Bất chấp số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, Thái Lan quyết tâm mở cửa lại hòn đảo Phuket từ ngày 1-7 để giải cứu ngành du lịch. Hiệu quả của mô hình thử nghiệm này là điều nhiều nước quan tâm.
Chương trình thử nghiệm mang tên Phuket Sandbox chỉ dành cho những ai đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 đến từ những nước có nguy cơ vừa hoặc thấp, với điểm đặc biệt không phải cách ly.
Đây là thử nghiệm táo bạo trong bối cảnh ngành du lịch Đông Nam Á vẫn đang chìm trong khủng hoảng vì dịch bệnh. Nếu thành công, Thái Lan sẽ nhân rộng mô hình từ tháng 10-2021 và nhiều nước khác cũng có thể làm theo.
“Phuket là một sứ mệnh quốc gia, mở đường cho cả nước mở cửa trở lại. Cả nước đang dõi theo và chúng ta không thể thất bại. Có những rủi ro về y tế nhưng kinh tế và doanh nghiệp cũng cần phải tiến tới.
Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha nói khi đích thân đến Phuket ngày 1-7 và chào đón những vị khách đầu tiên.
“Hướng đi đúng cho Thái Lan”
Khoảng 250 du khách từ Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Singapore, Qatar đã tới Phuket ngày 1-7.
“Tôi thực sự rất vui” – ông Bruno Souillard, 60 tuổi, nói khi trở lại Thái Lan lần đầu sau hơn một năm.
“Còn gì tuyệt hơn khi được “mắc kẹt” tại một hòn đảo thiên đường?” – du khách người Anh Ian Shore, bay từ Abu Dhabi, hào hứng chia sẻ.
Theo quy định, các du khách như ông Souillard phải có giấy xác nhận tiêm ngừa đầy đủ ít nhất 2 tuần trước khi đến Phuket, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khởi hành và mua bảo hiểm COVID-19 trị giá tối thiểu 100.000 USD. Sau 14 ngày ở lại hòn đảo và được xét nghiệm, họ có thể tiếp tục du lịch khắp Thái Lan nếu muốn. Chính phủ ước tính hòn đảo sẽ đón hơn 100.000 khách sau ba tháng mở cửa.
“Đây là khởi đầu của ngành du lịch mở cửa lại trong trạng thái bình thường mới”, chủ tịch Hội đồng du lịch Phuket, Thaneth Tantipiriyaki, nói. Thủ tướng Prayuth tháng trước cũng khẳng định dù “có một số rủi ro nhưng đây là hướng đi đúng cho Thái Lan”. Ông Prayuth đặt ra thời hạn 120 ngày để mở cửa hoàn toàn du lịch, giúp người dân kiếm sống trở lại.
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ nhân rộng mô hình này ra các đảo du lịch khác như Phi Phi, Ngai, Railay và Yao ở phía nam từ tháng 8-2021. Các điểm Chiang Mai, Pattaya và Buriram từ tháng tiếp theo, và mở cửa toàn bộ vào giữa tháng 10-2021.
Quả thật, với những người địa phương như anh Thewan Phromyang chuyên cho thuê ghế tại bãi biển Patong, sự trở lại của du khách thực sự là chiếc phao cứu sinh. “Tôi hầu như chẳng có thu nhập gì, chỉ kiếm đủ ăn”, anh nói với Hãng tin AFP.
Du lịch và các ngành liên quan đóng góp đến 20% cho GDP của Thái Lan. Riêng những nơi như Phuket, cuộc sống người dân phụ thuộc 80% vào du lịch. “Ngày càng nhiều nước cho phép người đã tiêm vắc xin được nhập cảnh mà không cần cách ly. Đây đúng là thời điểm hoàn hảo để tăng tốc cho mùa cao điểm vào quý cuối của năm” – ông Ho Kwon Ping, lãnh đạo Công ty du lịch Banyan Tree, phấn khởi nói.
Chuẩn bị kỹ càng
Báo Bangkok Post ngày 1-7 dẫn lời thị trưởng Narong Wunsiew của thành phố Phuket nói hòn đảo như đang đi trên dây và phải cân bằng giữa kinh tế và kiểm soát dịch COVID-19.
Chính quyền Thái Lan đã lập một trung tâm chỉ huy để theo dõi tình hình dịch tại Phuket và có quyền đình chỉ chương trình khi cần. Để chuẩn bị cho mở cửa lại, Phuket đã chạy đua tiêm ngừa cho 70% dân số trên đảo nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Đây là tỉ lệ rất cao trong bối cảnh chỉ mới 10% dân số Thái Lan đã tiêm ít nhất một liều vắc xin. Người dân cũng được đào tạo kỹ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm và xử lý trong khi gặp sự cố…
Thách thức lớn nhất của mô hình là hạn chế “nhập khẩu” ca bệnh còn sót trong các du khách. “Vẫn có rủi ro khi chào đón du khách mà không cách ly vì họ có thể mang virus vào, nhất là các biến thể đáng lo ngại hiện nay” – bà Thira Woratanarat, chuyên gia y tế của Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nhận định.
Không chỉ với Thái Lan, thành công của Phuket hẳn sẽ tiếp thêm tự tin để các điểm du lịch ở những nước láng giềng như Bali của Indonesia và Phú Quốc của Việt Nam có thể mở cửa lại. Indonesia từng lên kế hoạch mở cửa lại đảo Bali vào tháng 7-2021 nhưng sau đó phải hoãn vì số ca nhiễm tăng.
“Đây là khoảnh khắc lịch sử cho châu Á. Ý tưởng mở cửa biên giới mà không phải cách ly không phải chỉ có ở châu Âu”, ông Ho Kwon Ping nói. Đến nay, các nước châu Âu như Thụy Sĩ, Tây Ban Nha cũng đang chạy đua để kết nối lại với thế giới.
Nguồn: tuoitre.vn