Giới phân tích đánh giá thách thức lớn nhất của tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, một người thân tín được ông Tập Cận Bình tin cậy nhất, là phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch.
Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 11-3
Ông Lý Cường trở thành nhân vật quyền lực thứ hai sau ông Tập sau cuộc bỏ phiếu ngày 11-3. Theo Tân Hoa Xã, tân Thủ tướng Trung Quốc sẽ có cuộc gặp đầu tiên với báo chí vào ngày 13-3.
Sau nhiều năm làm việc tại khu vực đầu tàu kinh tế của Trung Quốc, cựu bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường được đánh giá là một người thân thiện với các doanh nghiệp.
Ông là người đã hỗ trợ sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của tỉnh Chiết Giang khi còn làm việc tại đây, và góp phần đưa gã khổng lồ xe điện Tesla của Mỹ đặt trung tâm sản xuất tại Thượng Hải.
Mối quan hệ giữa ông Lý và ông Tập cũng khởi nguồn tại Chiết Giang khi ông Tập còn là bí thư tỉnh này.
Năm 2017, việc ông Lý được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy Thượng Hải cho thấy ông rất được nhà lãnh đạo Trung Quốc tín nhiệm. Và cũng không lạ gì khi các cựu bí thư của Thượng Hải thường được bầu vào những vị trí lãnh đạo cấp cao của chính quyền trung ương.
Giờ đây với tư cách là thủ tướng, ông Lý sẽ chịu trách nhiệm điều hành đất nước hằng ngày cũng như chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất với ông Lý là hồi sinh nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay.
“Vẫn chưa chắc chắn liệu nhu cầu của người tiêu dùng có thể phục hồi trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng hay không, rủi ro tài chính trong lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương vẫn còn đó. Ông ấy vừa phải đưa ra các chính sách để kích cầu hơn nữa trong khi vẫn phải ngăn ngừa rủi ro tài chính”, tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Eva Shen của tổ chức Eurasia Group nhận định.
Tân thủ tướng Trung Quốc sẽ cần ổn định nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính, giải quyết thị trường bất động sản đang sụp đổ và trấn an người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP hằng năm là 3% vào năm ngoái, thấp nhất trong 4 thập kỷ qua. Bất chấp sự phục hồi sau dịch COVID-19, ông Lý vẫn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn sắp tới.
Nguồn: tuoitre.vn