dụng cả hình thức nói, viết để đánh giá sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện của học sinh.

Cụ thể, theo Thông tư 22, sẽ có những môn học đánh giá chỉ bằng nhận xét như Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Các môn học còn lại sẽ được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.

Thầy giáo Ngô Huy Tâm (Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế Phenikaa School) cho rằng, việc giáo dục Việt Nam bắt đầu khuyến khích, phát triển năng lực đánh giá thường xuyên, trong đó có sử dụng hình thức đánh giá bằng nhận xét của giáo viên, là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế giáo dục tiến bộ quốc tế.

Mặc dù vậy, làm sao để tránh được việc triển khai hình thức, đối phó là điều không dễ. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả:

Thầy cô làm gì khi điểm số không còn là 'thước đo' duy nhất?

Thầy giáo Ngô Huy Tâm

Trước hết, cần phải hiểu, về mảng kiểm tra đánh giá trong các nền giáo dục hiện đại có hai mục cơ bản là đánh giá tổng kết và đánh giá thường xuyên (đánh giá quá trình).

Trong một thời gian dài, giáo dục Việt Nam vốn tập trung chủ yếu vào hình thức kiểm tra đánh giá qua các bài đánh giá tổng kết. Hình thức kiểm tra này thường được chuẩn hóa bằng cách chấm điểm cho học sinh theo một thang điểm cụ thể.

Trong khi đó, mảng đánh giá thường xuyên – thường được biểu lộ qua các hoạt động phản hồi, động viên, gợi ý – lại là hình thức chưa được chú trọng đầy đủ. Do đó, khi đưa hình thức này vào, chắc chắn sẽ còn những cách hiểu, cách triển khai chưa đồng bộ.

Cụ thể, nếu các cấp quản lý cơ sở áp dụng đánh giá thường xuyên như một chỉ tiêu cho giáo viên, chắc chắn sẽ tạo áp lực vô hình khiến giáo viên đối phó do phải quan sát học sinh theo từng tiết, từng ngày, từng tuần.

Về mặt bản chất, việc đánh giá thường xuyên phải xuất phát từ nguyện vọng và mong muốn của giáo viên trong việc thấu hiểu học sinh, từ đó mới có thể có can thiệp đặc biệt hoặc dạy học phân hóa. Việc nhận xét nếu chung chung, không có định hướng không thể coi là đánh giá thường xuyên. Cho nên, nếu giáo viên thực sự muốn đánh giá học trò thì phải thực sự theo sát, trao đổi, quan tâm tới từng em học sinh.

Bên cạnh đó, đánh giá thường xuyên có rất nhiều hình thức. Chúng ta không nên cố gắng chuẩn hóa cứng nhắc nghiệp vụ này, vì nếu không sẽ tạo thành đánh giá tổng kết, đánh mất sự linh hoạt vốn là điểm mạnh của đánh giá thường xuyên. Tất nhiên, giáo viên cũng không được nhầm rằng cứ với hoạt động nhận xét động viên (không tính điểm) sẽ là đánh giá thường xuyên.

Do đó, nghiệp vụ đánh giá thường xuyên vừa cần được đào tạo, vừa cần được truyền cảm hứng cho các thầy cô thì mới có thể phát huy hiệu quả thực chất

Ngoài ra, việc đánh giá thường xuyên cần phụ thuộc vào năng lực quan sát, đánh giá khách quan học sinh trong toàn bộ quá trình giảng dạy, học tập. Việc sĩ số lớp quá cao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng đến khả năng đánh giá thường xuyên chính xác của các thầy cô.

Tôi cho rằng, để đánh giá tổng thể một học sinh, ngoài đánh giá thường xuyên vẫn cần phải có đánh giá tổng kết. Đây là hai hoạt động đánh giá bổ trợ cho nhau chứ không phải thay thế, phủ định nhau.

Tất nhiên, trong giáo dục hiện đại, điểm số cũng chỉ được coi như là một trong nhiều dữ liệu học tập. Các dữ liệu còn lại cũng cần được đánh giá như mức độ tập trung, mức độ tham gia học tập, mức độ hào hứng với chủ đề, năng lực vượt khó,…

Để triển khai hiệu quả, thiết nghĩ, việc đầu tiên các cấp lãnh đạo phải thực hiện là đánh giá quá trình, đánh giá thường xuyên với giáo viên. Qua việc đánh giá này, lãnh đạo mới nắm bắt được thầy cô nào đã hiểu đúng, có năng lực đánh giá học sinh hay chưa.

Do đó, để triển khai những thay đổi này trên diện rộng, ngoài việc có chính sách là kim chỉ nam, điều chúng ta cần bây giờ là phải tạo ra những thành công ở quy mô nhỏ, rồi dần dần nhân rộng ra, chắc chắn chính sách ấy sẽ thành công.

Ví dụ, giáo viên cần biết rõ: Ngôn ngữ sử dụng đánh giá nhận xét học sinh như thế nào là phù hợp? Tần suất đánh giá ra sao? Khi nào thì cần đánh giá? Đánh giá xong thì bước can thiệp, hành động tiếp theo là gì?,…

Đến khi giáo viên không còn hoang mang thì bắt đầu triển khai diện rộng. Như vậy mới tránh được việc làm hình thức, đối phó.

Nếu không được tập huấn, không được truyền cảm hứng rằng nghiệp vụ này mang lại những giá trị giáo dục lớn cho học sinh ra sao, tôi cho rằng, các thầy cô sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai.

Có một điều đáng mừng, khi dạy học online, tôi có quan sát được một bộ phận thầy cô đã thực hiện đánh giá thường xuyên qua các app công nghệ. Các thầy cô đã khuyến khích sự học tập của học sinh bằng các sticker, các điểm sao cho các hành vi học tập tích cực,…

Vì thế, tôi nghĩ, để hoạt động này bớt là gánh nặng, giáo viên cũng có thể ứng dụng công nghệ, từ đó sẽ tiết kiệm thời gian và cả giấy vở khi thực hiện hoạt động đánh giá thường xuyên. Đây cũng là một xu hướng nổi trội trong giáo dục thế giới trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ GD-ĐTđánh giá học sinhđổi mới giáo dụchọc sinh

Các tin liên quan đến bài viết