1,8 triệu tài khoản thanh toán mở trong 6 tháng qua. Nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới nhưng thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.

Thanh toán không tiền mặt: Tăng trưởng trong vài tháng bằng vài năm - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán qua ví Momo tại một quán cà phê trên đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM 
Từ chỗ không còn chọn lựa nào khác vì không thể mua bán trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt, đến nay người dân đã sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt như một sự lựa chọn hàng đầu, vì tiện và có lợi.

Bấm chuông – giao hàng – tiền chuyển khoản sau

Chị Nguyễn Thu Uyên (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, đang chờ 4 đơn hàng sẽ giao trong ngày mai là thuốc, bộ drap gối, giỏ hoa treo ở bancông… Gần 3 tháng Hà Nội giãn cách, không ra khỏi nhà nên từ thực phẩm, rau xanh, đồ uống đến sách, quần áo đều được chị đặt mua online.

Hàng được vận chuyển đến tận cửa. Tiền điện, điện thoại, học phí cho con… cũng chuyển khoản. Việc thanh toán quá tiện lợi, không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn không tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm dịch COVID-19.

Anh L.M.Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, có những thứ tưởng chừng chỉ mua tại cửa hàng như điện thoại, máy tính thì giờ đều đặt online. Thanh toán thì trả qua app của ngân hàng để được khuyến mãi, giá ưu đãi hơn.

Tại TP.HCM, trải qua 5 tháng dịch bệnh, thói quen mua và thanh toán online đã ăn sâu vào cả người mua lẫn người bán. Đặt mua 10 hộp khẩu trang qua mạng trưa 13-11, chiều cùng ngày người mua đã giao đến tận nhà chị Trúc (TP Thủ Đức). Nghe bấm chuông, người nhà chị ra nhận và người bán rời đi, không có đoạn trả tiền và thối tiền mặt như trước dịch. Thay vào đó, giá tiền và thông tin tài khoản của người bán được ghi trong tờ giấy nhỏ phía trong thùng hàng. Kiểm tra xong, chị Trúc mở app ngân hàng thanh toán. Phong cách mua bán mới tự nhiên đã được xác lập dù hai bên mới chỉ giao dịch lần đầu với nhau.

Anh Minh Hoàng (Bình Thạnh) kể sau một mùa dịch dài anh không còn xa lạ gì với kiểu hai bên mua bán dù không biết mặt nhau nhưng vẫn cứ giao hàng, chuyển tiền.

Anh kể vừa qua anh cần mua ghế cho con, bên bán đã đề nghị thanh toán qua chuyển khoản hoặc ví điện tử chứ không ship COD (giao hàng – nhận tiền) như trước.

Tại các cửa hàng, ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều người vẫn rất ngại giao dịch tiền mặt, thay vào đó trả bằng ví điện tử hoặc cà thẻ, vừa tiện, đỡ phải nhận tiền mặt lại tận hưởng được các chương trình khuyến mãi, hoàn tiền của ngân hàng, trung gian thanh toán tung ra dịp 11-11.

Đến cuối tháng 9-2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110,92 triệu tài khoản, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vụ Thanh toán, NH Nhà nước

Thanh toán không tiền mặt: Tăng trưởng trong vài tháng bằng vài năm - Ảnh 3.

Người dân thanh toán tiền xăng bằng thẻ tín dụng tại cây xăng trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM chiều 10-11

Tăng trưởng trong vài tháng bằng vài năm

Ông Lê Hải Bình – phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) – cho hay dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Nếu không xảy ra đợt dịch vừa qua thì để có được sự thay đổi ấy có khi cần vài năm, nhưng do dịch nên chỉ mất vài tháng.

Vừa qua khảo sát của Visa cho thấy COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. 77% người tiêu dùng VN biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng VN ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè.

Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới thì thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Đỏ – cho rằng hiện nay do dịch bệnh COVID-19 và ai cũng phải thực hiện 5K nên người mua hàng tự chuyển đổi hành vi tiêu dùng và thanh toán. Người tiêu dùng đã chủ động sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt.

“Ngày trước khi chưa có dịch, nhiều giao dịch đặt hàng thì online, nhưng khi hàng đến mới trả bằng tiền mặt. Còn kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhất là đợt dịch vừa qua, xu hướng là thanh toán trước. Khi hàng đến thì người vận chuyển chỉ bấm chuông hoặc gọi điện cho người mua để thông báo hàng đã được đặt ở cửa” – ông Dũng nói.

Thanh toán không tiền mặt ở Sen Đỏ tăng trưởng mạnh, theo ông Dũng, trong đợt dịch vừa qua đạt 70-80% trong khi năm 2020 tỉ lệ này chỉ bằng một nửa, khoảng 30-40%. Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng rất mạnh do các ví có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi rất lớn và liên tục cho người mua hàng như miễn phí vận chuyển, giảm giá, tặng voucher…

“Việc khuyến mãi ban đầu chỉ để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn thanh toán điện tử. Còn khi đã thanh toán qua ví, qua ngân hàng rồi nó trở thành thói quen. Bởi dễ thao tác, người dùng thấy sự tiện lợi của thanh toán trực tuyến” – ông Dũng nói.

