Những cột thông tin này có ý nghĩa như thế nào, đọc xong phải hiểu ra sao sẽ được chúng tôi giải thích ngay dưới đây.
Sao kê tài khoản là bản sao do ngân hàng cung cấp thể hiện chi tiết những phát sinh giao dịch trong tài khoản. Những hoạt động này bao gồm tất cả các giao dịch ra và vào tài khoản.
Hiểu cách khác, chúng ta đang nói về một tài liệu trong đó bạn có thể thấy sự biến động của việc thu chi có trong tài khoản ngân hàng trong một khoảng thời gian cụ thể.
Sao kê tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản. Khi kiểm tra sao kê tài khoản sẽ nắm được các thông tin phát sinh của tài khoản để có thể kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả hơn.
Cách đọc sao kê tài khoản
Sao kê tài khoản thông thường và tối thiểu sẽ có những cột thông tin như sau: Ngày tháng năm, số tiền ghi nợ, số tiền ghi có, số dư và nội dung chi tiết (hay còn được gọi là diễn giải giao dịch).
Ví dụ mẫu sao kê tài khoản cá nhân của ngân hàng Vietcombank. . |
1. Ngày giao dịch
Là khoảng thời gian diễn ra giao dịch và biến động trong tài khoản. Thông tin này rất quan trọng vì bạn có thể kiểm soát chính xác thời điểm các biến động tài khoản diễn ra.
Ví dụ, vào ngày 18/9 bạn có một giao dịch 900.000 đồng. Hay ngày 25/9 bạn có tới 4 giao dịch khác. Tất cả các giao dịch sẽ được hiển thị mốc thời gian qua cột ngày giao dịch này.
Ảnh minh họa. |
2. Số tiền ghi có
Là số tiền giao dịch được chuyển vào tài khoản của bạn.
Ví dụ vào ngày 25/9 bạn nhận được số tiền 1 triệu đồng chuyển vào tài khoản. Cùng trong ngày, bạn nhận tiếp 17.150 đồng vào tài khoản. Đến ngày 26/9 bạn tiếp tục nhận được 13.736.891 đồng vào tài khoản.
Hiểu đơn giản, những con số được ghi trong cột “số tiền ghi có” là số tiền mà người khác chuyển vào tài khoản của bạn. Đó có thể là tiền lương bạn nhận được mỗi tháng, tiền bạn được ai đó trả nợ, tiền lãi từ các khoản đầu tư,…
Ảnh minh họa. |
3. Số tiền ghi nợ
Là số tiền được chuyển đi từ tài khoản của bạn. Ví dụ, ngày 18/9 bạn chuyển đi 900.000 đồng. Ngày 25/9 chuyển đi 950.000 đồng và 50.000 đồng. Ngày 26/9 chuyển đi 100.000 đồng và 2 triệu đồng.
Có thể hiểu đơn giản, con số xuất hiện trong cột “số tiền ghi nợ” là số tiền mà bạn đã chuyển đi. Có thể cho mục đích tiêu dùng, trả nợ, mừng cưới hay tiết kiệm, đầu tư,…
Ảnh minh họa. |
4. Số dư
Là số tiền được tổng kết tại thời điểm mỗi cuối ngày có phát sinh giao dịch trong tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, số dư sẽ được chốt vào thời điểm cuối ngày như đối với ngân hàng Vietcombank đang sử dụng (cái này có thể khác vì tùy thuộc vào cơ chế tính của từng ngân hàng).
Ví dụ: Ngày 18/9 có 1 giao dịch thì số dư 57.942 đồng sẽ được chốt tại thời điểm thực hiện giao dịch cuối cùng là 900.000 đồng.
Nhưng ngày 25/9 có 4 giao dịch thì số dư 75.092 đồng được ngân hàng chốt vào thời điểm cuối ngày, tương ứng với giao dịch cuối cùng là 17.150 đồng.
Ảnh minh họa.
5. Nội dung chi tiết (Diễn giải giao dịch)
Là nội dung thông tin được người chuyển ghi lại trong phần ghi chú chuyển khoản. Hoặc khi bạn chuyển tiền đi cũng ghi tại phần ghi chú của giao dịch.
Nội dung chi tiết có thể coi là lời thông báo về thông tin giao dịch dễ hiểu và nhanh gọn nhất. Phần diễn giải này được ghi bằng tiếng việt không dấu và số.
Ảnh minh họa.
Sao kê tài khoản ngân hàng có mất phí không?
Mỗi ngân hàng sẽ đưa ra một mức biểu phí sao kê khác nhau, bạn có thể liên hệ trực tiếp ngân hàng để nắm bắt được thông tin chính xác nhất về mức phí.
Nguồn: vietnamnet