Các xe bọc thép nối đuôi nhau chạy trên đường băng sân bay. Các khẩu đội tên lửa Patriot do Mỹ triển khai ở Rzeszow từ tháng 3, đang rà quét bầu trời phía trên thành phố đông nam Ba Lan. Các máy bay quân sự hạ cánh, bốc dỡ hàng, rồi cất cánh gần như suốt ngày đêm.
Bên trong sảnh đến của sân bay Rzeszow, một vài tình nguyện viên nước ngoài chiến đấu cho Kiev ở Ukraine, bao gồm cả một cựu quân nhân Mỹ, đang thu dọn hành lý của họ.
Sân bay nằm ngay phía bắc Rzeszow trước đây từng tiếp đón chỉ một vài chuyến bay mỗi ngày. Tuy nhiên, chiến sự Nga – Ukraine đã biến sân bay thành nơi trung chuyển chính cho các vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev. Hoạt động cũng đang biến đổi chính thành phố biên giới này.
Hồi đầu năm nay, Rzeszow, nơi chỉ cách biên giới Ukraine một giờ đi tàu, là thành phố lớn thứ 15 ở Ba Lan với dân số chưa đến 200.000 người. Kể từ khi giao tranh bùng phát ở Ukraine, khoảng 100.000 người tị nạn đã đến đây. Tùy thuộc vào số lượng người tị nạn lưu lại, thành phố hiện có thể lớn thứ 10 ở Ba Lan.
Theo tạp chí The Economits, các công dân Ukraine không phải là những người duy nhất mới đến Rzeszow. Các nhà ngoại giao nước ngoài, binh lính Mỹ và các nhân viên cứu trợ đang xuất hiện tràn ngập tại các khách sạn và nhà hàng trong thành phố. Một nhân viên phục vụ tỏ ra ngạc nhiên khi một khách hàng nói tiếng Ba Lan.
Thị trưởng Konrad Fijolek kể, lúc chiến sự mới bùng phát, nhiều người đã đặt câu hỏi về địa điểm xây dựng các trại tị nạn trong thành phố. Cho đến nay vẫn chưa có cơ sở nào như vậy. Chỉ một phần nhỏ những người đi sơ tán sống trong những nơi trú chân tạm thời. Số còn lại được người dân địa phương tiếp nhận hoặc tự thuê nơi ở.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, các chuyến hàng viện trợ khẩn cấp, được chất trên xe buýt, xe tải và xe khách, bắt đầu lăn bánh từ Rzeszow đến miền tây Ukraine. Ngày 22/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Rzeszow là “thành phố cứu tinh” của quốc gia Đông Âu này.
Sự nồng ấm khiến ngay cả những người dân địa phương cũng phải ngạc nhiên. Các mối quan hệ ở khu vực biên giới từng bị ám ảnh bởi những ký ức về Thế chiến hai – các cuộc tàn sát người Ba Lan của những người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan; các hoạt động thanh lọc sắc tộc của các đảng phái ở Ba Lan đối với người Ukraine, … Ông Fijolek cho biết, những mối hận thù đang phai nhạt này đã bị cuộc khủng hoảng ở Ukraine xóa sổ.
Đáng chú ý, nền kinh tế địa phương đang phát triển mạnh. Hãng sản xuất động cơ cho các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, một trong nhiều công ty hàng không đặt trụ sở tại Rzeszow, là doanh nghiệp sử dụng lao động lớn nhất khu vực. Rzeszow cũng đóng vai trò như một trung tâm về công nghệ thông tin và dược phẩm.
Tuy nhiên, người Ukraine đang phải vật lộn để tìm được việc làm tốt tại đây. Oksana Hluschko, chủ một hiệu thuốc ở thủ đô Kiev của Ukraine trước xung đột, hiện làm nhân viên dọn phòng tại một khách sạn ở ngoại ô Rzeszow. Cô đã đăng ký các lớp học tiếng Ba Lan và có kế hoạch trở thành một dược sĩ được cấp phép hành nghề ở nước láng giềng.
Nhiều người tị nạn Ukraine đã đến Rzeszow trước khi di chuyển tới các thành phố lớn hơn hoặc hồi hương. Ola Filaretova, một vũ công ba lê từ Dnipro (Ukraine) cùng 2 con đã trở lại Rzeszow sau vài tuần lưu lạc ở những nơi khác thuộc Ba Lan. Con gái út của cô đã rất nhớ thành phố và những người bạn mới ở đây.
Cô Filaretova lại nhớ cảm giác ở gần quê hương hơn. “Chỉ còn 100km nữa là đến biên giới. Điều đó làm cho mọi thứ dễ chịu hơn”, bà mẹ 2 con tâm sự trong nước mắt.
Nguồn: vietnamnet