Sau kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, đáp án của một mã đề thi được lan truyền trên mạng, dù ĐH này không công bố đề thi. Phía ĐH Quốc gia TP.HCM cũng chia sẻ lý do không công bố đề thi với VietNamNet.
Hai lý do khiến thất thoát đề thi
Sau kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, trên mạng lan truyền đề thi cùng đáp án của một mã đề.
ĐH Quốc gia TP.HCM không công bố đề thi, thí sinh thi xong phải nộp lại đề thi và giấy nháp. Câu hỏi đặt ra là đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM bị thất thoát ra ngoài bằng cách nào?
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay đây là chuyện dễ hiểu. Sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức thi đánh giá năng lực, sẽ có đáp án và đề thi trên mạng.
Lý do các trung tâm luyện thi sẽ lấy đề thi từ thí sinh. Họ cử người đi dự thi hoặc nhờ luôn thí sinh là những người tham gia luyện thi của trung tâm để lấy thông tin. “Có khả năng các trung tâm sẽ giao cho thí sinh mỗi người nhớ một số câu và sau đó tổng hợp lại”- Tiến sĩ Chính nói.
“Chúng tôi không thấy quá lo lắng vì bất kì một kỳ thi nào cũng có người quan tâm, đặc biệt các trung tâm luyện thi, nên đa số thông tin sẽ lấy từ đây”, Tiến sĩ Chính nói thêm.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay sau kỳ thi, thống kê thấy có hơn 100 người tham gia dự thi có độ tuổi trên 30. Do vậy, khả năng những người này đi thi để lấy đề.
Ông Chính khuyến cáo, tất cả những thông tin trên đều không phải là thông tin chính thống của ĐH Quốc gia TP.HCM, những câu hỏi ghi lại trên đề nổi trôi trên mạng chưa chắc chính xác vì ghi theo trí nhớ.
Lý do thứ hai, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, trong quá trình tổ chức thi, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng ghi nhận những trường hợp hội đồng thi thu đề không đầy đủ, do sơ suất của cán bộ coi thi.
“Một vài trường hợp như thế, có thể do họ sơ suất, không phải cố tình, nhưng điều này không ảnh hưởng tới kỳ thi vì mọi thứ đã xong”- Tiến sĩ Chính khẳng định.
Lý do ĐH Quốc gia TP.HCM không công bố đề thi
Nhiều năm tổ chức thi đánh giá năng lực nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM không công bố đề thi. Trước đó, chia sẻ với VietNamNet, giám đốc tuyển sinh một trường đại học cho hay, ĐH Quốc gia TP.HCM không công khai đề thi cũng giống như thi TOEFL, TOEIC. Tuy nhiên, đây là một kỳ thi tuyển sinh đại học và được nhiều trường sử dụng kết quả để xét tuyển, vì vậy ĐH Quốc gia TP.HCM nên công khai đề thi.
Việc công khai đề thi để thí sinh có cơ sở nghiền ngẫm, đối chiếu kết quả và nếu đợt 1 các em chưa làm bài như ý sẽ rút kinh nghiệm cho đợt sau. Bản chất của kỳ thi là đánh giá năng lực thí sinh nên phải để xã hội biết đánh giá năng lực gì và học sinh cần những năng lực nào để vào đại học.
Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng, ĐH Quốc gia TP.HCM nên công khai đề thi đánh giá năng lực. Kỳ thi đánh giá năng lực nhưng người dân không biết thí sinh được đánh giá những năng lực gì sẽ không hợp lý. Mặt khác, dư luận sẽ đặt câu hỏi ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia TP.HCM có bao nhiêu đề, bao nhiêu câu hỏi…?
(Ảnh
Thẳng thắn trao đổi về vấn đề này với VietNamNet, TS Nguyễn Quốc Chính nói rằng: Quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM rất rõ ràng, thi để đánh giá quá trình học của thí sinh, do vậy học quan trọng, thi không phải quan trọng.
“Đề thi đánh giá năng lực hỏi tổng quát rộng, đánh giá những năng lực cơ bản của thí sinh, nếu chúng ta công bố đề thi cuối giờ thi là đang cổ súy cho việc thi, chứ không phải cổ súy cho việc học. Xã hội sẽ quan tâm đến việc luyện đề hay những thủ thuật để giải đề tốt – đây không phải là chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM coi kỳ thi rất nhẹ nhàng, thí sinh học là quan trọng nhất”.
Mặt khác, theo TS Chính, việc công bố đề không ảnh hưởng, không làm nâng cao chất lượng của kỳ thi, không làm nâng cao năng lực của thí sinh khi đi học. Ngược lại, làm cho xã hội hiểu nhầm rằng, ĐH Quốc gia TP.HCM quan tâm đến kỳ thi chứ không phải việc học.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn kiên định như thế. Việc xã hội biết 120 câu hỏi đề thi đánh giá năng lực không có giá trị tốt về mặt phát triển học thuật, mà có tác dụng xấu làm định hướng đi luyện thi. Chúng tôi quan tâm đến chất lượng học tập chứ không phải thí sinh luyện thi như thế nào”.
TS Nguyễn Quốc Chính cũng chia sẻ, hiện nay ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM rất lớn, với trên 5.000 câu hỏi. Từ ngân hàng này nếu, mỗi đề thi 120 câu, số tổ hợp đề vô cùng lớn. Mỗi năm, sau khi thi xong những câu hỏi đã thi không được sử dụng lại, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục bổ sung vào ngân hàng nhiều câu hỏi.
“Do vậy, xác suất thí sinh luyện một số đề thi để hy vọng “trúng tủ” hoặc cách làm là vô cùng ít. Chúng tôi khuyên thí sinh không cần phải luyện thi”.
Nguồn: vietnamnet