Hóa ra thú chơi mai rừng như ‘mốt’ chơi đào rừng gần đây của người Hà Nội, đã được những tay chơi Sài Gòn thưởng lãm từ lâu. Và Tết của người Bắc ở Sài Gòn xưa cũng có đủ bánh chưng, tranh Thần Đồ, Uất Lũy, bài tam cúc và cũng nặng nề biếu xén.

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 1.

Chợ hoa Tết đường Nguyễn Huệ của Sài Gòn những năm 1960 

Nhiều người Sài Gòn hẳn còn nhớ những cái Tết Bắc ở Sài thành với đường Nguyễn Huệ đầy hoa; chợ Bến Thành ngập măng miến, lá dong; đường Lê Lợi ngập sắc màu của những sạp hàng thiệp chúc Tết; những cặp tranh Thần Đồ, bài tam cúc và nồi bánh chưng xanh…

Những nét đẹp trong văn hóa đón Tết của ‘người Bắc ở Sài Gòn xưa’ được nhà nghiên cứu Trịnh Bách kỳ công dựng lại trong một bài viết dài, vừa được xuất bản trong cuốn Sách Tết.

Sách Tết Kỷ Hợi 2019 – Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết do Nhà xuất bản Văn học và Đông A liên kết phát hành, vừa chính thức ra mắt độc giả cả nước.

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Hoài Nam, việc xuất bản cuốn Sách Tết này đánh dấu việc sống lại truyền thống làm sách Tết do Tân Dân Thư quán khởi dựng từ năm 1928, đã bị gián đoạn trong 60 năm, kể từ năm 1958.

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 2.

Chợ Tết Bến Thành những năm 1960 

Bài viết của Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa nằm trong phần Góc nhìn của cuốn Sách Tết.

Nhiều người Sài Gòn hẳn còn nhớ, không khí Tết ở Sài Gòn hồi đó bắt đầu được cảm thấy từ sau Giáng sinh. Những sạp bán đồ Giáng sinh dọc các đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ thật ra vẫn ngồi nguyên chỗ và chỉ thay đổi thiệp mừng Giáng sinh sang thiệp chúc Tết.

Không khí hội hè “bắc qua” này kéo dài cho đến gần Tết, khi những khu vực bán hàng Tết thật sự được tổ chức.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhắc nhớ hai khu vực vui nhất là chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Người Sài Gòn hồi đó chỉ chuộng có vài loại hoa có truyền thống lâu đời cho ngày Tết.

Và các chủng loại cũng đơn giản, vì các loại hoa hợp với khí hậu miền Nam cũng không nhiều lắm. Đứng đầu luôn là mai vàng. Sau đó là các loại cúc như đại đóa, vạn thọ, rồi thược dược các mầu, mào gà, phong lan, địa lan…

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 3.

“Sách Tết Kỷ Hợi 2019 – Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết” đánh dấu việc sách Tết trở lại sau 60 năm gián đoạn 

Chuyện dân Hà Nội những năm gần đây rộ lên phong trào lên rừng chặt đào mang về phố chơi. Ít ai ngờ, thú chơi bị nhiều người ngày nay “dị ứng” này đã được các tay chơi của Sài Gòn tận hưởng từ hơn nửa thế kỷ trước.

Ông Trịnh Bách kể, dân chơi Sài Gòn hồi những năm đầu của thập niên 1960 vẫn còn chơi trội bằng cách ra bãi biển Thủy Triều gần Cam Ranh để tìm cành mai rừng, cũng tương tự như lên Sapa tìm cành đào thế ở ngoài Bắc.

Dọc bãi biển Thủy Triều trước đây là hàng cây số rừng mai vàng hoang dã rất đẹp. Thường người ta đốn nguyên cây đem về cắm mấy ngày Tết.

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 4.

Bài “Tết của người Bắc ở Sài Gòn xưa” của Trịnh Bách in trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019 

Những người hiếu cổ thì vào Chợ Lớn tìm mua mấy giò thủy tiên. Hồi đó người ta chơi rễ cây thiết mộc lan chứ không ai chơi rễ thủy tiên. Thủy tiên chỉ chơi hoa, đơn hoặc kép. Những cái thú chơi thủy tiên là gọt, hãm và thúc.

