Đại học Newcastle của Anh cho biết các nhà khoa học của họ đã nhận được giấy phép trong việc có thể sử dụng ADN của 3 người để tạo ra 1 em bé.
Tạo em bé từ ADN của... 3 người
Bác sĩ John Zhang bế em bé được cho là em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ ADN của 3 người do nhóm bác sĩ Mỹ thực hiện tại một bệnh viện ở Mexico
“Các bệnh về ty thể có thể là điều khủng khiếp với nhiều gia đình. Hôm nay là một ngày trọng đại đối với họ
Ông Doug Turnbull (giám đốc phụ trách nghiên cứu khoa học của ĐH Newcastle)

Theo truyền thông Anh và Mỹ, cơ quan quản lý sinh sản ở Anh đã cấp giấy phép này cho các nhà khoa học của Đại học Newcastle ngày 16-3.

“Ánh sáng 
cuối đường hầm”
Năm 2016, chuyện em bé được sinh ra từ ADN của 3 người là đề tài tranh cãi gay gắt khi nó được đưa ra thảo luận tại Hạ viện Anh. Ngay cả các chức sắc tôn giáo (gồm đạo Tin lành và đạo Thiên Chúa) đều phản đối kỹ thuật tạo ra em bé kiểu này, cho rằng nó không phù hợp cả về khía cạnh tôn giáo lẫn đạo đức. Dẫu thế, những người ủng hộ như nghị sĩ Jane Ellison lại coi phương pháp này là “ánh sáng cuối đường hầm” với nhiều người, nhất là những ai bị ảnh hưởng bởi các bệnh 
di truyền. Tháng 12-2016, cơ quan quản lý sinh sản ở Anh đã ra quyết định lịch sử khi chấp thuận “việc sử dụng một cách thận trọng” các kỹ thuật tạo ra em bé từ ADN của 3 người. Đây là kỹ thuật được phát triển nhằm mục tiêu ngăn ngừa khả năng các thai phụ truyền những bệnh di truyền nguy hiểm cho con cái. Khi tuyên bố việc chấp thuận này, người đứng đầu cơ quan quản lý sinh sản là bà Sally Chesire cho rằng đó là khoảnh khắc “thay đổi cuộc đời” với những gia đình có thể được hưởng lợi từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới. Cũng phải nói thêm rằng trước đó, Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới thay đổi luật, cho phép các nhà khoa học được quyền chỉnh sửa trứng hoặc phôi thai trước khi truyền vào cơ thể người mẹ, trở thành nước đầu tiên trên thế giới chấp nhận kỹ thuật này về mặt luật pháp. Mặc dù được luật pháp chấp thuận như vậy nhưng phải tới ngày 16-3, một giấy phép đầu tiên cho phép tạo ra em bé từ ADN của 3 người mới được cấp. Bởi trên thực tế, dù ủng hộ nhưng Chính phủ Anh vẫn rất thận trọng trong việc áp dụng kỹ thuật này. Theo đó, cơ quan chức năng Anh yêu cầu các bệnh viện phải nộp đơn xin phép thực hiện kỹ thuật mới tại cơ quan quản lý sinh sản với từng trường hợp cụ thể. Sau 5 năm đánh giá về diễn tiến thực tế, mức độ an toàn và hiệu quả của kỹ thuật tạo em bé này, cơ quan chức năng mới có những quyết định khác về việc triển khai nó trong thực tế ra sao.
Thận trọng
Giải pháp kỹ thuật tạo ra em bé từ ADN của 3 người nhằm giải quyết các bệnh tật liên quan tới các ty thể, những cấu trúc sản sinh năng lượng bên ngoài nhân tế bào, có vai trò quan trọng nhất là chuyển hóa năng lượng từ thức ăn thành năng lượng của tế bào. Các ty thể bị rối loạn khiến các tế bào không thể sản sinh năng lượng cần thiết cho cơ thể, từ đó dẫn tới những tình trạng loạn dưỡng cơ và rối loạn chức năng cơ quan chính. Theo BBC, cứ 6.500 đứa trẻ sinh ra lại có một trường hợp mắc chứng bệnh liên quan đến ty thể.Năm ngoái, các bác sĩ ở Mỹ công bố đã tạo ra thành công em bé đầu tiên trên thế giới bằng kỹ thuật này. Tuy nhiên họ đã phải sang Mexico để thực hiện phương pháp đó vì tại Mỹ, việc tạo ra em bé từ ADN của 3 người là kỹ thuật chưa được cho phép. Trong trường hợp đó, người mẹ đã bị sẩy thai 4 lần và hai người con của chị, một bé 6 tuổi và một bé 8 tháng tuổi, đều đã tử vong vì chứng bệnh hiếm gặp là rối loạn thần kinh có tên hội chứng Leigh (viêm não tủy hoại tử bán cấp). Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật truyền nhân thẳng, tách nhân tế bào khỏe mạnh từ một trong những trứng của người mẹ và truyền nó vào một trứng của người hiến, trứng này đương nhiên đã được tách bỏ phần nhân tế bào. Trứng sau khi được truyền nhân thẳng (mang ADN của người mẹ và cả ADN từ ty thể của người hiến) sẽ được đưa đi thụ tinh cùng với tinh trùng của người bố. Theo đó, hoàn toàn dễ hiểu khi phôi thai hình thành sẽ mang trong nó cấu trúc gen của ba người: người mẹ, người hiến trứng và người cha.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ADNbác sĩdi truyềnĐại học Newcastleem béhiến trứngkỹ thuậtluật phápnhà khoa họctế bào

Các tin liên quan đến bài viết