Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Phước và Hạt Kiểm lâm Bù Đốp khẳng định không có chủ trương cho khai thác ươi rừng. Trong khi Chủ tịch xã Phước Thiện cho biết đã bị cấp dưới vượt mặt ký đơn xác nhận sai thẩm quyền.
Như Thanh Niên hôm qua thông tin, quá trình điều tra vụ việc, PV đã thu thập được “bảo bối” của một nhóm người vào rừng “làm ươi” là đơn xin khai thác ươi, có xác nhận của chính quyền xã Phước Thiện (H.Bù Đốp), cùng biên bản thể hiện chủ trương cho khai thác ươi có chữ ký và con dấu của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bù Đốp.
Qua mặt UBND xã ký xác nhận
Trao đổi với PV về việc này, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phước Thiện, khẳng định: “Chính quyền xã chưa cấp hay ký xác nhận giấy tờ gì cho bất cứ người dân nào vào rừng khai thác ươi”. Về đơn xin có đóng dấu và ký xác nhận của ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng công an xã Phước Thiện, ông Thắng nói ngay: “Anh Hải làm như vậy là vi phạm quy chế làm việc và sai thẩm quyền. Công an không thể đại diện UBND xã ký giấy xác nhận được. Và cái đơn này cũng không có giá trị pháp lý. Từ giấy do ông Hải ký mà BQLRPH Bù Đốp cấp giấy cho người dân vào rừng khai thác là sai hoàn toàn. Việc này là cá nhân anh Hải sai, tôi sẽ xử lý nghiêm”.
|
Theo ông Thắng, mùa ươi thường người dân vẫn lén lút vào khai thác. Cấp trên đã giao trường hợp nào để mất rừng thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nên xã không thể xác nhận những trường hợp như vậy. “Bởi quy định không ai cho phép đi khai thác ươi. Việc ký giấy này chắc anh Hải và ông Thành (Nguyễn Văn Thành, Giám đốc BQLRPH Bù Đốp – PV) thông đồng với nhau, bởi nếu anh Hải ký thì ông Thành đã phải báo ngay cho tôi. Anh Hải hiện đang đi học tập huấn, tôi sẽ xác minh và làm việc để xử lý. Đồng thời cũng làm việc với BQLRPH Bù Đốp để ngăn chặn trường hợp này. Bản thân là chủ tịch xã, tôi cũng nhận trách nhiệm vì thiếu sâu sát, kiểm tra cán bộ cấp dưới dẫn đến việc ký giấy vượt thẩm quyền”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, là địa phương có rừng nên các lực lượng của xã gồm: công an, dân quân và xung kích, ban ngành các ấp phối hợp với kiểm lâm và BQLRPH Bù Đốp đang mở đợt cao điểm truy quét, ngăn chặn việc đốn hạ để khai thác ươi. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có báo cáo xử lý trường hợp nào.
|
Bỏ đi khi PV tới liên hệ
Để làm rõ trách nhiệm việc cây ươi trong lâm phần mình quản lý bị đốn hạ hàng loạt, sáng 17.4, PV Thanh Niên tới BQLRPH Bù Đốp liên hệ làm việc. Tuy nhiên, nhân viên văn thư cho biết giám đốc báo hôm nay đi họp ở Hạt kiểm lâm. PV đã gọi nhiều lần vào số điện thoại cá nhân của ông Thành nhưng ông này không bắt máy. Theo xác minh của PV thì sáng 17.4 Hạt Kiểm lâm Bù Đốp không hề có cuộc họp nào cả.
Điều bất ngờ là khi PV vừa ra khỏi Nông lâm trường Bù Đốp (nơi làm việc của BQLRPH Bù Đốp) thì phát hiện ông Nguyễn Văn Thành chạy xe máy trong cơ quan đi ra. PV đuổi theo, cho biết mình ở Báo Thanh Niên đến liên hệ làm việc thì ông Hải liền nói: “Tôi đang đi tuần tra bảo vệ rừng”, rồi vội vã phóng xe chạy thẳng. PV chạy xe theo đến chốt quản lý bảo vệ rừng đường 10 (Nông lâm trường Bù Đốp) thì mất dấu. Trên đường quay về, PV phát hiện ông Thành đang đứng nói chuyện điện thoại tại một ngã tư trên đường 10. Vừa thấy PV đi tới và cất tiếng gọi, ông Thành liền quay xe chạy thẳng vào lô cao su.
Sẽ xử lý việc cấp giấy sai
Sau khi xem những hình ảnh do PV cung cấp, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, thốt lên: “Năm nay trúng mùa ươi hay sao mà bị cắt phá như vậy. Không biết ở dưới họ thuê người vào giữ làm sao, bởi mùa ươi người dân vào ăn trộm dữ lắm”.
