Bất chấp tác động của đại dịch, BĐS công nghiệp vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp cũng như sự gia tăng của diện tích đất công nghiệp mới.
Thương vụ tỷ USD
Mới đây, ESR Cayman Limited, nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất tại châu Á – Thái Bình Dương và CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BW) đã liên doanh để phát triển 240.000 m2 tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP.HCM. Sự hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR vào thị trường Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực Đông Nam Á.
Một nhà đầu tư khá mới trên thị trường, CTCP Tập đoàn KCN Việt Nam, đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với vốn đầu tư 300 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp với danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai và Long An.
Về hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), công ty TNHH Boustead Projects đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần CTCP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead. Nếu thành công, sự hợp tác này sẽ mang tới 13 tài sản bất động sản với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu USD, bao gồm khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng diện tích cho thuê.
Vốn FDI đăng ký cấp mới của 6 tháng đầu năm 2021- Nguồn: MOPI & Savills Vietnam, 2021 |
Jinko Solar và Fukang Technology, đến từ Hồng Kông và Singapore, đầu tư dự án lớn nhất với số vốn đầu tư lần lượt là 498 triệu USD và 270 triệu USD tại Quảng Ninh và Bắc Giang.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, cho biết, xét theo khu vực, khu vực phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất, lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần.
Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD (23%), còn khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD (13%). Xét theo các tỉnh, Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện khu vực phía Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.
Xét theo quốc tịch, Hồng Kông có số vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất cao nhất trong nửa đầu năm với hơn 852 triệu USD, chiếm 27% thị phần. Singapore đứng ở vị trí thứ hai với 655 USD (21%), tiếp theo là Trung Quốc với 549 USD (18%) và Hàn Quốc với 330 triệu USD (11%).
Vốn FDI đăng ký cấp mới của 6 tháng đầu năm 2021 theo tỉnh- Nguồn: MOPI & Savills Vietnam, 2021 |
Tăng nóng đón bùng nổ dòng vốn đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đang có 370 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 115.200 ha. Trong đó, có 328 KCN hoạt động ngoài các khu kinh tế, 24 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu. Các dự án này đã tạo ra khoảng 3,6 triệu việc làm cho người lao động.
Hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh, thành đã được phê duyệt trong quý 1/2021, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tich đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới. Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 KCN sắp triển khai.
Đơn cử như KCN Quế Võ III với diện tích gần 209ha, có tổng vốn đầu tư 121 triệu USD; hay KCN Gia Bình II với diện tích 250 ha (do Tập đoàn Hanaka phát triển) có tổng vốn đầu tư trên 172 triệu USD. Quảng Trị cũng kỳ vọng vào các dự án mới như KCN Triệu Phú với tổng diện tích gần 529 ha.
Ngoài ra, có thể kể đến KCN Quảng Trị có diện tích 481 ha, tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD, được phát triển bởi liên doanh 3 nhà đầu tư gồm KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) và Công ty cổ phần Amata City Biên Hòa.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng một số KCN mới với tổng nguồn cung 500 ha như Sông Lô, Tam Đường 1, Thái Hòa – Liên Sơn – Liên Hòa. Ngoài ra, các dự án mới dự kiến sẽ được phát triển tại Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Nam Định và Nghệ An.
Dòng vốn tỷ USD đổ vào các dự án công nghiệp |
Ở khu vực phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch phát triển thêm 3 KCN với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các KCN hiện nay. Đó là KCN Long Đức (3.253 ha), KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp (2.627 ha) ở huyện Long Thành, và KCN Xuân Quế – Sông Nhạn (3.595 ha) ở huyện Cẩm Mỹ. Ba KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030..
Đến ngày 20/6/2021, Việt Nam thu hút được 15,27 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực chế biến chế tạo thu hút tổng cộng 6,97 tỷ USD (chiếm 45% tổng vốn đầu tư), với 273 dự án mới có vốn đầu tư 3,09 tỷ USD và 286 dự án vốn tăng đến 3,38 tỷ USD.
Tính theo năm, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất giảm từ 8 tỷ USD xuống còn 6,97 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020 và vốn đăng ký sản xuất mới giảm từ 3,57 tỷ USD xuống còn 3,09 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, vốn sản xuất hiện tại nằm ở mức 3,38 tỷ USD – vẫn cao hơn con số 3,23 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Ông John Campbell nhận định, việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước tiếp tục gây khó khăn cho các chủ đầu tư đang tìm kiếm khách hàng thuê đất, nhà xưởng và nhà kho, vì các nhà đầu tư và khách thuê tiềm năng không thể trực tiếp đến tham quan và khảo sát các dự án ở các tỉnh khác.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình hộ chiếu vắc xin đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu bất động sản cũng như các nhà đầu tư. Với những trở ngại mà phân khúc này phải đối mặt, bất động sản công nghiệp đang phải tiếp tục cuộc chiến của mình trong làn sóng đại dịch thứ tư này.
Nguồn: vietnamnet