Tại sao Trung Quốc không được xem là một quốc gia thịnh vượng dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới? Câu trả lời có thể nằm ở con đường họ lựa chọn để phát triển…
“Giấc mơ Trung Hoa” – cụm từ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường nhắc tới là một ý tưởng hết sức… linh động. Nhưng có vẻ sự thịnh vượng mà nó hứa hẹn lại nằm ngoài tầm với của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc. Và khi túng quẫn, họ phải chọn con đường phạm pháp để sống qua ngày.
Đó nhận định được trình bày xuyên suốt trong quyển sách “Tội ác và Giấc mơ Trung Hoa” – một ấn phẩm mới phát hành do chuyên gia về tội phạm học Trung Quốc Børge Bakken chủ biên. Ông từng giảng dạy ở Đại học Oslo (Na Uy) và Đại học Hong Kong.
Theo tiến sĩ Bakken, chính đường lối của ban lãnh đạo Trung Quốc, vốn được áp đặt từ trên xuống dưới trong một hệ thống đầy tham nhũng, đã chặn hết mọi con đường và cơ hội hợp pháp để người dân cải thiện cuộc sống. Không phải họ bất chấp sự kiểm soát toàn diện đó, mà chính vì nó họ mới đi vào con đường phạm pháp.
Trong xã hội nào bác sĩ bị uy hiếp?
Chẳng hạn, chương nói về tham nhũng ngành y phơi bày một thực tế đau lòng: Nhiều y bác sĩ Trung Quốc thường xuyên bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đánh đập; trong khi các gia đình lại phải trả những khoản tiền lớn, thậm chí lót tay hối lộ, để được chăm sóc chu đáo hơn.
Về vấn đề này, tờ báo chính thống China Daily từng đăng con số thống kê 17.000 vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra trong năm 2010. Tuần trước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc công bố từ năm 2016 đến nay đã có 7.816 người bị truy tố tội hành hung và kích động đám đông trong bệnh viện.
Mới đây nhất, ngày 15-3, một bác sĩ 50 tuổi ở tỉnh An Huy bị chồng một bệnh nhân dùng dao đâm thấu tim chỉ vì người vợ than khó chịu sau khi được bác sĩ nội soi dạ dày. Êkip các y tá, bác sĩ cấp cứu cho ông Zhao Xinbing kể họ vừa phẫu thuật vừa khóc vì không giữ được bình tĩnh (báo South China Morning Post, ngày 15-3).
Có thể thấy công việc chăm sóc sức khỏe đã trở thành một nghề vô cùng nguy hiểm trong xã hội Trung Quốc. Tình trạng này thật ra đã tồn tại trong hơn một thập niên, ban đầu nó xuất phát từ những hoàn cảnh vượt tầm kiểm soát của đội ngũ hành nghề y.
Cơ quan quản lý Trung Quốc những năm qua đã cắt giảm ngân sách cho các bệnh viện, nhưng vẫn yêu cầu họ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh với giá bình dân. Phí tư vấn cho bệnh nhân ngoại trú bị ấn ở mức chỉ 0,08 USD (chưa tới 2.000 đồng VN), còn khám với một chuyên gia hàng đầu chỉ tốn 1,5 USD (hơn 34.000 đồng).
Hiển nhiên không thể sống sót với nguồn thu ít ỏi đó, các bệnh viện chọn cách đẩy áp lực kiếm tiền qua cho bác sĩ. Bất đắc dĩ, thầy thuốc phải đạt cho được hạn mức cấp trên đặt ra bằng cách thực hiện các quy trình y khoa không cần thiết, yêu cầu xét nghiệm tràn lan, tốn kém, kê toa thuốc để hưởng “hoa hồng” từ các hãng dược…
Suy đồi có hệ thống
Câu chuyện ngành y là minh chứng cho những gì mà các tác giả quyển sách gọi là “nền tảng cấu trúc cho tham nhũng ở Trung Quốc”.
Ít người biết ở nông thôn Trung Quốc tồn tại những “ngôi làng tội phạm” – nơi hầu hết người dân thành thạo một “ngón” kiếm ăn bất hợp pháp, từ trèo tường đạo chích, ăn cắp hàng hóa trong cửa hàng, trộm xe hơi, phá két sắt…
Họ muốn hiện thực hóa giấc mơ giàu sang hoặc chỉ là sống qua ngày, nhưng bằng cách nào khi cơ hội chỉ dành cho một nhóm nhỏ?
Cuốn sách “Tội ác và Giấc mơ Trung Hoa” có đề cập đến một ngôi làng thuộc một tỉnh vùng đông nam Trung Quốc, trong đó 70% người dân là chuyên chơi trò mua gian bán lận để trục lợi (!).
Mọi dinh thự, nhà cao cửa rộng trong làng đều sở hữu bởi những tay lừa đảo. Tội ác trở nên bình thường đến mức con gái trong làng chỉ muốn cưới một gã lừa đảo thành đạt thay vì một anh nông dân chăm chỉ.
Sau phần giới thiệu và bối cảnh, học giả Bakken đưa ra những con số thống kê “nổi gai óc”, đủ để khiến những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất cũng phải ngạc nhiên.
Chẳng hạn dẫn một công trình nghiên cứu cách đây vài năm, ông cho biết chỉ có 2,5% số vụ phạm tội ở thành phố Quảng Châu được công bố, trong khi 97,5% còn lại bị che giấu. Nói cách khác, chính quyền đã không còn kiểm soát được hoạt động tội ác và kinh doanh “phi dân sự” trong xã hội, cái họ quan tâm hơn là bảo vệ một vỏ bọc xã hội kiểu mẫu.
Trên thực tế, các khảo sát ghi nhận thậm chí cán bộ nhà nước và đảng viên ở Trung Quốc – tức những người nằm trong “hệ thống”, cũng có cảm giác bị gạt ra bên lề “Giấc mơ”.
Cụ thể, công trình nghiên cứu của tiến sĩ Bakken chỉ ra 45,1% đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, 57,8% công chức nhà nước và 55,4% học giả Trung Quốc cho biết họ cảm thấy “bất lực, dễ tổn thương và bị chèn ép”.
Viết trên tờ South China Morning Post của Hong Kong, nhà báo Peter Neville Hadley tổng kết lại:
Ngày xưa, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng nói: “Không cần biết con mèo là đen hay trắng, miễn là nó biết bắt chuột”. Câu nói sau đó trở thành nền tảng cho công cuộc cải cách kinh tế hiện đại của Trung Quốc.
Và ở đất nước Trung Quốc ngày nay, có vẻ như làm giàu bằng những cách thiếu đàng hoàng rốt cuộc vẫn là… “vinh quang”.
Nguồn: tuoitre.vn