Chuyện biếu xén quà Tết tưởng chị nặng ở miền Bắc những năm sung túc sau đổi mới, ai dè người Bắc ở Sài Gòn xưa đã mang theo truyền thống này vào tận trời Nam vốn phóng khoáng, ít cầu kỳ lễ nghĩa.

Ông Trịnh Bách cho biết, từ thời đó, Sài Gòn gần Tết là bắt đầu nhộn nhịp biếu xén. Rồi cũng lại có chuyện các hộp mứt, chai rượu đi vòng vo rồi nhiều khi cuối cùng lại quay về chủ ban đầu y như câu chuyện thời sự về biếu Tết của người Bắc ngày nay.

Người Bắc ở Sài Gòn xưa ấy, ngoài những món đồ truyền thống, thường tình để làm quà Tết thì nhiều người muốn khoe sang lại tìm đến đường Hàm Nghi. Thường hơn thì vào Chợ Lớn, mua đồ kiểu cách như vịt khô ép mỏng như cái đĩa và lạp xường ngũ vị, bát vị… Tất cả đều được tẩm rượu mai quế lộ.

Các loại rượu quý, rượu vang của Âu, Mỹ hay các loại rượu Trung Hoa cổ (như Trúc Diệp Thanh Tửu, Hoàng Hoa, Ngũ Gia Bì…) đều được coi trọng.

Nhưng những người theo lối xưa như bố mẹ ông Bách lại thích biếu họ hàng, bè bạn các loại sản phẩm do chính tay mình tạo ra. Thông thường nhất là bánh chưng. Những chiếc bánh chưng “lạc loài” giữa rừng bánh tét của người Nam Bộ, thành ra lại thành quý.

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 5.

Đầy “không khí” Tết trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019 

Người Bắc ở Sài Gòn xưa vẫn nấu bánh chưng. Vì lý do thời tiết, họ nấu bạn chưng muộn hơn người ngoài Bắc, thường là ngày 28 âm lịch mới nấu bánh chưng để bánh còn ăn được trong ngày Tết, vì nếu bỏ tủ lạnh sẽ bị lại gạo.

Riêng lá dong gói bánh bán nhiều nhất ở chợ Ông Tạ. Mấy loại giò (chả lụa) cũng hay được nấu ghém vào nồi bánh chưng. Và ngày gói bánh chưng là lúc Tết hơn Tết đối với đám trẻ con.

Đêm 30 là lúc Tết nhất của Tết. Bàn thờ Giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng. Ông Bách kể, thời đó bố ông vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối 30 Tết mỗi năm.

Người Bắc xưa ngày Tết treo cặp tranh Thần Đồ, Uất Lũy hay đôi tranh Tử Vi, Huỳnh Đàn để trấn trước nhà, chứ không treo tranh Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung như người Hoa. Cũng có năm bố ông trổ tài vẽ và giảng giải về ba vuông bẩy tròn và cung tên bằng vôi cho đàn con.

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 6.

Bài viết đầy hồi ức và chất suy tưởng của Giáo sư Ngô Bảo Châu trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019

Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa: Hóa ra chơi đào rừng từ mai rừng mà ra? - Ảnh 7.

Tranh minh họa phố sách Đinh Lễ của họa sĩ Đặng Hồng Quân minh họa cho bài viết về những hiệu sách cũ ở Hà Nội của Giáo sư Ngô Bảo Châu

Sách Tết Kỷ Hợi 2019 xoay quanh tám chủ đề: Văn, Thơ, Nhạc, Sử, Cổ tích, Bình thơ, Góc nhìn, Vĩ thanh. Sách ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn mang hơi thở của ngày hôm nay, đồng thời cũng khôi phục và lưu giữ các phong tục, hương vị tết xưa của người Việt.

Góp mặt trong cuốn sách là những cây viết được bạn đọc yêu thích như Phan Cung Việt, Nguyễn Thị Thu Huệ, Ma Văn Kháng, Ngô Bảo Châu… và các họa sĩ minh họa tên tuổi như Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn, Đỗ Hiệp…

Sách được in màu toàn bộ, in 2.000 bản trong đó có 100 ấn bản đặc biệt.

Nguồn: tuooitre.vn

Từ khóa : chợ Bến thànhchợ hoa Tếtđường Nguyễn Huệ

Các tin liên quan đến bài viết