Theo ông Lộc, từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm Bù Đốp và BQLRPH Bù Đốp chưa có báo cáo về việc chặt hạ cây ươi. Liệu có sự tiếp tay của chủ rừng trong việc cây ươi bị tàn phá? Ông Lộc nói: “Việc này phải đi kiểm tra, điều tra. Đến nay chưa phát hiện có sai phạm, nếu cán bộ nào quản lý để xảy ra sai phạm thì phải xử lý ngay. Đối với việc cấp giấy của BQLRPH Bù Đốp, chúng tôi không có chủ trương như vậy. Việc cấp giấy sai thì phải xử lý theo quy định. Tôi sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xuống kiểm tra ngay, không để tình trạng như vậy được”.
|
Đến chiều 18.4, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Thành giải thích: “Lúc đó tôi có công việc. Tôi đi đuổi mấy người đi cắt ươi trong đó. Anh em gọi điện gấp nên lật đật chạy”.
Về việc cây ươi bị cắt phá tràn lan trong lâm phần mình quản lý, ông Thành phân trần: “Đơn vị tụi này mới tách ra, trụ sở chưa có, lính thì ít. Anh em đi kiểm tra cũng làm hết sức rồi, cũng có chốt đầy đủ hết, biết sao giờ. Chúng tôi cũng lập kế hoạch phối hợp với hạt kiểm lâm, xã. Quá trình đi làm cũng lập biên bản đầy đủ cả và báo cáo các sở ban ngành biết hết rồi”.
Về biên bản cho phép người dân thu hoạch ươi có chữ ký của ông và con dấu BQLRPH Bù Đốp, ông Thành thừa nhận: “Có biên bản. Những người này cũng thật tình, người ta đến xin thì cũng thế này thế kia. Biên bản làm việc đó về thẩm quyền là không đúng. Ngay sau đó tôi có biên bản về việc ngưng không thực hiện vấn đề đó. Mình biết mình ký sai thẩm quyền thì phải thu hồi chứ biết làm sao giờ. Những người họ có đơn xin nhưng cũng không có đi làm ươi. Tôi chịu trách nhiệm việc ban hành cái biên bản đó, nhưng tôi kịp thời sửa chữa, không gây ra hậu quả”.
Ông Thành cũng phủ nhận chuyện ăn chia 30% lợi nhuận từ những người được ký biên bản cho phép thu hoạch ươi.
Không có chủ trương cho khai thác ươi
|
|
Trao đổi với PV, ông Hoàng Ngọc Phong, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, cho hay ngay từ đầu mùa, hạt đã có văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ký văn bản gửi các đơn vị trên địa bàn nghiêm cấm việc vào rừng khai thác ươi. “Tôi có nghe anh em tại chốt báo phát hiện người ta trình cái giấy của lâm trường cho đi lấy ươi. Nhưng anh em sơ suất lúc họ trình giấy rồi giật chạy đi luôn. Tôi đang yêu cầu anh em xem những người nào có cái giấy đó, kể cả photo cũng phải giữ lại, để có bằng chứng làm báo cáo cấp trên và có hướng xử lý những người cố tình cho làm như vậy”, ông Phong nói và cho biết thêm: “Việc cấp giấy này không có một cái căn cứ gì cả. Chủ rừng không có quyền cho ai vào khai thác. Việc tận thu lâm sản phải lên phương án, do cấp sở trở lên duyệt thiết kế các thứ mới được cấp phép. Ngoài ra, không ai có quyền cho thu hái bất kỳ thứ gì, kể cả sắn hay măng. Chỉ có người dân lén lút vào trộm, chứ chủ trương thì không có ai cho phép tác động hay làm gì ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Còn việc ai cấp cho cái giấy đó thì sai phải chịu trách nhiệm”.
Theo ông Phong, ngoài những chốt cố định thì hạt kiểm lâm có phối hợp với các đơn vị khác chốt chặn và thường xuyên tuần tra lưu động, không cho người lạ vào rừng. Tuy nhiên, vào mùa ươi người ta vẫn lén lút vào rừng, nhất là nhiều người làm việc tại các dự án, trang trại hay lô cao su trong khu vực rừng thì cũng khó kiểm soát. Rừng rộng, người làm ươi phát hiện lực lượng đi kiểm tra thì vứt xe, luồn đường mòn, đường vòng bỏ chạy nên khó truy bắt. “Từ đầu mùa đến giờ, kiểm lâm phát hiện khoảng 9 – 10 cây ươi bị cắt hạ. Có thể nhiều chỗ trong rừng sâu, dọc tuyến dài thì chưa phát hiện hết nên chưa biết. Tối qua (16.4), anh em đi kiểm tra phát hiện có 4 người dân địa phương đang phát dọn chuẩn bị đốn hạ cây. Rượt dữ lắm mới bắt được hai người, hiện đang làm hồ sơ xác minh thiệt hại ban đầu như thế nào để mời lên xử lý”, ông Phong nói và cho hay: “Chưa nghe có lính tiêu cực, dính líu trong việc “lâm tặc” chung chi để đưa hạt ươi qua chốt. Nếu biết cán bộ nào vi phạm sẽ xử lý ngay, không dung túng bao che”.
Nguồn Báo Thanh Niên