Là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, việc đưa thông tin về cơ sở qua kênh báo chí để người dân kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước không chỉ đáp ứng nhu cầu, quyền lợi được cung cấp thông tin, giúp cải thiện đời sống tinh thần mà còn là việc làm thiết thực để đồng bào phân biệt phải trái, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.

Dù tỉnh đã quan tâm đưa thông tin về vùng sâu, vùng đồng bào DTTS bằng nhiều cách, trong đó có kênh báo chí nhưng thực tế thời gian qua, bà con vẫn chịu nhiều thiệt thòi do thiếu thông tin.

NHỮNG NỖ LỰC ĐƯA BÁO, TẠP CHÍ VỀ CƠ SỞ

Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị “Về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng”, ngay sau khi tỉnh Bình Phước được tái lập, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 01-TT/TU, ngày 15-4-1997 chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng. Thông tri 01 nêu rõ: “Mỗi chi, đảng bộ cơ sở trong toàn tỉnh đều phải có Báo Nhân dân (hằng ngày) và Báo Bình Phước. Mỗi đảng bộ cơ sở đều có ít nhất 1 cuốn tạp chí cộng sản”. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, để thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị thì nguồn kinh phí để mua báo và tạp chí của Đảng là không nhỏ. Chỉ riêng huyện Bù Đăng mấy năm gần đây đã chi khoảng 500 triệu đồng/năm cho Văn phòng Huyện ủy đứng ra hợp đồng với Bưu điện huyện để đặt các ấn phẩm báo chí của Đảng. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng từ kênh thông tin báo chí, tỉnh vẫn sẵn sàng chi và tăng cường giám sát việc mua và đọc báo Đảng. Đặc biệt, ngày 10-9-2013, Tỉnh ủy ban hành Đề án “Phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng bộ tỉnh Bình Phước”, trong đó có nội dung chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp phải thực hiện nghiêm quy định về mua, đọc và làm theo báo Đảng, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện công tác tư tưởng nhằm phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Đại biểu dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước đọc báo, tạp chí trong giờ giải lao – Ảnh: S.H

Cùng với nguồn báo, tạp chí cấp cho các chi bộ và các đoàn thể, việc cấp phát không thu tiền các ấn phẩm báo và tạp chí đến các vị già làng, trưởng thôn ấp vùng đồng bào DTTS cũng được thực hiện từ nhiều năm qua. Từ năm 2003, thuận chủ trương của Tỉnh ủy, Báo Bình Phước phát hành tờ Tin ảnh cho đồng bào DTTS mỗi tháng 1 kỳ với số lượng phát hành 700 tờ/kỳ để cấp cho già làng, trưởng thôn ấp. Từ năm 2013, tờ Tin ảnh tăng lên 2 kỳ/tháng. Từ tháng 2-2012, Tỉnh ủy đã ra quyết định cấp báo cho người có uy tín trong cộng đồng theo Quyết định số 18/2011-QĐ/TTg. Việc cấp báo, tạp chí không thu tiền cho các đối tượng cùng với việc củng cố, phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở với thời lượng phát sóng ngày càng tăng đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới.

ĐẾN NHỮNG HẠN CHẾ

Dù Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên thực tế việc mua và đọc báo Đảng cũng như việc sử dụng các ấn phẩm cấp không thu tiền thời gian qua chưa đạt yêu cầu. Qua khảo sát việc mua và đọc báo Đảng, hầu hết cấp ủy cơ sở chưa nhận thức rõ hoặc còn xem nhẹ vai trò của báo Đảng trong việc cung cấp thông tin cũng như định hướng tư tưởng, định hướng dư luận. Ở nhiều nơi, cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cắt kinh phí mua báo để sử dụng vào việc khác. Nhiều nơi lấy lý do đọc báo mạng để không đặt báo, tạp chí in. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng chưa được tiến hành thường xuyên. Việc theo dõi đọc và làm theo báo Đảng của cấp ủy cơ sở vẫn còn bỏ ngỏ. Ở một số chi bộ, hội, đoàn thể, báo được cấp về vẫn để nguyên. Nhiều lần đi cơ sở, chính tôi chứng kiến từng tập báo còn nguyên băng giấy bao bên ngoài, bám đầy bụi trên nóc tủ hoặc bàn làm việc.

Việc cấp báo không thu tiền thời gian qua cũng bộc lộ một số mặt hạn chế. Hầu như các xã đều không có phòng và phương tiện để bảo quản, lưu trữ báo, tạp chí; chưa xây dựng quy chế quản lý, sử dụng báo, tạp chí theo quy định tại Điểm c, Khoản 8, Điều 4, Quyết định số 2472/QĐ-TTg. Một số nơi có thực  hiện mở sổ theo dõi nhưng việc ghi chép chưa khoa học. Muốn khai thác hiệu quả thông tin thì báo, tạp chí phải được cấp phát hằng ngày đến tay các già làng, trưởng thôn ấp, người có uy tín. Tuy nhiên, hầu hết chỉ đưa về đến UBND xã rồi để đó.

VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Ngày 26-1-2015, UBND tỉnh có Công văn số 226/UBND-VX yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1977 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 7-5-2015, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi ký ban hành Chỉ thị số 44-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Và gần đây nhất, ngày 16-5-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 43 – KL/TU về tiếp tục thực hiện các đề án 986 và 987. Theo đó, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm quy định mua, đọc và làm theo báo Đảng. Thực hiện nghiêm quy chế cung cấp thông tin cho báo chí sau kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Công bố kết quả thanh tra, kiểm tra, kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các cơ quan báo chí của tỉnh hằng tháng có bài viết sắc bén, lên án những biểu hiện tiêu cực, phai nhạt lý tưởng trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện chuyên mục đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa trên các loại hình báo chí định kỳ hằng tuần.

Đưa thông tin về cơ sở qua kênh báo chí là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi báo chí, đặc biệt các báo, tạp chí của Đảng là công cụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật, là “cẩm nang” không thể thiếu ở mỗi cơ sở đảng. Và để nâng cao hiệu quả sử dụng báo, tạp chí của Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân cần nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu qua báo chí nhằm nâng cao trình độ, nhận thức, từ đó có đủ “sức đề kháng” trước các luồng văn hóa phẩm độc hại đang tràn lan trên mạng xã hội.

Từ khóa : báo chíđưa thông tin

Các tin liên quan đến bài viết