Dù khó khăn thế nào vẫn cho con, cho cháu đến trường – đó là quyết tâm của những người bà, người cha, người mẹ. Họ mong ước rồi đây con cháu sẽ vươn lên thoát nghèo.
Chuyện của Phương Nhi và ước mơ học chữ
Tân Phương Nhi, học sinh lớp 1/3 trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (Q.12, TP.HCM) đã học 4 năm lớp 1 – đó không phải vì Nhi ham chơi hay không cố gắng mà Nhi rất ham học, nỗ lực, không nản chí.
Con nói năng cũng khó khăn. Con làm toán thì được 9 điểm nhưng môn tiếng Việt con không thể nhớ được mặt chữ và ghép chữ, dù con luôn cố gắng học”.
Bé Phương Nhi
Ba mất lúc mẹ có bầu Nhi được 7 tháng. Nhi sinh non khi mới được 7,5 tháng và em chỉ nặng 1,1 kg. Khi Nhi mới được 3 tháng tuổi thì mẹ lại bị suy thận mãn rồi qua đời. Lúc này, bà ngoại vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi nấng và chăm sóc Nhi.
Bất hạnh chưa dừng lại khi bác sĩ thông báo Nhi bị dư một đốt xương sống, buộc phải can thiệp để loại bỏ đốt sống ấy. Vì sức đề kháng quá yếu, nếu mổ thì khả năng duy trì sự sống không cao. Do đó, bác sĩ phải dùng tia laze để đốt cho đốt sống rụng đi.
Giữ được mạng sống cho Phương Nhi là một may mắn lớn, nhưng cũng từ ấy trí não của em bị ảnh hưởng. “Bác sĩ bảo cháu 4 tuổi thì trí não cháu chỉ bằng đứa trẻ mới sinh ra thôi”, bà ngoại Nhi cho biết.
Do điểm môn Tiếng Việt không đủ nên Phương Nhi không thể lên lớp được. Tuy nhiên, Nhi vẫn không mặc cảm, lại cố gắng đi học lại từ đầu như vậy.
“Cháu bảo cháu muốn đi học lắm nên tôi cũng cố gắng cho cháu đến lớp. Có những đêm 23g đêm hai bà cháu vẫn vật lộn với những con chữ, nhưng do trí nhớ cháu bị ảnh hưởng nên phải chịu thôi” – bà Mai Thị Dung, bà ngoại của Nhi cho biết.
Trước đây, bà Dung làm công nhân ở công ty nhưng phải xin nghỉ vì không có ai chăm sóc cháu, hơn nữa chồng bà bị đụng xe nằm một chỗ cũng 2,5 năm nay.
“Bây giờ tui đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy như dọn dẹp nhà cửa, phụ quán ăn… Nhiều khi 23g đêm tui mới về đến nhà” – bà Dung chia sẻ.
Khó khăn khi phải xoay sở như vậy nhưng bà bảo sẽ cố gắng để Nhi được đến lớp, được gặp bạn bè, được sống đúng với tuổi thơ của mình.
Cha mẹ phụ hồ nuôi con đến lớp
Học cùng trường với Phương Nhi là Gíap Thị Ngọc Lan, học sinh lớp 4/9. Lan cũng là một cô bé có ham học, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lan cho biết hiện nay ba mẹ không có nhà nên cả nhà ở nhờ nhà của một người bác.
Hằng ngày, con tự đạp xe đến trường. Về tới nhà thì con tự học bài, không để ai phải kèm hay nhắc nhở gì. Con ước mơ sau này làm bác sĩ”.
Bé Ngọc Lan
Cứ sáng sớm, ba mẹ Lan đã rời khỏi nhà để đi phụ hồ. “Ba con đi làm công trình, thường thì một tuần mới về nhà một lần. Mẹ cũng đi phụ cho ba, đi làm từ sáng đến tối mới về”, Lan cho biết.Ở nhà, Lan tự lo lắng cho mình, tự giác học bài, ý thức về việc học của mình.
Cô học trò này cũng cho biết để thực hiện ước mơ ấy, em luôn cố gắng học tập và các năm học vừa qua đều đạt kết quả tốt.
Biết cha mẹ đi làm ở công trường nắng nôi vất vả, về đến nhà là lưng áo toàn mùi mồ hôi, cát, bụi dính đầy nên Lan thương cha mẹ lắm. Do đó, sau giờ học về nhà, Lan làm hết việc nhà cho cha mẹ cũng như biết nấu cơm chờ cha mẹ về ăn.
“Ba mẹ con đi làm tháng được mấy triệu nhưng con biết có rất nhiều khoản phải lo lắng. Con cũng không bao giờ đòi mẹ mua quần áo, đồ chơi hay đòi đi đâu chơi. Ở nhà, con toàn ăn cơm với cá, với rau thôi à” – Lan cho biết.
Đã nghẻo còn gặp nạn
Ba mẹ cũng đi làm phụ hồ để cho con được đến trường là hoàn cảnh của em Nguyễn Hữu Thịnh, học sinh lớp 1/4 trường Tiểu học Hồ Văn Thanh (Q.12).
Thịnh cho biết nhà em có hai anh em. Anh trai Thịnh hiện đang học lớp 3. Ba mẹ theo công trình đi phụ hồ cả ngày nên ở nhà, hai anh em Thịnh tự học, tự chơi với nhau. Thịnh kể mẹ mới bị té giàn giáo gãy tay nên hiện nay có mỗi ba đi làm được để lo cho cả nhà.
“Con thích đến trường vì có bạn vui. Thấy mẹ bị tai nạn, con cố học tốt để mẹ đỡ buồn.”
Bé Nguyễn Hữu Thịnh
Anh Nguyễn Tiến Dũng – ba của Thịnh chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều đi phụ hồ, công việc này cũng thất thường nên việc ngày có ngày không. Để lo cho các con thì ráng dù ngày nắng cũng như mưa, khỏe cũng như bệnh, tôi đều cố đi làm để các con được ăn học đầy đủ”.
Anh Dũng cho biết mỗi ngày đi phụ hồ như vậy anh kiếm được hơn hai trăm ngàn. “Hai vợ chồng chịu khó làm và nhín nhịn ăn uống, chi tiêu mới đủ để lo cho con” – Anh Dũng nói.
Hiện nay, sau khi học buổi sáng xong, Thịnh được cô chủ nhiệm rước về nhà cô ăn cơm rồi chiều cô lại chở đi học.
Anh Dũng cho biết “lo cho tụi đi học được như vậy cũng cực lắm nhưng ráng chứ biết sao”. Hai vợ chồng quê ở Quảng Ngãi vô Sài Gòn mưu sinh được mấy năm nay.
Trước đó, anh để các con ở quê nhờ ông bà trông còn hai vợ chồng vào đây làm. Muốn các con được ăn học đàng hoàng, vợ chồng anh quyết định đón các con vào đây dù biết chi phí đi học, sinh hoạt cao hơn ở quê.
Không phụ lòng cha mẹ, Thịnh rất ngoan và chăm học. Cậu học trò này “khoe”: “Con thích đến trường vì có bạn vui. Con cũng được cô giáo khen học tốt”.
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng “Đèn đom đóm”, trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Nguồn: tuoitre.vn