Căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung đang đẩy Tesla, gã khổng lồ về ôtô điện, rơi vào thế “đi cũng dở, ở không xong” tại Trung Quốc. Theo giới quan sát, những gì Tesla đang trải qua có phần hơi giống Huawei.
Truyền thông Trung Quốc ngày 27-5 đồng loạt đưa tin Tesla cam kết dữ liệu từ những chiếc Tesla đang lăn bánh ở Trung Quốc sẽ được lưu trữ tại một trung tâm mới đặt tại nước này. Động thái diễn ra không lâu sau khi có thông tin chính quyền Bắc Kinh cấm các mẫu xe Tesla đậu trong khu vực quân sự và các tòa nhà chính phủ vì lo nguy cơ do thám.
Liên tục bị chỉ trích
Trong bài đăng trên tài khoản Weibo chính thức ngày 26-5, Tesla cho biết đã xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để lưu trữ dữ liệu tại đây. Tập đoàn này cũng cam kết sẽ dần tăng các trung tâm tương tự trong tương lai và đảm bảo an ninh dữ liệu người dùng.
Việc Tesla chấp nhận mở trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc được xem là một bước lùi nữa của họ trước sức ép từ Bắc Kinh.
Hãng xe điện đến từ Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng tại Trung Quốc. Không còn xuất hiện trong những bản tin tích cực như cách đây 2 năm, phần lớn tin tức về Tesla xuất hiện trên mặt báo Trung Quốc hiện nay là tiêu cực.
Chẳng hạn, Thời báo Hoàn cầu hôm 25-5 chạy dòng tít “xe Tesla mất kiểm soát và tông thẳng vào một cửa hàng trên phố”. Trước đó, hình ảnh một phụ nữ nhảy lên nóc xe Tesla tại triển lãm ôtô Thượng Hải ngày 19-4 cũng tràn ngập mặt báo Trung Quốc.
Người này được cho là chủ sở hữu một chiếc Tesla gặp nạn vì lỗi phanh ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) hồi tháng 2-2021. Tesla sau đó phải xin lỗi vì chậm cung cấp dữ liệu làm rõ tai nạn.
Các thông tin nói ôtô Tesla có thể do thám cũng dẫn tới tâm lý e ngại của khách hàng. Hồi tháng 3, quân đội Trung Quốc đã cấm xe Tesla đậu trong khu vực quân sự với lý do các cảm biến và camera của nó có thể lén thu thập dữ liệu rồi chuyển về Mỹ.
Viện lý do tương tự, Chính phủ Trung Quốc cấm các nhân viên đậu xe trong khuôn viên công sở, theo Hãng tin Reuters.
Tần suất các bản tin như vậy xuất hiện liên tục, tạo cảm giác xe Tesla là một phương tiện không an toàn và thiếu tin cậy. Theo báo South China Morning Post (SCMP), điều này khiến doanh số bán ôtô Tesla tại Trung Quốc giảm 10.000 chiếc trong tháng 4.
Mặc dù vẫn chiếm lĩnh phân khúc xe điện cao cấp tại Trung Quốc, song giới quan sát tin rằng Tesla sẽ sớm bị “truất ngôi” nếu căng thẳng Mỹ – Trung leo thang.
Tesla sẽ sống và chết bởi các siêu nhà máy
Gigafactory – Chuyên trang về công nghệ The Verge nhận xét năm 2018, không lâu sau khi nhà máy Tesla Thượng Hải được động thổ xây dựng.
Đòn ép của Trung Quốc?
Lấy lý do bảo vệ dữ liệu công dân, chính quyền Trung Quốc đặt ra quy định mới cho các nhà sản xuất xe điện.
Hôm 12-5, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ban hành dự thảo quy định mới, trong đó yêu cầu nhà sản xuất phải hỏi ý kiến người dùng cuối và phải được họ đồng ý trước khi thu thập dữ liệu.
Các dữ liệu thu thập phải được lưu trữ bảo mật và có thể truy cập dễ dàng khi có yêu cầu từ người dùng.
Mặc dù quy định mới liên quan đến tất cả các nhà sản xuất xe điện, song giới quan sát tin rằng mục tiêu chính của nó là Tesla.
Trung Quốc hiện là thị trường ôtô điện lớn thứ hai của Tesla (sau Mỹ) và là nơi đặt siêu nhà máy đầu tiên của Tesla bên ngoài Mỹ (Gigafactory số 3).
Cho đến thời điểm hiện tại, đây cũng là Gigafactory duy nhất đang hoạt động ngoài lãnh thổ Mỹ và chuyên sản xuất các mẫu Model 3 và Model Y.
Siêu nhà máy của Tesla không chỉ giúp người Trung Quốc được tận hưởng các phương tiện đẳng cấp với giá rẻ hơn mà còn tạo việc làm cho chuỗi cung ứng địa phương. Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu vì sao tập đoàn này lại đối mặt sức ép ngày càng lớn từ Bắc Kinh.
Vấn đề này có vẻ dễ hiểu hơn khi nhìn vào đại kế hoạch “Made in China 2025” mà Trung Quốc đề ra từ năm 2015. Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2025 sẽ dẫn đầu thế giới trong 10 ngành mà hiện nay Mỹ đang chiếm ưu thế, trong đó có sản xuất ôtô điện.
Để hiện thực hóa tham vọng, Chính phủ Trung Quốc đã rất ưu ái nhà sản xuất trong nước, đặc biệt các nhà sản xuất ôtô điện như Nio, Xpeng và Li Auto. Vậy nên sẽ không khó hiểu nếu Bắc Kinh gây khó dễ cho các hãng xe ngoại như Tesla.
Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang trả đũa Mỹ sau những gì xảy ra với Huawei. Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc đã bị Mỹ và đồng minh tẩy chay, trừng phạt với lý do đe dọa an ninh quốc gia.
Tuần báo Nikkei Asia của Nhật gọi những quy định mới của CAC là “trái đắng” với Tesla sau thời gian ngắn ngủi thu được quả ngọt. Tờ này bình luận Gigafactory số 3 đã giúp Tesla thống trị thị trường Trung Quốc nhưng việc lấn sâu hơn đã khiến họ phải trả giá.
Nguồn: tuoitre.vn