Trong khi rất nhiều bạn trẻ tình nguyện và công nhân vệ sinh lội xuống dọn vệ sinh rạch Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM) thì nhiều người dân sống quanh đó không buồn bước xuống cùng làm |
Người đi đường ban đầu có chút khó chịu khi bị nhắc nhở song cũng dần quen để dừng xe đúng vạch, không lấn tuyến, leo lề. Nhiều hoạt động khác của Tháng thanh niên khởi động và đang tiếp diễn. Cũng vậy, sau hai Chủ nhật xanh ra quân, một đoạn khá dài của con rạch Cầu Suối ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đã thông thoáng hơn. Hàng tấn lục bình và rác thải được vớt lên, giải phóng dòng chảy, đồng nghĩa với việc xóa dần nơi sinh sống của muỗi mòng cùng nhiều loại côn trùng khác. Thế nhưng điều đáng buồn là trong khi cả ngàn bạn trẻ cùng xuống vớt rác thì ngay trên bờ, không ít người dân sống dọc theo con rạch với dòng nước ô nhiễm đen ngòm lại dửng dưng. Họ ngồi ngay quán cà phê gần con rạch tán chuyện, rằng chắc nhờ hôm bữa có chuyến đi thị sát của lãnh đạo TP nơi đây nên nay mới làm vệ sinh, rằng muỗi nhiều lắm, bà con sợ dịch bệnh lắm. Thế nhưng khi được hỏi sao không cùng tham gia làm với các bạn trẻ thì hầu hết chỉ cười trừ. Có người dân chạy xe ngang, dừng trên cầu chép miệng dọn bao giờ cho hết và không quên “tố cáo”… rác do mấy người ở gần đây vứt xuống chứ ai đâu xa mà tới đây xả rác! Thực ra cũng có một số người dân địa phương đến dự lễ trong ngày tổng ra quân khơi thông con rạch này. Song khi buổi lễ chưa kết thúc, bà con đã rời đội hình đi về. Vậy là cả ngàn sinh viên các trường, chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang nhiều đơn vị, các bạn trẻ đến từ nơi khác hì hục làm, dọn dẹp. Mà để đến với công trình ấy, có bạn đã rời nhà trọ từ 5h sáng mới kịp đến đúng giờ khai cuộc. Chuyện người dân thờ ơ với các công trình mà chính họ được thụ hưởng thành quả do thanh niên tình nguyện làm đã không còn hiếm. Cách nhìn chuyện diễn ra trước mắt cứ như ở đâu chứ không phải ngay chính nơi mình sinh sống, và tình nguyện đồng nghĩa với “nghĩa vụ” làm thay dường như đã ăn sâu trong nếp nghĩ của không ít bà con. Nên các bạn trẻ tình nguyện không ngại khó, không ngại khổ, cứ làm hết mình, còn chính bà con địa phương lại coi như không liên quan gì. Chợt nhớ câu chuyện lực lượng đối ứng mà Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đặt ra với bất kỳ địa phương nào trong Mùa hè xanh nhiều năm qua tại các tỉnh. Tại mỗi công trình, người dân địa phương cùng làm ít nhất cũng bằng một nửa số sinh viên tình nguyện, có nơi đối ứng và sinh viên tỉ lệ 1-1. Nơi nào không có người dân đối ứng, có thể không làm cho đến khi có người dân cùng làm hoặc chuyển qua công trình tại nơi khác. Vậy là hiệu quả tức thì. Dĩ nhiên không phải nơi nào của TP.HCM cũng như vậy, song buồn thay đó lại là tình trạng phổ biến các năm qua. Có lẽ đến lúc phải đặt vấn đề này một cách nghiêm túc với địa phương thực hiện công trình ở TP. Suy cho cùng, muốn giữ thành quả lâu dài cho mỗi công trình không ai khác ngoài chính bà con địa phương. Có thế mới hình thành những thói quen tốt để giữ gìn môi trường, khu dân cư, mà người thụ hưởng không ai khác chính là người dân đang sống ở đó.