Lợi dụng hoàn cảnh nhiều người cần tiền để trang trải vào dịp tết, các băng nhóm tín dụng đen tung chiêu lừa cho vay lãi “cắt cổ”, rồi tổ chức đòi nợ theo kiểu khủng bố khiến nhiều gia đình sống trong sợ hãi.

Tết đến, thò tay bốc tín dụng đen là chết chắc - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, nhiều người dân “nhắm mắt đưa chân” với tín dụng đen do không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục và điều kiện chặt chẽ, trong khi các đối tượng cho vay nặng lãi luôn sẵn sàng cho vay với thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh nhưng với lãi suất “cắt cổ”.

Tan cửa nát nhà vì tín dụng đen

Hơn một tháng nay, nhà bà V. (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) luôn cửa đóng then cài kèm theo tấm biển với nội dung: “Ông N.V.A. đã bán nhà chuyển đi nơi khác, không còn ở địa chỉ này. Đề nghị xác minh”.

Trước đó, bà V. đã cho cháu là ông N.V.A. nhập hộ khẩu. Gần đây, ông A. vay nợ tín dụng đen nên gia đình bà bị các băng nhóm đòi nợ đến “khủng bố”. Quá sợ hãi, bà V. phải cho người cháu này 100 triệu đồng với điều kiện phải cắt hộ khẩu và chuyển khỏi nhà bà.

Bi kịch hơn là trường hợp ông T. (TP.HCM), người từng vay một app và đã trả xong nợ, rồi lại được người bên app liên hệ báo rằng ông T. đủ điều kiện để vay thêm.

Trong khi ông T. đang lưỡng lự vì thực sự vẫn cần tiền tiêu xài, bên app chuyển tiền vào tài khoản của ông T.. Đến hạn trả nợ, do kẹt tiền nên xin khất vài ngày, ông T. bị nhóm đòi nợ gọi điện thoại đe dọa, đòi đăng hình lên mạng xã hội để gây áp lực.

Tại tọa đàm “Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 20-1, anh B.V.H. (sinh năm 1977, ngụ P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TP.HCM) cho biết vợ anh chơi lô đề nên vay 4 tỉ đồng của nhiều người với lãi suất cao. Do những nhóm này gây áp lực, anh phải bán căn nhà đang ở để trả nợ và ở nhà thuê nhưng vẫn không dứt nợ.

Hơn nửa tháng trước, sau khi anh H. gửi đơn cầu cứu đến cơ quan công an về việc nhà bị tạt sơn, một số đối tượng đến nhà anh thách thức: “Ba cái tạt sơn này công an không can thiệp đâu” rồi tiếp tục tạt sơn, chọi đá vào nhà khiến cửa kính bị hư hỏng. Anh H. phải cầu cứu công an lần hai.

Theo chị T.L. (sinh năm 1988, ngụ Q. Bình Thạnh), do cần vốn kinh doanh nên chị được bạn bè, người quen giới thiệu vay vốn bên ngoài. “Ban đầu vay lãi suất 1,5 – 1,75%/ngày và sau đó lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí tôi còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà photo đề giá bán tới 3 tỉ đồng”, chị T.L. bức xúc.

Sẽ nới các điều kiện cho vay tiêu dùng?

Giải thích lý do tín dụng đen vẫn có đất sống, các chuyên gia cho rằng do nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn trong khi các kênh tín dụng chính thức qua hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng hết được, chưa kể thủ tục phức tạp và điều kiện cho vay chặt chẽ.

Để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, theo các chuyên gia, các tổ chức tín dụng cần cải thiện thủ tục, điều kiện cho vay để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng hơn, thay vì tìm đến tín dụng đen khi có nhu cầu.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, thủ tục vay tín dụng đen rất đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần giấy photo, trong 10 – 30 phút là có thể giải ngân.

Dù lãi suất tín dụng đen 100 – 360%/năm nhưng nhiều người dân có nhu cầu vốn gấp và không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng nên đành “nhắm mắt đưa chân”. Chỉ đến khi không trả đúng hẹn, người vay mới “sống dở chết dở” với các nhóm cho vay nặng lãi này.

Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận đã có nhiều hệ lụy đau lòng từ tín dụng đen, có người phải tự tử hoặc đi biệt xứ trốn tránh. Những người không trực tiếp vay mượn cũng chịu hệ lụy.

Trong thực tế, tín dụng đen tồn tại gắn với những tệ nạn xã hội như số đề, cá độ… Do vậy, dẹp bỏ tín dụng đen phải song hành với dẹp bỏ các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cần truyền thông đến người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, để dẹp bỏ tâm lý sợ đến ngân hàng, nghĩ là vay ngân hàng khó lắm.

Thời gian tới, theo ông Tú, ngành ngân hàng xem việc tung vốn chính thức đẩy lùi tín dụng đen là một nhiệm vụ quan trọng và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ chế chính sách cho việc mở rộng tín dụng tiêu dùng.

“Những nhu cầu chính đáng, cấp bách như đi khám chữa bệnh, học hành… sẽ được tạo điều kiện tối đa để tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm nguyên tắc không để xảy ra rủi ro cho tổ chức tín dụng”, ông Tú nói.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho biết hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi như bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, thậm chí giết người… đang diễn ra khá phức tạp trên địa bàn.

Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 9 án trực tiếp phát sinh liên quan hoạt động tín dụng đen gồm cưỡng đoạt tài sản (1 vụ), cố ý gây thương tích (3 vụ), bắt giữ người trái pháp luật (2 vụ), hủy hoại tài sản (3 vụ). Ngoài ra, đã phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự gián tiếp từ 210 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện thoại đe dọa.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lãi suấtngười dântín dụng đenvay lãi

Các tin liên quan đến bài viết