Mình đừng yêu cầu cuộc sống phải như lúc chưa hề có bóng dáng Covid-19. Tôi quan niệm “khéo co thì ấm”.
Đại dịch Covid-19 đã “tấn công” toàn diện con người, từ sức khỏe, tinh thần đến túi tiền, công việc, sự tự do… Đến thời điểm này, nhiều người ở trong vùng dịch, nhất là TP.HCM đã thấm đòn, lay lắt với sự bất an, nhất là nguy cơ mất việc, giảm thu nhập, phải trở về quê.
Những bữa ăn đơn sơ, tiết kiệm được nhiều người hưởng ứng về lối sống tối giản. |
Ở không hơn tháng rồi
T. quê ở Bình Phước chia sẻ như thế khi chúng tôi hỏi tình hình công việc trong cơn đại dịch. Nhưng may mắn, do nhà ở gần TP.HCM nên khi hay tin giãn cách xã hội toàn thành phố ở mức độ nghiêm ngặt hơn, bạn đã kịp về quê lánh dịch.
“Về được quê nhà thì cũng đỡ lo, cả nhà ở gần nhau nên không phải người ở xa sợ người thân mình có bề nào không giúp được”, T. chia sẻ. Cũng theo T., có những người bạn cùng công ty, nhà ở miền Trung, miền Bắc kẹt lại TP.HCM nên gặp không ít khó khăn, từ sinh hoạt đến tài chính.
Nói về cảm xúc trong đợt dịch này, T. cho biết, ngộ ra nhiều điều, nhất là sự vô thường của cuộc sống. “Những giá trị trước đây mình nghĩ là khó thay đổi nhưng rồi đại dịch đã làm cho đổ sập. Nhiều bạn bè mình trước đây có công việc hái ra tiền trong lĩnh vực dịch vụ, làm tiếp viên hàng không hay ở các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn 5 sao… đều rơi vào cảnh khó khăn”, T. chia sẻ.
Tất nhiên, vẫn còn gánh gồng được nhưng với tình hình này không biết bao giờ mới ổn lại nên hầu hết ai cũng lo. “Trước đây bản thân tôi cũng làm kha khá, vừa có lương vừa phụ cấp nên cũng đỡ, có để dành chút đỉnh nhưng nghỉ ở không hoài, nhiều khoản chi mà không có thu nên tích lũy cũng vơi dần”, T. bày tỏ.
Cũng trong cảnh giảm việc và ở nhà hai tháng nay, anh M. cho biết rất căng thẳng vì những khoản chi cố định. Theo đó, anh và vợ cùng đứa con nhỏ đang ở trong một căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức nhưng tiền nhà phải trả góp. Trong khi đó, tiền ăn uống, sữa tã của con cũng tốn kém khá nhiều. Đã vậy, anh còn mua một bảo hiểm cho mình và cho con, xem như khoản để dành hàng quý, thì đến nay nó trở thành “món nợ”, đến hẹn lại lên.
“Sắp tới tôi tính xin hoãn đóng kỳ bảo hiểm vào tháng 9. Chỉ mong mọi thứ dần được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường”, anh M. nói.
Hiện tại, hai vợ chồng anh M. cũng đã có kế hoạch giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng dài hạn nhằm cứu vãng “ngân khố” gia đình. Theo anh, những suất du lịch của gia đình đã từng đi như trước đây sẽ tạm cắt hết; tiền chợ, tiền sinh hoạt, điện nước cũng có biện pháp giảm thiểu. “Lúc này, mỗi nhà cần giảm các sinh hoạt không cần thiết, tiết kiệm được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu”, anh M. chia sẻ.
Nhiều cách tiết kiệm
ThS. Lê Trường An, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM chia sẻ, trong gần hai tháng ở nhà chống dịch, công việc anh vẫn diễn ra mỗi ngày. Theo đó, ThS. An dạy online và thu nhập gần như không bị giảm, song theo anh việc tiết kiệm trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng là việc cần thiết.
“Hằng ngày không phải đi ra đường, tôi tự pha ca phê. Buổi sáng tôi có thể chấm một ổ bánh mì 6.000 đồng với sữa ăn vẫn thấy rất ngon. Thực ra, vấn đề ở chỗ chúng ta có muốn tiết kiệm hay không mà thôi”, ThS. Lê Trường An nói.
Trong khi đó, bạn Đỗ Minh Hiếu, một dịch giả làm công việc tự do cho biết, vẫn có thể sống được với vài triệu mỗi tháng. “Mình đừng yêu cầu cuộc sống phải như lúc chưa hề có bóng dáng Covid-19. Tôi quan niệm “khéo co thì ấm”, mình phải vui vẻ với hiện tại khó khăn để từng bước tháo gỡ, từng bước đi qua những thiếu thốn vốn dĩ do thu nhập giảm sút”, Minh Hiếu chia sẻ.
Theo đó, anh đã tập sống đời sống “ít muốn biết đủ” ngay trong dịp giãn cách xã hội dài ngày bằng một chế độ ăn tối giản: sáng một trái bắp hoặc vài củ khoai lang luộc; trưa ăn cơm với rau củ xào hoặc một món mặn và ít đồ luộc; chiều có thể ăn nốt đồ ăn còn lại từ buổi trưa một cách nhẹ nhàng. Theo Hiếu, khi mình nhìn đồng bào ngoài kia còn khó khổ hơn do ảnh hưởng của dịch mình sẽ chấp nhận được khó khăn, cảm ơn vì mình còn dễ thở hơn.
Những bữa ăn đơn sơ, tiết kiệm được Hiếu tự nấu và đưa lên mạng để chia sẻ cùng bạn bè. Từ đó, nhiều người hưởng ứng sống tối giản như Hiếu. |
Với Trần Thị Cẩm Tú, nhân viên của một quán cà phê thì: “Em đã không còn thói quen mua đồ online vài tháng nay. Bài toán chi tiêu phải tính lại để không thâm lạm nhiều. Mua hàng online có khiến mình vui được chút ít khi đặt và nhận hàng nhưng lo dài dài sau đó”.
Theo Tú, ngày chưa có dịch, Tú đã từng dễ dãi với mua sắm, nhất là đặt hàng online. “Em nghĩ cần phải tích cốc phòng cơ để cuộc sống dù có khó khăn ập tới mình không bị đánh gục ngay tại chỗ”, Tú nói như vừa rút ra bài học quan trọng của đời mình.
Nguồn: vietnamnet