Những tác phẩm có hình các món ăn trong mâm cúng ngày Tết của 3 miền được làm từ đất sét khiến nhiều người thích thú. Còn những củ đậu ‘khổng lồ’ của một lão nông ở Hải Dương trở thành thứ củ chơi Tết độc lạ.
Độc đáo mâm cơm 3 miền ngày Tết làm từ đất sét
Báo Dân Việt cho hay, để giúp những người trẻ hiểu thêm ý nghĩa của những mâm cơm ngày Tết, anh Nguyễn Tấn Đạt – một nghệ nhân về tranh cá 3D, sống tại quận 3, TP.HCM – đã nghĩ ra ý tưởng sử dụng chất liệu chính là đất sét Việt rồi tạo thành những tác phẩm có hình các món ăn trong mâm cúng ngày Tết của 3 miền tại Việt Nam hết sức độc đáo và nhân văn.
Lý do anh Đạt chọn đất sét Việt là chất liệu chính là do nó có giá thành rẻ, dễ tạo hình. Ngoài đất sét, anh còn kết hợp các chất liệu khác như cát, nhựa resin, màu acrylic, bột gạo, bột mì để tạo hình cho các một ăn một cách chân thực nhất. Một món ăn trong mâm cơm cúng Tết làm bằng đất sét phải mất 1-2 ngày để có thể thành phẩm từ việc lên ý tưởng, chuẩn bị đất, pha màu và tạo hình.
Anh Đạt cho biết, khi tạo hình món ăn bằng đất sét, phải làm sao cho nó giống thật, phải bày trí sao cho khi nhìn vào, người xem cảm thấy bắt mắt, có cảm giác “thèm ăn”.
Mâm cơm miền Bắc làm từ đất sét |
Củ đậu ‘khổng lồ’ – thứ củ chơi Tết độc lạ
Gia đình ông Trần Văn Liêm (65 tuổi) nổi tiếng khắp vùng Thanh Hà (Hải Dương) nhờ trồng và bán củ đậu “khổng lồ”. Những ngày giáp Tết, gia đình ông Liêm lại tấp nập đón khách từ khắp nơi đến mua củ đậu “khổng lồ” – thứ củ chơi Tết độc lạ mang lại thu nhập khủng cho gia đình ông.
Ông Liêm chia sẻ trên Báo Lao Động: 200 củ đậu trong vườn nhà ông đã có người đặt mua với giá từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy theo hình dáng, cân nặng của củ. Năm nay, củ đậu cân nặng từ 8-15kg, có năm có củ nặng tới 20kg. Những củ hơn 10kg được ông Liêm bán với giá 1 triệu đồng/củ.
Vợ ông Liêm cho biết, củ đậu “khổng lồ” không chỉ thu hút bởi hình dáng độc lạ, mà còn hấp dẫn bởi hương vị ngon, ngọt, mát, đậm đà hơn so với củ đậu bình thường.
Bộ bàn ghế Cửu lân quần tụ mạ vàng giá 3 tỷ
Festival Sinh vật cảnh năm 2021 diễn ra ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) quy tụ rất nhiều món đồ gỗ quý hiếm và những loại cây cảnh độc đáo. Song gây ấn tượng với nhiều người hơn cả là bộ bàn ghế “khủng” nặng gần 4 tấn với tên gọi “Cửu lân quần tụ”.
Bộ bàn ghế Cửu lân quần tụ |
Anh Lương Long Nhật, chủ nhân bộ bàn ghế cho biết trên Báo Người Lao Động: Một khúc gỗ nguyên khối kích thước lớn ôm cục đá như thế này rất hiếm gặp ở Việt Nam. Tất cả được chế tác từ phần gỗ nguyên khối, với 9 món đồ gồm bàn, ghế, chân đôn, tượng… Để hoàn thiện bộ bàn ghế, 8 người thợ chính phải làm liên tục trong vòng 1 năm. Chiếc bàn chính dài khoảng hơn 3 mét, trên bàn là tượng Phật Di Lặc ngồi dưới gốc tùng, lưng tựa phiến đá. Dưới chân bức tượng là những chi tiết trang trí được mạ vàng lá Đài Loan. Anh đang chào bán bộ bàn ghế này với giá 3 tỷ đồng.