Đại diện HDBank cho biết các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh ngân hàng điện tử của HDBank đều tăng trưởng cả trong và sau dịch. Số lượng người dùng mobile banking vượt 20% so với cùng kỳ 2020, doanh số giao dịch 9 tháng 2021 vượt cả năm 2020 so với cùng kỳ và duy trì tốc độ tăng trưởng đều.

Thanh toán không tiền mặt: Tăng trưởng trong vài tháng bằng vài năm - Ảnh 4.

Bạn trẻ thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua quần áo trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM

1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, ngay từ đầu năm một số ngân hàng và trung gian thanh toán đã phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử để có những chương trình kích thích người tiêu dùng đặt hàng trực tuyến và thanh toán online nhiều hơn.

Đơn cử VietinBank phối hợp với Sen Đỏ đưa ra chương trình ưu đãi đối với người tiêu dùng khi sử dụng thẻ đồng thương hiệu của VietinBank với Sen Đỏ thì được miễn phí vận chuyển trọn đời cho tất cả đơn hàng. Rõ ràng lợi ích rất thiết thực với người mua hàng.

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế bị tác động bởi giãn cách xã hội, hoạt động thanh toán không tiền mặt vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ.

Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Qua kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị.

Đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110,92 triệu tài khoản, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, từ tháng 3 đến hết tháng 9, có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử. Số lượng giao dịch đạt hơn 4,6 triệu món.

Chính sách giảm phí cũng là cú hích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số phí giảm qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và chuyển mạch bù trừ điện tử là 1.557 tỉ đồng. Nhiều tổ chức tín dụng cũng có thêm các chính sách miễn, giảm phí chuyển tiền qua các kênh điện tử, miễn phí chuyển khoản… cho khách hàng.

Thanh toán không tiền mặt: Tăng trưởng trong vài tháng bằng vài năm - Ảnh 5.

Nguồn

6%

Đó là số người được VISA khảo sát cho biết họ nghĩ sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa.

16,39 triệu ví điện tử đang hoạt động

Tính đến hết ngày 30-6-2021, tại VN có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).

VN tăng trưởng mạnh mẽ thương mại điện tử

qd_ngaykhongtienmat_sacombankpay_5 6(read-only)

Khách hàng thanh toán tiền mua trang sức bằng Sacombank Pay tại một cửa hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM chiều 12-11 

Quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt thời gian qua giúp người dân vừa tiện, vừa lợi đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thế Quang, phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), nhận định dịch COVID-19 là cú hích, tác động rất tích cực cho sự phát triển của thương mại điện tử. Nhiều người chưa bao giờ mua hàng, bán hàng online nhưng đã bắt đầu có trải nghiệm đầu tiên.

Theo báo cáo về người tiêu dùng ở Đông Nam Á, hiện nay có thêm 8 triệu người tiêu dùng tại VN sử dụng kỹ thuật số và hơn một nửa trong số này không phải đến từ các thành phố lớn. 44% người dân lần đầu tiên có giao dịch thương mại điện tử trong năm 2021.

Với bối cảnh mua sắm không tiếp xúc và mua sắm 5K thì 84% người tiêu dùng đã chấp nhận sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt một cách rất tự nhiên.

Với dân số gần 100 triệu dân ở VN, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển. Hiện nay, số lượng người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử chưa nhiều, chủ yếu là ở Hà Nội và TP.HCM. Do đó, thương mại điện tử cùng với thanh toán không tiền mặt sẽ còn phát triển mạnh mẽ.

Theo báo cáo đánh giá của Google, thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á tăng trên 60%, riêng VN tăng trưởng năm 2021 còn cao hơn khu vực với 68%.

99% muốn tiếp tục dùng dịch vụ trực tuyến

Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company nhấn mạnh: nền kinh tế kỹ thuật số của VN được dự đoán sẽ đạt 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai ASEAN sau Indonesia. Năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của VN dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD, nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo này cũng cho rằng từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, VN đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới với hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Đặc biệt, 99% người tiêu dùng số VN có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai.

Tại VN, các dịch vụ tài chính số đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán số.

Nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay nhiều chính sách, quy định quan trọng thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng, triển khai. Đó là Ngân hàng Nhà nước hoàn thành trình Thủ tướng ký quyết định số 316 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile-money).

Dịch vụ này hướng tới đối tượng khách hàng không có tài khoản thanh toán, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông thẩm định xong hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ mobile-money của ba doanh nghiệp viễn thông, dự kiến có văn bản chấp thuận trong tháng 11 này.

Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt ra một loạt mục tiêu như giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm…

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng kế hoạch triển khai đề án để đảm bảo triển khai kịp thời, có hiệu quả và đạt mục tiêu đặt ra.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bình thường mớichuyển khoảnCOVID-19thanh toán không tiền mặttiền mặt

Các tin liên quan đến bài viết