Với ý chí và nghị lực vượt khó, lại dám nghĩ, dám làm và ham học hỏi, chị Hà Thị Hạnh ở thôn Tân Lực, xã Bù Nho (Phú Riềng) đã vươn lên làm giàu từ trồng nấm.

TÌM LỐI ĐI RIÊNG

Đến thăm hộ chị Hà Thị Hạnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trại trồng nấm được chị đầu tư rất quy mô. Chị cho biết: Năm 2012, thấy trồng nấm ở các địa phương khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định nên tôi vay vốn đầu tư trồng. Nhìn vậy thôi, chứ để trồng nấm đạt năng suất cao chẳng dễ dàng chút nào. Bởi có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều lần thất bại, nhưng quan trọng là mình phải quyết tâm và đam mê, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm.

img_4615Với niềm đam mê và sự kiên trì, chị Hà Thị Hạnh đã thành công từ trại trồng nấm của gia đình

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên phôi nấm khi mới mua về không phát triển, thậm chí còn bị chết. Nhiều lần đã cấy meo giống nhưng đợi mãi chỉ thấy mọc lèo tèo vài cái nấm. Những lúc như thế chị lại càng quyết tâm hơn, chủ động tìm hiểu khắc phục nhược điểm. Nhiều lần thử nghiệm không thành, có lần chị Hạnh thua lỗ hàng chục triệu đồng. Thất bại không ít  lần, nhưng chị không nản chí mà quyết định xin làm thêm ở trang trại nấm của một người quen tại Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2013, chị Hạnh quyết tâm làm lại từ đầu. Trời không phụ lòng người, ở lần thứ hai “khởi nghiệp”, chị đầu tư trồng 5.000 bịch phôi nấm sò, bào ngư và nấm xám, tất cả đều phát triển tốt và cho năng suất rất cao.

THÀNH CÔNG NHỜ KIÊN TRÌ

Trồng được nấm đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm còn khó hơn. Những ngày đầu, chị tự hái nấm mang ra chợ chào hàng cho các tiểu thương và bán cho người quen. “Lúc đầu khách hàng cũng chưa tin tưởng lắm, nhưng sau một thời gian mua về ăn khen ngon, các tiểu thương chủ động tìm đến đặt hàng” – chị Hạnh nói. Từ niềm đam mê và đức tính kiên trì, tỉ mỉ, chị đã bám trụ được với cây nấm gần 4 năm nay. Hiện chị mở rộng trại nấm lên hơn 400m2, thu hoạch trung bình mỗi ngày từ 20-30kg nấm sò, bào ngư và bào ngư xám (giá từ 25-35 ngàn đồng/kg). Chị còn cung ứng mỗi tháng từ 5.000-10.000 bịch phôi nấm giống (giá 3.500 đồng/bịch) cho khách hàng có cùng đam mê ở trong và ngoài huyện.

Theo kinh nghiệm của chị Hạnh, để trồng nấm đạt chất lượng và cho năng suất cao, đầu tiên nguyên liệu phải đảm bảo sạch, mùn cưa trước khi sử dụng phải phơi khô, sàng lọc. Sau khi cấy nấm, phải buộc chặt miệng túi ni-lon, treo thành chùm trên giàn. Khoảng một đến hai ngày sợi nấm sẽ mọc lan ra trong mỗi bịch. Thời điểm bịch nấm trắng toát như bông, dùng dao rạch 3-4 đường xung quanh bịch, mỗi vết rạch có độ dài từ 3-4cm. Từ những đường rạch này, vài ngày sau, nấm sẽ mọc ra. Khi nấm được 2-3cm là có thể thu hoạch, sau đó tiếp tục rạch các vết khác trên bịch nấm cho đợt thu hoạch tiếp theo.

Chị Hạnh khẳng định, ai cũng có thể trồng nấm thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm liên quan đến nhiều yếu tố, như nhiệt độ, ẩm độ, độ pH, ánh sáng, ôxy… Do đó, điều kiện đầu tiên là trại trồng nấm phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững, không bị đổ, nhất là khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4-5 lần (nếu có hệ thống phun tự động càng tối ưu). Về kỹ thuật sản xuất phôi phải bảo đảm sạch vì chúng rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Ngay cả chất độn như mùn cưa cũng phải lấy từ những địa chỉ tin cậy và chỉ có mùn từ gỗ cao su mới đạt yêu cầu.

Hiện sản phẩm của chị Hạnh chủ yếu bán cho các thương lái ở Bù Nho và một số xã lân cận của huyện Phú Riềng. Nấm của chị luôn được người tiêu dùng cũng như các trại nấm chọn mua, bởi ngoài là sản phẩm sạch, an toàn, chị còn tạo uy tín cho người mua bằng việc sẵn sàng bồi thường sản phẩm phôi nấm giống nếu bị hư. Chị đang sở hữu khoảng 10 ngàn bịch nấm các loại, bình quân mỗi năm gia đình chị thu về 120 triệu đồng. Sắp tới, chị Hạnh sẽ tiếp tục mở rộng trại trồng nấm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hữu Dụng

Từ khóa : an toàndầu tưsản phẩm sạchtrọng nam

Các tin liên quan đến bài viết