Long sàng 300 năm tuổi quý hiếm của đại gia Hà Nội
Báo Dân Việt cho biết, trong không gian trưng bày đồ cổ trên phố Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) của bà Trịnh Thu Hương có một chiếc long sàng rất sang trọng, cổ kính. Theo bà Hương, chiếc long sàng có tuổi đời khoảng 300 năm của vua chúa ở Huế xưa. Trải qua 300 năm, nó vẫn còn nguyên vẹn.
Toàn bộ chiếc giường đều được làm bằng nhiều loại gỗ quý hiếm, có độ bền cao. Họa tiết trang trí chủ đạo của long sàng chính là rồng – biểu tượng của của vương quyền. Khắp long sàng đều là những họa tiết “long ẩn vân” (rồng ẩn mây) được các nghệ nhân chạm khắc công phu, tỉ mỉ. Và từng họa tiết đều được dát vàng cẩn thận.
Cặp mai vàng ‘nổi vảy rồng’ độc lạ giá 700 triệu
Tại chợ hoa kiểng An Giang năm nay, lượng mai vàng hội tụ phong phú. Nhiều cây mai “khủng” có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Trong đó, cặp mai thân “nổi vảy rồng” khiến nhiều người chú ý.
Cặp mai vàng có dáng độc lạ này là của anh Tâm ở Vĩnh Long. Anh Tâm cho biết trên Báo Dân Trí, cặp mai này được người chủ cũ trồng trong một đoạn ống cống to và dài để nuôi bộ rễ dài. Vì vậy, cây mai nổi bộ rễ như “vảy rồng”. Cất công đeo đuổi nhiều năm, đến 2020, anh Tâm mới thuyết phục được chủ cây bán lại. Hiện anh Tâm rao bán cặp mai với giá 700 triệu đồng.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ và cho biết lần đầu tiên thấy thân cây mai “nổi vảy” độc đáo như vậy. Song cũng có một số người cho rằng “vảy rồng” ở đây là do bàn tay con người tác động vào.
Sanh bonsai đường kính tán lớn nhất Việt Nam, sanh hình dáng kỳ quái
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác nhận kỷ lục cây sanh bonsai của ông Nguyễn Phước Lộc (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) có đường kính tán lớn nhất Việt Nam. Vietnam+ thông tin, cây sanh này cao trên 5m, đường kính tán 6,2m, bề hoành gốc 3,5m, được mua về từ một nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang vào năm 2004. Để có được cây sanh bonsai đạt giá trị thẩm mỹ cao, ông Lộc phải chăm sóc, chiết, uốn cành, cắt tỉa, chỉnh sửa tạo dáng cho đến nay mới được bộ tán lớn và xác lập kỷ lục. Ông Lộc cho hay, cây sanh này có tuổi thọ hơn 120 năm, trị giá 5 tỷ đồng.
Còn cặp sanh khủng có hình dáng độc lạ của ông Nguyễn Thế Tiến (xã Đông Xá, Đông Hưng, Thái Bình) cũng được nhiều người yêu cây chú ý. Theo VTC News, hai cây này từng đoạt giải bạc tại Triển lãm Sinh vật cảnh tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2020 và được nhiều đại gia săn đón. Trong đó, cây “Thiên long mộc thạch” từng có khách trả 10 tỷ đồng nhưng ông Tiến chưa bán.
“Cây này dáng độc lạ, kỳ quái, có nhiều u bướu, sụn, đường co lắc rất nhịp nhàng, đạt được tiêu chí cao. Nhìn nhận cây đạt được cả 4 tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn mà một cây cảnh cần có nên tôi dồn hết tâm huyết để làm được tác phẩm đặc biệt này”, ông Tiến nói trên báo này.
Ngắm cây sung thế lạ gần 100 tuổi giá trăm triệu
Tại Festival sinh vật cảnh diễn ra tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), một cây sung bonsai dáng lạ được rất nhiều người quan tâm. Gốc của cây sung có nhiều rễ lớn nổi trên mặt đất, màu bệ rễ như đã hóa thạch đẹp mắt. Tay bông của cây sung này to, đều, chiều sâu uốn lượn.
Cây sung thế dáng độc lạ nổi bật giữa những cây cảnh xung quanh. |
Theo VTC News, sây sung này của một người tên Nhật. Để có được cây sung kiểng giá trị như ngày hôm nay, anh Nhật đã phải bỏ ra gần chục năm để sưu tầm, chăm sóc, tạo tán. Anh Nhật cho biết, có một số khách trả giá cây gần 150 triệu đồng nhưng anh muốn chờ được giá cao hơn.
Nguồn: vietnamnet