Hai bệnh nhân hiến tạng đã cứu sống được sáu người bệnh với bốn bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối ghép thận và hai người bệnh mù được sáng mắt.
Hai trường hợp bệnh nhân tình nguyện hiến tạng là ông P.V.H. (68 tuổi, ngụ ở Định Quán, Đồng Nai) bị tai biến mạch máu não và anh N.H.N. (31 tuổi, ngụ ở Bình Chánh, TP.HCM) bị chấn thương đầu, xuất huyết não.
Cả hai bệnh nhân này đều được người nhà đồng ý hiến tạng ngay khi bệnh nhân bị chết não.
Đăng ký tặng thân xác từ 10 năm trước
Trong buổi công bố thông tin của Bệnh viện Chợ Rẫy về việc hai người hiến tạng, có người nhà của hai bệnh nhân. Họ lặng lẽ ngồi nghe những thông tin người thân của họ khi hiến tạng đã cứu sống những người khác như thế nào.
Nhà báo Phùng Văn Hiệu, 42 tuổi, con trai của ông H., kể ba anh đang ngồi đánh cờ thì bị tai biến mạch máu não. Sau đó, gia đình đưa ba anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Đầu năm 2018, ông H. đã đến đăng ký hiến tạng tại đơn vị điều phối hiến ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy và đã đăng ký hiến xác ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM từ 10 năm trước.
Trước khi tim của ba ngừng đập, biết ba không thể sống được, anh Hiệu đã liên hệ ngay với Bệnh viện Chợ Rẫy để ba anh được hiến tạng. Lúc này, anh cũng liên hệ với Bệnh viện Đại học Y dược để hỏi về việc hiến xác thì được bệnh viện này trả lời xác hiến hiện đã đủ để phục vụ cho công tác giảng dạy.
Với lại, bệnh viện này cũng cho biết một người không thể vừa hiến xác, vừa hiến tạng được vì hiến xác phải có đầy đủ nội tạng để phục vụ cho công việc nghiên cứu, giảng dạy.
Gia đình anh đã quyết định để ba được hiến tạng cứu người, sau đó đem xác ba về để mai táng. Anh Hiệu kể sở dĩ anh và các anh em trong nhà chủ động việc hiến tạng cho ba vì khi còn sống ba anh đã viết trên giấy, dán xung quanh nhà là khi ba chết phải hiến xác, hiến tạng ba…
Để các con nhớ hơn, trong những ngày lễ, tết tụ họp gia đình, ba anh luôn nhắc lại điều này cho con cái trong nhà nghe. Vì vậy, gia đình anh có 7 anh em thì cả 7 anh em đều đồng ý để ba hiến tạng cứu giúp người như đúng di nguyện của ba.
Anh Hiệu bảo anh rất tự hào về ba của mình. Đời ba anh sinh ra để làm công tác từ thiện. Ba anh có được bao nhiêu tiền từ buôn bán, tích cóp, con cái cho… ông đều dành giúp người nghèo.
Có lần đi trên sông, ba anh thấy một người con gái ngồi khóc mẹ: “Mẹ ơi, mẹ chết không có quan tài, không có đất chôn”, thế là ba anh đi vận động tiền mua quan tài cho mẹ cô gái. Đó là lần đầu tiên ba anh đi vận động mọi người mua quan tài cho người nghèo khi chết không có quan tài chôn.
Nhưng sau này, ông đã vận động được đến 40 người muốn làm từ thiện giống như ông cùng mua quan tài cho người nghèo. Những người thường sống trên sông nước, không có nhà cửa, khi chết không có nổi một chiếc quan tài. Từng có những người khi chết chỉ được bỏ vào miếng ván ghép để chôn.
Ba anh còn là người liên tục hiến máu nhân đạo đến khi không thể hiến được nữa. Ông cũng đi vận động mọi người hiến máu với tổng cộng 14.000 lít máu… Và ông còn làm nhiều công việc giúp người nghèo khác.
Trong lúc kể về ba, anh Hiệu xúc động nói: “Cả đời ba tôi làm từ thiện, đến cả thân xác ba tôi cũng muốn hiến để cứu giúp cho mọi người”.
Noi gương người cha đáng kính của mình, ngay trong buổi công bố về hai ca hiến tạng này, anh tuyên bố hai anh em của mình sẽ đăng ký hiến tạng và anh cũng vận động thêm một người bạn của anh tham gia hiến tạng.
Quyết định nhanh mới lấy được tạng
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nga, chị gái của anh N.H.N., kể đến nay em trai chị đã “đi xa” hơn một tháng nhưng gia đình chị vẫn chưa thể nguôi ngoai trước sự mất mát lớn như vậy.
Em trai chị đang chạy xe máy trên đường từ TP.HCM về Bình Dương thì bị tai nạn. Em trai chị được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, được chẩn đoán chấn thương sọ não, xuất huyết não.
Lúc bác sĩ nói em trai chị khó có thể qua khỏi, chị Nga chợt nghĩ đến việc em chị chẳng may phải chấm dứt sự sống một cách đột ngột như thế này, khi thân xác của em còn khỏe mạnh thì thật đau lòng. Em có thể hiến tặng lại những bộ phận trên cơ thể của em cho những người đang cần tạng để ghép.
Nghĩ vậy, chị Nga đã đặt vấn đề này với bộ phận cấp cứu, sau đó chị liên lạc với bác sĩ ở đơn vị điều phối ghép tạng tại bệnh viện. Lúc đó, ba mẹ chị đang bị chấn động về tâm lý, nên chị đã đại diện ba mẹ quyết định ký giấy cho em trai hiến tạng.
Gia đình chị có quan điểm rằng “thân thể đã mất đi nếu chôn hay hỏa táng cũng không còn ý nghĩa gì. Nhưng nếu giúp cho người khác biết đâu sau này gia đình chị còn được gặp lại một phần cơ thể của em trai”.
Chính từ suy nghĩ này nên gia đình chị đã nhanh chóng quyết định để em trai hiến tạng cứu người bệnh vào những giây phút cuối của cuộc đời.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, đơn vị điều phối ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hai gia đình bệnh nhân đều rất chủ động, quyết tâm để người thân của họ được hiến tạng. Nếu hai gia đình bệnh nhân còn chần chừ thì sẽ qua mất cơ hội lấy được tạng để ghép cho những bệnh nhân khác.
Cả hai bệnh nhân này đã cứu sống được sáu người bệnh với bốn bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối ghép thận và hai người bệnh mù được sáng mắt. Hiện sức khỏe của sáu bệnh nhân đều đã ổn định và được xuất viện.
Nguồn: tuoitre.vn