Techcombank của ông Hồ Hùng Anh tiếp tục đặt mục tiêu tham vọng lãi trước thuế hợp nhất 11.750 tỷ đồng trong năm 2019. Đồng thời, ngân hàng này cũng trình kế hoạch không chia cổ tức cho năm 2018.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố nội dung các tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 với nhiều điểm đáng chú ý.

Năm thứ 2 đạt lợi nhuận vạn tỷ

Về chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2019, Techcombank do ông Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2018 lên mức 11.750 tỷ đồng. Nếu không tính lợi nhuận bất thường từ việc bán TechcomFinance, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 theo mục tiêu sẽ tăng trưởng 20% so với năm ngoái.

Ngoài ra, mội số chỉ tiêu tài chính quan trọng khác trong năm 2019 đã được Techcombank thông qua bao gồm: Tổng tài sản đạt 375.821 tỷ đồng, tăng 17% sau một năm; huy động vốn kế hoạch đạt 274.156 tỷ đồng, tăng 32%; dư nợ tín dụng đạt 245.366 tỷ đồng, tăng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép; tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 2,5%.

techcombank cua ong ho hung anh chi bao cho nhan vien, noi khong co tuc hinh anh 1

Trong phương hướng cụ thể, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh sẽ tiếp tục mở rộng cách tiếp cận khách hàng theo mô hình hệ sinh thái trong các chuỗi giá trị phục vụ nhu cầu ngắn hạn (như hàng tiêu dùng) và trung dài hạn (như ô tô, nhà ở).

Đồng thời, Techcombank tiếp tục đi theo hướng tăng đóng góp từ thu phí dịch vụ đối với khách hàng doanh nghiệp nhờ hệ thống ngân hàng giao dịch hiện đại và đối với khách hàng cá nhân nhờ các sản phẩm thẻ, bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tài khoản và thanh toán, đặc biệt trên các kênh online.

Cùng với đó, Techcombank cũng phát triển một số giải pháp mới trong các lĩnh vực phân phối trái phiếu, bảo hiểm phi nhân thọ…

Trong năm 2018, Techcombank là ngân hàng tư nhân đầu tiên có mức lợi nhuận vạn tỷ và giữ vị trí á quân về lợi nhuận trong năm này với 10.661 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đã tăng tới 7,5 lần.

Tổng tài sản của Techcombank đạt 320.989 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) đạt 2,9%, tăng  gần 5 lần trong giai đoạn 2014 – 2018. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân tăng từ 7,5% năm 2014 lên 21,5% vào năm 2018.

Sở dĩ Techcombank có được sự bứt phá về tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh mà hầu hết các ngân hàng khác đều chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong lĩnh vực này và phải bù đắp bằng mảng dịch vụ là bởi Techcombank có một lợi thế không nhỏ.

Trong năm 2018, cho dù cho vay khách hàng của Techcombank giảm nhẹ nhưng bù lại là một danh mục trái phiếu giá trị lớn, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Techcombank có mối quan hệ mật thiết với một số khách hàng lớn và nằm trong hệ sinh thái của Vingroup của tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

techcombank cua ong ho hung anh chi bao cho nhan vien, noi khong co tuc hinh anh 2

Ngoài ra, ĐHCĐ năm nay, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh sẽ bầu HĐQT mới. Theo tờ trình, HĐQT sẽ có 8 ứng viên gồm: ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Nguyễn Thiều Quang, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Đỗ Tuấn Anh, ông Lee Boon Huat, ông Saurabh Narayan Agarwal và ông Nguyễn Nhân Nghĩa (ứng cử Thành viên HĐQT độc lập).

So với dàn HĐQT hiện tại thì danh sách trên vắng tên ông Nguyễn Đoan Hùng (Thành viên HĐQT độc lập) và có thêm 2 ông Saurabh Narayan Agarwal và Nguyễn Nhân Nghĩa.

Ông Saurabh Narayan Agarwal hiện công tác tại quỹ đầu tư Warburg Pincus, là Giám đốc Warburg Pincus NewYork, Hoa Kỳ và Singapore. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhân Nghĩa từng là công tác tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

8 năm nói không “cổ tức” nhưng mở hầu bao tặng nhân viên hàng trăm tỷ đồng

Cũng theo các công bố nội dung các tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh tiếp tục chiến lược không chia cổ tức.

Cụ thể, tại tờ trình cổ đông về việc trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2018, HĐQT Techcombank cho biết sẽ không chia lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Năm 2018, Techcombank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2, nghĩa là cứ 1 cổ phiếu thì được nhận thêm 2 cổ phiếu. Tuy nhiên, 7 năm liên tiếp trước đó, ngân hàng này đã không chia cổ tức cũng với lý do giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, lợi nhuận còn lại có thể phân phối của ngân hàng này là trên 10.286 tỷ đồng.

Đồng thời, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh cũng đưa ra kế hoạch phát hành, bán cổ phần cho người lao động (ESOP) trong năm nay với tổng lượng phát hành dự kiến tối đa 10 triệu cổ phiếu phổ thông (tương đương 0,29% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho cán bộ nhân viên với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp.

techcombank cua ong ho hung anh chi bao cho nhan vien, noi khong co tuc hinh anh 3

Số cổ phiếu này sẽ được phát hành ngay trong quý II hoặc quý III và không bị hạn chế chuyển nhượng. Điều đó có nghĩa là những người lao động được nhận số cổ phiếu này có thể bán và hiện thực hóa lợi nhuận ngay lập tức.

Nếu xét với mức giá giao động trong khoảng từ 25.000 đ/cp đến 27.750 đ/cp từ đầu năm đến nay của cổ phiếu TCB (Techcombank), mức giá chênh lệch so với cổ phiếu ESOP cũng sẽ giao động từ 15.000 – 17.750 đ/cp.

Như vậy, những người được mua cổ phiếu ESOP lần này của Techcombank sẽ được hưởng lợi tối thiểu 150 tỷ đồng và tối đa lên tới gần 180 tỷ.

Vốn điều lệ mới sau khi tăng vốn điều lệ theo dự kiến của Techcombank là 35.066 tỷ đồng. Đồng thời, với số tiền thu về từ ESOP, Techcombank sẽ sử dụng để bổ dung cho hoạt động cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu.

Hồi đầu tháng 3.2019, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT của Techcombank lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes với khối tài sản trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, đứng trong top 1.500 người giàu nhất hành tinh.

Ông Hồ Hùng Anh cũng thuộc Top 3 người giàu thứ 3 Việt Nam. Ông cũng là tỷ phú USD đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt.

techcombank cua ong ho hung anh chi bao cho nhan vien, noi khong co tuc hinh anh 4

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank

Ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá khoảng 25 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người gần 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.

Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.

Theo Dân Trí

Từ khóa : đại hội đồng cổ đôngHồ Hùng Anhlợi nhuậnTCBTechcombanktỷ phú Hồ Hùng Anh

Các tin liên quan đến bài viết