Vừa qua, một số cơ quan báo chí trong nước phản ánh, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ở một số cơ sở y tế tư nhân. Để người dân hiểu rõ sự việc và an tâm, tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh ở các trung tâm, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này. Dưới đây là nội dung trao đổi.

Thưa ông, trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu cơ sở y tế tư nhân được cấp phép hành nghề, trong số đó bao nhiêu cơ sở đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT?

Ông Nguyễn Đồng Thông: Trên địa bàn tỉnh hiện có 371 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được cấp phép hoạt động, trong đó 14 phòng khám đa khoa. Từ năm 2013, Sở Y tế là cơ quan thẩm định và cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho các phòng khám đa khoa, nhưng đến tháng 12-2015, các cơ sở khám, chữa bệnh được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thẩm định và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT nếu đủ điều kiện theo quy định. Từ tháng 1-2016 đã có một số phòng khám đa khoa được ký hợp đồng và triển khai khám, chữa bệnh BHYT. Tính đến hết tháng 5-2017, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, đó là các phòng khám đa khoa: Tâm Đức, 123 Hùng Vương, Hồng Lý, Tâm Việt, Sài Gòn và Thảo Tiên. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 5 cơ sở do BHXH Việt Nam có Công văn số 1955/BHXH-CSYT yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đối với Phòng khám đa khoa Tâm Đức từ ngày 1-6-2017 để tiến hành kiểm tra làm rõ việc cơ sở này có lạm dụng chính sách BHYT hay không và hiện vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Qua phản ánh của báo chí và dư luận, ở Bình Phước đã có tình trạng bác sĩ chưa đủ điều kiện vẫn được hành nghề (cụ thể là trường hợp xảy ra tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức vừa qua). Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này và hướng xử lý của ngành như thế nào?

Ông Nguyễn Đồng Thông: Phòng khám đa khoa Tâm Đức là cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được BHXH tỉnh thẩm định và công nhận đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú và đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định. Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, bác sĩ khám, chữa bệnh về y học cổ truyền chỉ đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính nhưng ký chỉ định điều trị và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho tất cả ca đến khám chữa bệnh trong giờ hành chính do bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện tại phòng khám này là chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Qua xác minh thông tin báo nêu cho thấy, bác sĩ y học cổ truyền Đào Gia Thế (có chứng chỉ hành nghề số 000350/BP-CCHN, cấp ngày 13-7-2012) là người trực tiếp hướng dẫn và ký hồ sơ chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với các bác sĩ mới ra trường đang làm việc tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18, Thông tư số 41/2011/TT-BYT, ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: “Người hướng dẫn thực hành có trách nhiệm hướng dẫn người thực hành thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Người hướng dẫn thực hành phải chịu trách nhiệm về kết quả khám bệnh, chữa bệnh của người đăng ký thực hành trong quá trình thực hành”. Do vậy, tôi cho rằng, việc bác sĩ Đào Gia Thế hướng dẫn thực hành cho bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề và ký chịu trách nhiệm về kết quả khám, chữa bệnh được hướng dẫn hành nghề là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

Thời gian qua, tại một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những sai sót cũng như sự yếu kém trong khám, chữa bệnh. Trước những đòi hỏi ngày càng cao của người dân về nhu cầu khám, chữa bệnh, ngành đã có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác này?

Ông Nguyễn Đồng Thông: Muốn làm tốt công tác khám, chữa bệnh và hạn chế tối đa những sai sót, tồn tại, trước hết phải thực hiện nghiêm công tác thanh – kiểm tra. Năm 2016, Thanh tra sở thanh – kiểm tra 27 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với tổng số tiền 22 triệu đồng. Sai phạm chủ yếu là ghi không đúng với nội dung trong giấy phép hoạt động, không công khai tên người hành nghề; kinh doanh thuốc đã hết hạn sử dụng và không mở sổ sách theo dõi việc xuất – nhập thuốc. Phòng y tế các huyện, thị xã đã thanh – kiểm tra 437 cơ sở, phát hiện, xử phạt 17 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 52 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4 cơ sở. 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra sở cũng đã thanh – kiểm tra 28 cơ sở, xử phạt 5 cơ sở với số tiền 20 triệu đồng, lỗi chủ yếu là không mở sổ sách theo dõi xuất – nhập thuốc; còn phòng y tế các huyện, thị xã thanh, kiểm tra 112 cơ sở, đã nhắc nhở, chấn chỉnh 11 cơ sở.

Ngành đang tập trung củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ thầy thuốc hiện có; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh. Đồng thời tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề khám, chữa bệnh và dược phẩm trên địa bàn; tuyên truyền thực hiện tốt 12 điều y đức và Thông tư số 07/2014/TT-BYT quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Ban giám đốc đã chỉ đạo Thanh tra sở và phòng y tế các huyện, thị xã tăng cường công tác thanh – kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh – hành nghề dược trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Trước thực trạng đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh vừa thiếu vừa yếu, ngành đã có cơ chế gì để thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đồng Thông: Sở đã kiến nghị Sở Nội vụ, UBND tỉnh sửa đổi hoặc ban hành quyết định mới thay thế Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND, ngày 21-12-2011 quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm thu hút các bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I và II, bác sĩ nội trú, bác sĩ đa khoa… đang sinh sống, học tập, làm việc ở trong và ngoài tỉnh; có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích tự đào tạo xứng đáng. Cụ thể là hỗ trợ đi thực tế, bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp, viết tiểu luận cuối khóa cho bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II bằng 40 lần mức lương cơ sở/người/khóa học; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I bằng 20 lần mức lương cơ sở/người/khóa học; hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo cho bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II bằng 40 lần mức lương cơ sở; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I bằng 20 lần mức lương cơ sở…

Bên cạnh đó, ngành cũng đang cố gắng tạo môi trường làm việc thân thiện, nâng cao đời sống công chức, viên chức y tế để các bác sĩ, dược sĩ yên tâm công tác, gắn bó với địa phương, đơn vị.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn  Báo Bình Phước

Từ khóa : 24h Bình Phước24hbinhphuoc.com.vntin bình phướcTin tức Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết