Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Chơn Thành luôn đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và tăng cường giáo dục kỹ năng sống, góp phần giáo dục toàn diện học sinh.

Tại các trường mầm non, phong trào làm đồ dùng dạy học được lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo được làm từ vật liệu tái chế như: hộp giấy, ly nhựa, chai nhựa, lon sữa… đã góp phần giúp các tiết học phong phú hơn, trẻ có nhiều đồ chơi hơn. Qua đó giáo dục các em nâng cao ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Cô Lê Ngô Duyên, giáo viên Trường mầm non Tuổi Thơ, xã Thành Tâm chia sẻ: Ở lứa tuổi mầm non, trẻ học mà chơi, chơi mà học nên giáo viên luôn phải đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, giúp trẻ phát triển đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời phát huy tính tích cực của trẻ, rèn luyện kỹ năng học tập, vui chơi cũng như kỹ năng sống cho trẻ.

Một lớp học bơi cho thiếu nhi ở huyện Chơn Thành

Thực tế hiện nay, năng lực tự phục vụ, tự quản của học sinh còn yếu, nhiều em vẫn phụ thuộc vào cha mẹ, thầy cô, chưa chủ động thực hiện công việc được giao, chưa mạnh dạn, tự tin trước tập thể… Do đó, các trường đã giáo dục kỹ năng tự phục vụ học sinh thông qua hoạt động vệ sinh, lao động, các hoạt động trải nghiệm. Đối với ăn trưa và tự phục vụ ăn uống, các em cùng nhau sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị ăn, xếp ghế vào chỗ cũ, dọn khay ăn của mình sau khi ăn xong… Hoạt động này rèn học sinh rất nhiều kỹ năng, có tinh thần đồng đội, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường mầm non Minh Long cho biết: Trẻ được các cô dạy kỹ năng sống thông qua việc tự phục vụ nhu cầu bản thân như tự xúc ăn, đánh răng, xếp nệm gối… Bên cạnh đó, các cô còn cho trẻ làm quen với môi trường ngoài lớp, giao lưu, tham quan vườn cổ tích, vườn cây của bé… để trẻ khám phá những điều mới lạ, tự tin thể hiện bản thân. Thực hiện hiệu quả giáo dục kỹ năng sống sẽ giúp trẻ thích nghi tốt trong cuộc sống, khả năng hòa nhập nhanh và tự tin khi vào tiểu học.

Anh Nguyễn Văn Khương ở khu phố 2, thị trấn Chơn Thành có con trai học lớp 3 Trường tiểu học và THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: Trước đây, cháu hay phụ thuộc vào cha mẹ, tuy nhiên khi đi học, cháu được giáo dục nhiều kỹ năng nên hiện đã biết tự làm nhiều việc, tự giác học tập và biết chia sẻ, yêu thương các bạn, các em nhỏ hơn mình, còn biết phụ giúp việc nhà cho cha mẹ.

Trong năm học qua, ở huyện Chơn Thành, một số trường như Tiểu học và THCS  Minh Long, THCS Nha Bích…đã phối hợp tổ chức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Các em được các chuyên gia tâm lý truyền đạt, phổ biến những kiến thức về: quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; kỹ năng phòng vệ, phòng tránh thương tích cho trẻ; trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông…

Việc giáo dục kỹ năng sống giúp các em biết cách tự bảo vệ bản thân, hướng tới cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần, có ích cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, gia đình và nhà trường về việc thực hiện các quyền của trẻ em. Đặc biệt, các em được mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, thể hiện những điều mà trẻ cần được xã hội và người lớn chia sẻ.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : kỹ năng sống

Các tin liên quan đến bài viết