Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải là cuộc cải cách toàn diện. Làm sao để hướng đến giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ.

Tạo bình đẳng cho người dân khi tiếp cận dịch vụ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Chỉ mất 30 giây nhập mã số, bệnh nhân đã tra cứu và xuất hóa đơn thành công tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM)

Thông tin được nêu từ chương trình đối thoại cùng chính quyền TP.HCM với chủ đề: “Đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục phục vụ người dân”, do HĐND TP.HCM tổ chức sáng 25-3.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Bảo Quốc – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – cho biết việc kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo là yếu tố quan trọng giúp cho ngành tiết kiệm được rất nhiều công sức, thời gian.

Từ đó, có thể xác thực mã định danh cá nhân cho toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên của ngành.

Tính đến ngày 23-3, tỉ lệ dữ liệu được xác thực đã đạt trên 98%. Bên cạnh vấn đề quản lý, ngành giáo dục còn nâng cao chất lượng dạy và học thông qua các hệ thống LMS. Mục đích đến năm 2025 toàn ngành đạt tỉ trọng nội dung dạy trực tuyến là 35% cho cấp trung học và 25% cho cấp tiểu học.

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên TP triển khai ứng dụng mới là mô hình lớp học số, nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở 2 môn tiếng Anh và tin học. Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) cùng Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) là 2 đơn vị triển khai thí điểm mô hình lớp học số này.

Về phía ngành y tế, từ đợt dịch COVID-19 vừa qua có thể thấy được sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tiêu biểu như các ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh; y tế trực tuyến; ki ốt tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc; giúp tăng tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, đến nay hầu hết các bệnh viện công lập và 1/3 các bệnh viện ngoài công lập triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. 11/51 bệnh viện công lập đang triển khai lộ trình áp dụng bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong bước đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Vấn đề đầu tư hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ là khó khăn chung của các đơn vị.

Cùng với đó là sự không tương thích hoặc chưa liên thông đầy đủ dữ liệu. Ví như ngành giáo dục chưa liên thông được dữ liệu từ Bộ Công an, hay ngành y tế chưa thống nhất dữ liệu giữa các bệnh viện và giữa các cơ sở y tế.

Kết luận buổi đối thoại, bà Trương Lê Mỹ Ngọc – phó trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM – cho rằng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số phải là cuộc cải cách toàn diện. Làm sao để hướng đến giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ.

Giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số. TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị được thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.

Trong đó, bà Ngọc yêu cầu quan tâm đến đề xuất của Bệnh viện Bình Dân về việc xây dựng trung tâm dữ liệu – Data Center.

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc (áo xanh) - phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM  - chủ trì buổi đối thoại - Ảnh: VOH

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc (áo xanh), phó trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, chủ trì buổi đối thoại

Tiếp tục hoàn thiện những giải pháp và những ứng dụng đang thực hiện tại đơn vị, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực chuyên ngành về công nghệ thông tin. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin.

“Khi sử dụng dịch vụ chuyển đổi số, tính toán sao cho người dân được sử dụng các dịch vụ tiện ích giảm thời gian đi lại và chi phí hạn chế đến mức thấp nhất”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cơ sở dữ liệucông nghệ thông tinSở Giáo Dục

Các tin liên quan đến bài viết