Hà Nội phải kiên định với những giải pháp như điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Người dân cần tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu… khi không cần thiết. 

Tình hình dịch tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ lây lan cao, đặc biệt khi dịp Tết sắp đến. Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, như ngày 26/12 ghi nhận tới 1.887 ca; ngày 27/12 gần chạm mốc 2.000 ca (với 1.948 ca, trong đó 658 ca cộng đồng).

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, chúng ta nới lỏng các hoạt động, đi lại, nhất là ở những TP lớn, nơi giao lưu nhiều, mật độ dân số đông, có nhiều sự kiện họp như Hà Nội, TP.HCM… nên số ca mắc mới đã gia tăng, trong đó có nhiều F0 cộng đồng và nhiều ổ dịch xảy ra, đó là điều đã dự báo trước.

Tết cận kề, Hà Nội cần làm gì để tránh F0 tăng cao?
Đêm Noel nhiều người Hà Nội quên thực hiện 5K. 

TP Hà Nội thực hiện sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, số ca F0 tăng trong cộng đồng cũng là nằm trong dự kiến. Nhưng những ngày gần đây, Hà Nội liên tục có trên 1.600 -1.800 ca, con số này dự kiến còn cao hơn nữa, nếu tiếp tục tăng thì hệ thống y tế của Thủ đô sẽ quá tải.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Tết Nguyên đán sắp đến, đi lại, vui chơi, hội hè… gia tăng, trong khi dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, sẽ có nhiều ca bệnh tăng lên. Đây là mối lo thường trực nếu lúc này chúng ta không có giải pháp giảm ca mắc mới.

Để kiểm soát dịch, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh việc trước hết là phải phòng bệnh. Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước, vì vậy người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi; hạn chế tiếp xúc với đám đông; giảm đi lại không cần thiết; không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết… Những dịch vụ thiết yếu cho hoạt động nhưng phải có điều kiện, vừa rồi chúng ta có vẻ thả lỏng.

Thứ hai, là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương, các cấp phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra.

“Thời gian trước đây, một số địa phương làm rất tốt, rất nghiêm việc tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm 5K, nhưng hiện nay chúng ta đã thả lỏng. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện thông điệp 5K”, ông Phu nói.

Ông bày tỏ, chúng ta chấp nhận có F0, nhưng không thể tăng cao được nữa, bởi nếu tăng cao nữa mới bắt đầu giảm thì nguy cơ vỡ trận về y tế dự phòng, y tế cơ sở không tiếp cận được F0 và dẫn đến tử vong.

Người dân phải luôn phòng bệnh

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, trên thế giới có nhiều bài học, nhiều nước châu Âu “nói không” với 5K, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin rất cao, song con số lây nhiễm thì rất lớn, khiến nhiều nước vỡ trận hệ thống y tế.

Ông cũng lưu ý, chủng mới Omicron đã xuất hiện ở trên 100 quốc gia, đã xâm nhập vào một số nước láng giềng xung quanh chúng ta. Tuy Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh có biến chủng mới, song việc chủng này xâm nhập vào luôn thường trực. Vì vậy, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng chống cũng như điều trị chi tiết khi chủng này xuất hiện trên địa bàn.

Muốn làm tốt thì không có gì ngoài nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, phải dự tính được đủ chỗ điều trị cho người bệnh ở các tầng; tăng cường y tế cơ sở để tiếp cận với F0 để tư vấn, phân tầng hợp lý, can thiệp y tế kịp thời.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, Hà Nội phải kiên định với những giải pháp trong công tác phòng chống dịch như: điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Nhưng các giải pháp trong “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả” phải có thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Người dân phải luôn phòng bệnh, không chủ quan, tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu… khi không cần thiết. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cho gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, diễn biến dịch hiện vẫn đang rất phức tạp và khó lường, người dân không được chủ quan, lơ là, đặc biệt không nên buông xuôi, thả lỏng, nghĩ rằng tiêm vắc xin rồi thì không nhiễm Covid-19.

Thực tế cho thấy, những người tiêm rồi vẫn bị nhiễm và vẫn có thể nhiễm nặng, đặc biệt lây lan cho người già, người có bệnh nền, trẻ em và lây lan đến những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, dẫn tới lan bùng dịch ở nơi đó.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Hà NộiHà Nội

Các tin liên quan đến bài viết