Với chủ đề “Mobile Payment – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 là cơ hội để các nhà quản lý và các chuyên gia thảo luận để tìm các giải pháp phát triển hệ sinh thái thanh toán di động.
Các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia hàng đầu về ngân hàng, tài chính, công nghệ… cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam.
“Thiên thời địa lợi” để thúc đẩy thanh toán di động
Theo bà Annie Zhang đến từ Discover Financial Service, có nhiều xu hướng phát triển thanh toán trên di động (Mobile Payment- MP) và đang có nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng thanh toán trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, bà Zhang cũng nhấn mạnh “Điều quan trọng khác là phải làm thế nào để đảm bảo tính an toàn an ninh trong thanh toán trên điện thoại. Vì nếu xảy ra một trục trặc gì thì sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, niềm tin của họ…”
Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, đại diện các ngân hàng Vietinbank hay các chuyên gia Fintech đều đề cập đến công nghệ QR code như một công nghệ phù hợp với thị trường VN, người dùng dễ tiếp cận.
Đại diện Moca – ông Trần Thanh Nam cho biết trong điều kiện các máy thanh toán POS ở VN mới đáp ứng 10% nhu cầu thanh toán bằng thẻ thì việc phát triển công nghệ thanh toán bằng QR code là một hướng khả thi.
Hiện nay ở VN, thanh toán bằng QR code đã có thể triển khai đến các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, thậm chí là quán ăn đường phố…
Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, việc chuyển dịch từ Internet banking sang Mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng.
Dù đã có những phát triển vượt bậc trong việc hỗ trợ thanh toán nhanh, góp phần thúc đẩy lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thanh toán qua Mobile Banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân. Ngoài tokenization, VietinBank hiện cũng triển khai mobile payment thông qua QR code.
Theo ông Lân, tại Việt Nam tiềm năng thanh toán qua QR code là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9-2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm.
Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code. Tuy nhiên, “Hiện vẫn có sự manh mún trong phát triển QR code tại Việt Nam”, ông Lân nhận xét.
Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, để QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế thanh toán bằng tiền mặt, trước tiên cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam.
“Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các Ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán”, ông Trần Công Quỳnh Lân đề xuất – “Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code. Thứ ba, từ bản thân người dân cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn”.
Sẽ có chuẩn QR code chung cho Mobile Payment
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cũng cho biết, hiện BIDV đang kiến nghị Chính phủ, ngân hàng phát triển hệ sinh thái cho Mobile Payment. Ông Lực đưa ra các đề xuất: Thứ nhất, sớm thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện. Thứ hai là tạo ra chuẩn hoá liên quan tới cơ sở hạ tầng, pháp lý như chuẩn hoá về QR Code, Tokenization… Cuối cùng, nâng cao ý thức người dân, khách hàng về thanh toán không dùng tiền mặt.
“Ngoài ra, các ngân hàng và Fintech cùng nhau phát triển dịch vụ, sản phẩm tốt hơn cho khách hàng, tránh hiện tượng khách hàng mở quá nhiều tài khoản, QR Code mà không thống nhất”- Ông Lực nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc NAPAS khẳng định “Sẽ có chuẩn QR Code chung, thống nhất” khi ông Vũ Viết Ngoạn đặt vấn đề: “Chúng ta thấy rõ mối liên kết giữa hạ tầng kỹ thuật, thương mại và tài chính để có hệ sinh thái tốt. Với vai trò là đơn vị chuyển mạch quốc gia, chịu trách nhiệm triển khai hạ tầng thanh toán, NAPAS đã và đang chuẩn bị gì để hỗ trợ các bên trong triển khai Mobile Payment ở Việt Nam?”.
Ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết, “10 năm qua chúng tôi đã kết nối, liên thông hệ thống thẻ ngân hàng tạo nên cơ sở hạ tầng thanh toán, đóng vai trò nền tảng quan trọng trong thúc đẩy thanh toán số, di động. NAPAS đang tiêu chuẩn hoá công nghệ thẻ, chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Lộ trình của Ngân hàng Nhà nước tới năm 2020 khi Việt Nam cơ bản chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, thì ngoài việc triển khai Samsung Pay tới đây có thể sẽ xuất hiện thêm Apple Pay…”
Chia sẻ khó khăn mà các Fintech đang gặp phải khi phải kết nối với nhiều ngân hàng khác nhau, ông Hùng thông tin: NAPAS đang triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động, ngoài giúp ngân hàng còn giúp các đơn vị trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể đơn giản hoá kết nối, chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ ngân hàng…
Ngoài ra, NAPAS cũng đang phát triển hệ thống nền tảng số hoá Tokenization và QR Code … nhằm tăng mức độ an toàn, bảo mật các giao dịch trên nền tảng Internet.
Riêng về QR Code, Phó tổng giám đốc NAPAS cho rằng “Đây sẽ là xu thế tất yếu”. Vì thế Napas đang cùng các cộng sự sẽ đưa ra mã QR Code chung, thống nhất. “Tới đây mỗi người dùng tới đây chỉ cần 1-2 mã QR Code là có thể thanh toán”, ông Hùng nói.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, thanh toán di động là một xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết. Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng, tiến bộ của sản phẩm công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động …
Đồng thời, nhà quản lý sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Với chủ đề “Mobile Payment – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 có ba phiên thảo luận với gần 20 diễn giả uy tín hàng đầu trong và ngoài nước gồm các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tài chính- ngân hàng, chuyên gia trong lĩnh vực Fintech trong nước và quốc tế… cùng tham gia thảo luận dưới sự điều phối của bà Đàm Bích thuỷ, Chủ tịch trường ĐH Fulbright Việt Nam và ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. 700 quan khách cùng khách mời đã tới tham dự diễn đàn VEPF 2017.
Trong năm thứ ba tổ chức, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 còn có khách mời đặc biệt là tỷ phú Jack Ma – Chủ tịch Tập đoàn Alibaba – hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Tại diễn đàn, Jack Ma đã có một phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay) và câu chuyện toàn cầu hoá của nền tảng thương mại lớn nhất thế giới Alibaba.
Nguồn: tuoitre.vn