Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa điều chỉnh số liệu tài chính 6 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận sau thuế (công ty mẹ) giảm 515 tỉ đồng, trong khi doanh thu thuần lên tới hàng tỉ USD.

Than - Khoáng sản Việt Nam: Doanh thu hàng tỉ USD, lợi nhuận phải điều chỉnh giảm - Ảnh 1.

Theo số liệu vừa được TKV điều chỉnh, bán niên 2020 công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế 1.723 tỉ đồng, giảm hơn 23% (tương ứng 515 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. So với doanh thu thuần hơn 52.350 tỉ đồng (xấp xỉ 2,25 tỉ USD) mức lãi ròng trên khá khiêm tốn.

Bênn cạnh đó, doanh nghiệp cho biết vốn chủ sở hữu tăng nhẹ 387 tỉ đồng (+1,1%) lên 37.652 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,21 lên 1,25. Tương đương phải gánh khoản nợ 47.065 tỉ đồng, tăng trên 2.000 tỉ đồng nợ so với nửa đầu năm trước.

Mức độ hiệu quả khi sử dụng vốn của đơn vị có phần suy giảm khi tỉ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 6,19% xuống còn 4,68%.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp bán niên 2020 ước tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên riêng ngành khai khoáng lại giảm 5,4%.

Tính đến nửa đầu năm 2020, Tập đoàn TKV có 41 công ty con, hoạt động trong lĩnnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác than, vận tải, nghiên cứu, dịch vụ, sản xuất thuốc nổ, khảo sát địa chất, xuất nhập khẩu… (riêng tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã giải thể).

Tại báo cáo tài chính hợp nhất, sau 6 tháng kinh doanh trong 2020, tổng tài sản tập đoàn này tăng hơn 6% lên gần 132.616 tỉ đồng. Đồng thời vốn chủ sở hữu cũng tăng gần 2% gần 42.167 tỉ đồng. Tuy nhiên khoản nợ phải trả lại tăng tới 9% lên 90.450 tỉ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, trong khi doanh thuần chỉ nhích nhẹ chưa tới 1% (xấp xỉ 57.460 tỉ đồng) thì giá vốn lại tăng hơn 5%, tác động phần nào khiến đến lợi nhuận gộp giảm hơn 19% xuống còn 7.798 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ này giảm gần 44% so với 6 tháng đầu năm ngoái, tương đương “bốc hơi” 865 tỉ đồng, xuống còn 1.120 tỉ đồng.

Ngoài đầu tư vào các công ty trong nước, TKV cũng đầu tư vào Công ty LD khoáng sản Steung Treng (Campuchia) với số tiền 55,8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TKV có các khoản đầu tư lớn tại các đơn vị liên doanh như Điện lực Vĩnh Tân (386 tỉ đồng), Nhiệt điện Quảng Ninh (447 tỉ đồng)…

Song song phát triển lĩnh vực cốt lõi, TKV cũng chi tiền đầu tư vào các mảng khác, trong đó có khoản góp vào Công ty CP liên hiệp ô tô Thadico, CTCP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng…

TKV là một trong 93 doanh nghiệp thuộc diện thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định.

Than khoáng sản VN sắp thoái vốn tại CTCP Đại lý Hàng hải

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 16-9 tới đây Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam sẽ bán đấu giá để thoái vốn 52.255 cổ phần sở hữu tại CTCP Đại lý Hàng hải – Vinacomin (Vicosa), tương đương hơn 5,2 tỉ đồng theo mệnh giá, chiếm 20,902% vốn điều lệ của Vicosa với mức giá khởi điểm 182.200 đồng/cổ phần.

Vicosa trước đây là Đại lý tàu biển Than Việt Nam được thành lập năm 1998. Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ đại lý vận tải đường biển và các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, như đại lý kiểm đếm hàng hóa, môi giới và dịch vụ hàng hải, dịch vụ cung ứng tàu biển, dịch vụ logistic…

Doanh thu trong 2 năm 2018, 2019 của công ty đạt lần lượt 42 và 86 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 1,4 và 2 tỉ đồng.

Hiện tại Công ty Vicosa đang quản lý và sử dụng khu đất có diện tích 368m2 tại Hạ Long, Quảng Ninh, là đất thuê trả tiền thuê hằng năm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh thukhoáng sảnthậnTKVxuất khẩu than

Các tin liên quan đến bài viết