Liệu tăng phí có tăng chất lượng dịch vụ y tế hay không? Đó là điều được nhiều chuyên gia y tế, bảo hiểm xã hội và người dân quan tâm.
Thông tư 39 của Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15-1-2019 quy định các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như tiền khám bệnh, phẫu thuật, tiền giường bệnh… sẽ tăng khoảng 10%. Theo giải thích của Bộ nguyên nhân tăng viện phí là do lương cơ bản tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng.
Dưới đây là một số ý kiến xung quanh quy định này.
Phải điều chỉnh cách chi trả
Tôi thấy việc tăng phí này là tất yếu, theo lộ trình buộc phải tăng vì hiện tại mức phí dịch vụ y tế ở nước ta quá thấp. Xu hướng nước ta đang đi hiện nay là đúng, tức là tăng cường người dân tham gia bảo hiểm y tế để họ được hưởng cơ chế hỗ trợ chi trả.
Ở nhiều nước trên thế giới, chi phí bệnh viện rất đắt đỏ nhưng người bệnh không phải thanh toán trực tiếp mà thông qua quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phúc lợi xã hội và một số loại bảo hiểm y tế công, tư… Tức là người bệnh được chi trả hộ một phần từ nguồn kinh phí của Nhà nước.
Trong khi ở nước ta, dù có cải tiến, chính sách xã hội đang buộc người dân phải chi trả trực tiếp quá nhiều và bệnh viện đang phải gánh chịu điều này. Tôi cho rằng phải thay đổi chính sách chứ không thể bắt bệnh viện phải giảm chi phí dịch vụ.
Nếu nhìn lại khoảng vài năm gần đây, chúng ta thấy rằng chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện đều được cải thiện từ máy móc thiết bị phẫu thuật, kỹ thuật điều trị, thuốc men, trình độ… Và nguồn lực để cải thiện điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc tăng viện phí.
Bởi vậy việc tăng 10% chi phí dịch vụ y tế là khoản thu rất nhỏ so với chi phí vận hành bệnh viện. Đây được xem là một nguồn lực để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế chứ không thể làm thay đổi dịch vụ của bệnh viện một sớm một chiều. Muốn việc tăng phí tỉ lệ thuận với tăng chất lượng bệnh viện, tôi cho rằng Nhà nước phải có chính sách tăng quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời cải thiện mức thu nhập của người dân.
Gánh nặng cho người bệnh
Sẽ có rất nhiều người bệnh gặp khó khăn khi phí dịch vụ y tế tăng. Thế nhưng tôi cho rằng điều mà người bệnh mong mỏi là họ được chăm sóc điều trị tốt nhất, tương xứng với đồng tiền họ phải vay mượn, bỏ ra để chữa bệnh
Mẹ tôi bị ung thư đại tràng, có thời gian dài vào bệnh viện thăm khám, điều trị và phẫu thuật. Khi nói đến ung thư, hầu như ai cũng lo sợ, xem đó như án tử. Căn bệnh ngày càng phổ biến, trường hợp nặng người bị bệnh phải đối diện với một hành trình hóa, xạ trị dài ngày và kéo theo là đủ thứ chi phí dịch vụ quá tốn kém.
Trường hợp mẹ tôi chưa đến giai đoạn phải xạ trị. Rất may, chi phí phẫu thuật, nằm giường bệnh, thuốc men… đều được bảo hiểm y tế chi trả đến 80%. Tổng chi phí phải thanh toán khoảng 60 triệu đồng, nếu không có bảo hiểm y tế, số tiền thực tế phải chi trả có thể trên 200 triệu đồng.
Với gia đình tôi, 60 triệu đồng không phải là quá lớn, gia đình có thể xoay xở được. Tuy nhiên suốt nhiều ngày chăm sóc mẹ ở bệnh viện, tôi gặp rất nhiều trường hợp “méo mặt” bởi phải chi trả các chi phí điều trị ung thư. Tất nhiên họ đều được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng ở giai đoạn phải xạ, hóa trị trong một thời gian dài như vậy dường như vượt quá sức chi trả của họ.
Sắp tới đây, một số dịch vụ y tế tăng chắc chắn gánh nặng chi phí đè lên người bệnh càng lớn, đặc biệt đối với những người bệnh nặng phải điều trị dài ngày.
Tôi rất chia sẻ với áp lực của đội ngũ y bác sĩ trong thăm khám, điều trị cho người bệnh. Thế nhưng phải nhìn nhận một thực tế chất lượng dịch vụ tôi thấy chưa tương xứng, chưa tỉ lệ thuận với chi phí mà người bệnh bỏ ra.
Cụ thể là người bệnh còn phải chờ đợi nhiều, phải nằm giường ghép, thiếu chỗ nghỉ ngơi, thông tin không rõ ràng…trong khi tôi thấy điều này có thể cải thiện được.
