3 năm trước trên đất Phillippines, thể thao Thái Lan bị Việt Nam vượt mặt về tổng số HCV. Một thất bại khá đau của đoàn thể thao luôn được xem là “ông vua” của khu vực Đông Nam Á.
Đó cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1991, Thái Lan đứng ngoài top 2 ở một kỳ SEA Games. Và thật ra, nếu không có yếu tố thiên vị chủ nhà quá đỗi quen thuộc của kỳ đại hội “ao làng”, Thái Lan xem như luôn chiến thắng mọi kỳ SEA Games.
Nhưng ở Manila 2019, chủ nhà Philippines giành vị trí nhất toàn đoàn với 149 HCV, kế đến là Việt Nam có 98 HCV, nhiều hơn Thái Lan 6 HCV. Chiến thắng của đoàn Việt Nam năm đó đến từ sự quật khởi ở một số môn thể thao quan trọng, với điền kinh, bóng đá và quần vợt là tâm điểm.
Trong khoảng một tháng trước khi SEA Games diễn ra, bóng đá nam là môn được các tờ báo Thái Lan nhắc đến nhiều nhất, đặc biệt là việc LĐBĐ Thái Lan cử HLV đội tuyển – ông Mano Polking dẫn dắt đội Thái Lan dự SEA Games 31.
Ở các kỳ SEA Games 2015 và 2017, Thái Lan đều chỉ cử trợ lý HLV ở tuyển dẫn dắt đội U23 dự giải. Năm 2015, họ vô địch với trợ lý Promrut Choktawee của HLV Kiatisak. Và 2 năm sau vẫn đăng quang trên đất Malaysia dù chỉ được dẫn dắt bởi trợ lý Worrawot Srimaka của HLV Milovan Rajevac. Nhưng thất bại ở Manila 2019 đã khiến giới chức bóng đá lẫn truyền thông Thái Lan “nóng mặt”.
Ngoài bóng đá nam, bóng đá nữ Thái Lan cũng đang quyết tâm lấy lại ngai vàng. Trước SEA Games 2017, Thái Lan vẫn dẫn đầu môn bóng đá nữ với 5 HCV trong lịch sử, nhiều hơn Việt Nam 1 HCV. Nhưng chiến thắng liên tiếp của các cô gái Việt trong 2 kỳ SEA Games gần đây đã giúp bóng đá nữ Việt Nam lấy lại ngôi hậu.
Điền kinh một thời là môn thể thao phản ánh rõ vị thế ông vua khu vực của Thái Lan. Suốt từ SEA Games 2001 đến 2015, đội điền kinh Thái Lan luôn áp đảo mọi đối thủ, khi giành gần phân nửa số lượng HCV ở mỗi kỳ đại hội. Thậm chí ở các kỳ Asiad, Thái Lan nằm trong top 10 quốc gia đoạt nhiều HCV điền kinh.
Nhưng trong 2 kỳ SEA Games gần đây, điền kinh Thái Lan lại bị Việt Nam vượt mặt. Tại Kuala Lumpur 2017, điền kinh Việt Nam giành đến 17 HCV, gần gấp đôi con số 9 HCV của Thái Lan. Đến Manila 2019, điền kinh Việt Nam tiếp tục thắng với con số tương ứng là 16 – 12.
Vẫn duy trì được sự ổn định ở các nội dung nam, Thái Lan bị Việt Nam vượt mặt chủ yếu ở đường đua nữ. Tại SEA Games 2017, các cô gái mang về đến 13 HCV cho điền kinh Việt Nam, và sang SEA Games 2019 là 11 HCV.
Quần vợt cũng là một môn thể thao mà Thái Lan mất dần thế mạnh. Tại Kuala Lumpur 2017, các tay vợt Thái Lan thống trị khi giành 4/5 HCV. Nhưng đến SEA Games 2019, đội quần vợt của Thái Lan trắng tay, không giành được bất kỳ HCV nào.
Sự xuất sắc của các tay vợt Indonesia (giành đến 3 HCV) đã giúp lật đổ Thái Lan ở môn quần vợt. Thêm vào đó, 2 tay vợt Lý Hoàng Nam và Daniel Nguyễn cũng lần đầu tiên trong lịch sử tạo ra trận chung kết “toàn Việt” ở nội dung đơn nam (chung cuộc Lý Hoàng Nam giành HCV).
Nguồn: tuoitre.vn