Tàu sân bay Trung Quốc đang ở đâu và làm gì sau khi vào Biển Đông đang là câu hỏi của nhiều người. Giới quan sát quân sự khu vực chú ý một động thái đáng báo động của quân đội Trung Quốc ngay khi tàu sân bay Mỹ rời Biển Đông.
Hình ảnh do vệ tinh Sentinel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (EAS) chụp lúc 9h32 sáng 12-4 (giờ Việt Nam) cho thấy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt băng qua eo biển Luzon và rời Biển Đông. Tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island, với các chiến đấu cơ F-35B mang theo, vẫn ở lại khu vực và chuẩn bị tham gia tập trận chung với Philippines.
Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, ngay trong chiều cùng ngày tàu sân bay Mỹ rời Biển Đông, Trung Quốc huy động 25 máy bay quân sự các loại tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Đài Bắc tuyên bố từ phía nam.
Trong số này có tới 18 chiến đấu cơ J-10 và J-16, 4 máy bay ném bom tầm xa H-6. Máy bay săn tàu ngầm Y-8, máy bay cảnh giới và chỉ huy trên không KJ-500 cũng xuất hiện.
Giới quan sát quân sự nhận định Bắc Kinh dường như đang biến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ vào Biển Đông thành cơ hội diễn tập, đồng thời gởi thông điệp “cơ bắp” tới Đài Loan.
Tung tích của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh cũng trở thành câu hỏi lớn sau khi máy bay Trung Quốc tiến vào ADIZ Đài Loan chiều 12-4. Vậy tàu sân bay này đang ở đâu?
Theo các hình ảnh được vệ tinh Công ty Planet (Mỹ) chụp lúc 17h16 ngày 12-4, tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu hộ tống đang hoạt động cách đảo Hải Nam khoảng 290km về phía đông. Vị trí này không khác nhiều so với vị trí của ngày 11-4.
Hình ảnh vệ tinh của EAS cùng ngày cho thấy tàu sân bay Sơn Đông trong lúc đó vẫn neo đậu tại căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam. Tàu đổ bộ Type 075, vốn neo đậu song song với tàu Sơn Đông tại cầu cảng dành riêng cho tàu sân bay, đã di chuyển trong ngày 12-4. Điều này làm dấy lên suy đoán tàu Liêu Ninh sẽ cập cảng Du Lâm sau khi tập trận.
Sau khi băng qua eo Ba Sĩ ngày 10-4, nhóm tàu Liêu Ninh hướng thẳng về phía đảo Hải Nam và băng qua quần đảo Đông Sa.
Trong bài viết ngày 12-4, Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố tàu sân bay Liêu Ninh sẽ còn xuất hiện nhiều hơn tại khu vực để tăng tốc huấn luyện, đáp ứng tốc độ phát triển tàu sân bay của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc, điển hình như Thời báo Hoàn Cầu, tuyên bố sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh là để “đáp trả lại các hành động khiêu khích của Mỹ” trong vấn đề Đài Loan.
Ngày 4-4, sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt ở eo biển Malacca đã gây chú ý trong bối cảnh hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu đổ bộ USS Makin Island sau đó cũng tiến vào khu vực qua eo Malacca.
Theo thông cáo của hải quân Mỹ, trong vòng 1 tuần kể từ khi vào Biển Đông, các tàu sân bay Mỹ đã vừa đi vừa tập trận với các nước trong khu vực.
Các tiêm kích trên hạm của USS Theodore Roosevelt đã phối hợp bay theo đội hình với tiêm kích Su-30MKM của Malaysia. Chiến đấu cơ F-35B cũng xuất kích từ USS Makin Island và diễn tập với tiêm kích F-15, F-16 của Singapore.
Hai nhóm tàu chiến Mỹ sau đó còn phối hợp tập trận tại một khu vực không xác định trên Biển Đông, nhiều khả năng là phía bắc quần đảo Trường Sa vào ngày 9-4.
Nguồn: tuoitre.vn