Nên thay đổi một số điểm trong cách tính viện phí
Chúng tôi đã và đang tích cực cải tiến chất lượng dịch vụ, thông qua đào tạo để nhân viên bệnh viện thấm nhuần quan điểm: người bệnh là người trả lương cho mình, và mục tiêu của dịch vụ là họ hài lòng sau khi xuất viện.
Người bệnh chỉ thật sự hài lòng khi bệnh viện có đủ hai yếu tố: cơ sở vật chất tốt, nhân lực vững vàng. Hiện nhân lực của chúng tôi tương đối vững rồi, riêng về cơ sở vật chất thì quả thật là chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh.
Phần lớn bệnh viện của chúng ta còn chật, người bệnh chưa có đủ chỗ nghỉ ngơi, chữa bệnh, lương của bác sĩ còn thấp dù gần đây có tăng thêm.
Hiện các bệnh viện công đều đang tham gia cuộc “cạnh tranh” về chất lượng dịch vụ. Cũng phải thôi, vì nếu không nhanh, bệnh viện tư nhân và các bệnh viện nước ngoài sẽ giành được lợi thế. Nhưng tôi cho là cần thay đổi một số điểm trong cách tính viện phí hiện nay, ví dụ như có nhiều mức giá thay vì một mức giá chung.
Gần đây chúng tôi có điều trị cho một số bệnh nhân, họ nói rằng họ đủ điều kiện chi trả và cần thực hiện dịch vụ theo kiểu ở nước ngoài, nhưng nếu tính viện phí kiểu thông thường lại không phù hợp với dịch vụ như thế này.
Cần có thước đo chuẩn chất lượng dịch vụ
Gần đây Bộ Y tế có điều chỉnh giá theo hướng giảm giá 88 dịch vụ. Lý do giảm giá là tính lại các yếu tố đầu vào cho hợp lý hơn, chỉ mới 88 dịch vụ mà phần giảm chi từ quỹ bảo hiểm đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong khi qua đánh giá gần 1.900 dịch vụ y tế đã được công bố giá, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều dịch vụ có thể giảm giá do các yếu tố đầu vào chưa chuẩn. Cùng một dịch vụ sử dụng dịch truyền nhưng giá lại chênh lệch quá nhiều, dẫn đến giá thay đổi.
Cách tính viện phí theo hướng lương tăng thì phí tăng là đúng theo Luật giá, nhưng khi giá đầu vào thay đổi thì cần tính toán lại đầu vào và đầu ra để có giá mới phù hợp.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần với Bộ Y tế, do quy định hiện hành không cho phép thu thêm những chi phí đã được tính trong cơ cấu giá, nhưng thực tế có rất nhiều dịch vụ chưa công khai cơ cấu giá. Như vậy là chưa minh bạch, chưa rõ ràng dù lương tăng, viện phí tăng theo ngay.
Về chất lượng dịch vụ y tế, câu hỏi đặt ra là giá tăng thì chất lượng có tăng theo không? Vấn đề là cần có một thước đo để đánh giá như thế nào là dịch vụ đạt chuẩn, nhưng hiện nay lại chưa có thước đo này cho nhiều dịch vụ y tế.
Bệnh viện đã khác rất nhiều
Ông Nguyễn Nam Liên – vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế
So với vài năm trước thì chất lượng dịch vụ y tế đã khác rất nhiều. Nhìn từ các cuộc khảo sát thấy tỉ lệ người bệnh hài lòng có tăng dần và gần đây luôn ở mức cao.
Việc tính mức giá dịch vụ áp dụng từ 15-1-2019 không phải là có thêm yếu tố đầu vào nào, mà lương tối thiểu đã tăng từ tháng 7-2018, nay tính giá mới là tính đúng tính đủ cho yếu tố lương tối thiểu, các yếu tố khác giữ nguyên nên các dịch vụ sử dụng nhiều chi phí nhân lực (tiền khám bệnh, tiền giường bệnh) tăng khoảng 10%. Còn các dịch vụ khác có mức tăng thấp hơn, có dịch vụ tăng dưới 1%.
Hiện nay viện phí vẫn chưa hoàn toàn là tính đúng tính đủ, nếu tính toàn bộ phải tính cả chi phí chăm sóc 24/24 giờ, người nhà chỉ cần vào thăm thôi. Nhưng nếu tính phí và thực hiện chăm sóc 24/24 giờ ngay ở tất cả các nhóm bệnh nhân thì chúng tôi e ngại người bệnh không chịu nổi chi phí. Vì thế trước hết sẽ tính phí chăm sóc toàn diện cho khu vực dịch vụ theo yêu cầu, còn sau đó có lộ trình cho các khu vực còn lại.
Nguồn: tuoitre.vn