Các đối tượng thường lợi dụng những người có uy tín như trưởng thôn, chi hội trưởng chi hội nông dân, cán bộ an ninh thôn xa,… ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi,… để quảng cáo, bán phân bón đạt chất lượng. Khi bà con đã quen, tin và thường xuyên đăng ký mua mới lợi dụng để trà trộn, xen kẽ nhằm tiêu thụ một số loại phân bón giả.

Chia sẻ về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tại Tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khung pháp lý cho ngành phân bón” vào ngày 19/10, ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhận xét, những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước.

Nổi lên chủ yếu là hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng về buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón đã được phát hiện và ngăn chặn.

Tay lừa đảo giăng lưới, cán bộ an ninh... thành 'mồi nhử'
Tình trạng phân bón giả rất nghiêm trọng với các chiêu thức ngày càng tinh vi

Theo ông Cảnh, đối tượng thường lợi dụng khe hở trong các quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào thực phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét… để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón…; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Các hoạt động sản xuất diễn ra bí mật, khép kín từ khâu sản xuất, đến vận chuyển, tiêu thụ; chia nhỏ từng giai đoạn, đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ.

Lợi dụng vào nhận thức, trình độ dân trí thấp, tâm lý ham hàng giá rẻ của đại phần lớn nông dân, các đối tượng đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, trích khấu, cho nợ gối đầu… với những cửa hàng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn để buôn bán tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…

“Thủ đoạn nữa, các đối tượng lợi dụng những người có uy tín như trưởng thôn, bản, ấp, chi hội trưởng chi hội nông dân, cán bộ an ninh… ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng có nhu cầu sử dụng phân bón lớn như khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để quảng cáo, bán phân bón đạt chất lượng cho nông dân sử dụng; khi bà con đã quen, tin và thường xuyên đăng ký mua phân bón thì mới lợi dụng xen kẽ để tiêu thụ một số loại phân bón, giả, kém chất lượng”, ông Cảnh nói.

Lãng phí 30 ngàn tỷ/năm vì sử dụng phân bón quá liều

Ngoài tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành, các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo, trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân đang quá lạm dụng phân bón, sử dụng phân quá liều cũng gây nhiều hệ lụy.

Chuyên gia nông nghiệp Văn Tiến Thanh cho hay, hàng năm tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, phân hữu cơ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% phân bón.

Điều đáng nói là chi phí cho phân bón cực cao, nhưng hiệu quả sử dụng lại rất thấp. Ông Thanh dẫn số liệu tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực hóa nông ở Việt Nam về hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt từ 30-45%, lân từ 40-45% và kali từ 40-50%,…

Như vậy, còn 60-65% lượng đạm tương đương với 1,77 triệu tấn urê, 55-60% lượng lân tương đương với 2,07 triệu tấn Super lân và 55-60% lượng kali tương đương với 344.000 tấn Kali được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng, hấp thụ. Một lượng rất lớn các loại phân bón khác nhau sẽ bị mất đi qua con đường thoát hơi, qua con đường tự rửa trôi, thấm xuống đất, nước ngầm.

Hậu quả, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, làm ô nhiễm, nước và không khí. Khi đất bị thoái hóa, khi nông dân canh tác thì nhu cầu về phân bón lại tăng lên.

Về mặt kinh tế, theo ông Thanh, có khoảng 2/3 lượng phân bón hằng năm cây trồng chưa sử dụng được đồng nghĩa với việc 2/3 lượng tiền người nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, tổng thất thoát lên tới khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm. Việc sử dụng quá liều lượng phân vô cơ và tần suất thường xuyên làm chai và chua đất dẫn đến việc lưu trữ dinh dưỡng kém, gây ra tình trạng đất đai bạc màu nhanh chóng. Tầng đất canh tác ít độ mùn, vi sinh vật có ích giảm, vi sinh vật có hại tăng.

Đối với vấn nạn hàng giả, kém chất lượng, nông dân mua giá thấp nhưng không hiệu quả trong sản xuất, Nhà nước bị thất thu thuế, phân bón giả, kém chất lượng còn làm thoái hóa hết đất đai và đang làm “bần cùng hóa” người nông dân, kéo lùi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Đứng từ góc độ nhà khoa học, quản lý, ông Thanh cho rằng, người nông dân cần quay lại sử dụng phân bón hữu cơ để tái tạo đất, sử dụng phân bón hợp lý bảo đảm ổn định chất lượng của đất và cây trồng, tạo ra sự bền vững cho sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : kinh doanhPhân bón giảsản xuất

Các tin liên quan đến bài viết