“Cha nói với con là em về ở với ông bà ngoại, không có ai chơi cùng. Em buồn rồi cũng về với cha con mình thôi”. Cậu bé 10 tuổi thầm thì với mẹ như vậy, khi biết mẹ và em gái sắp chuyển về nhà ông bà ngoại sống. Cha mẹ em ly hôn.

Tan đàn xẻ nghé - Ảnh 1.

Ở các phiên tòa ly hôn, có những cặp vợ chồng rất ít hằn học, bốp chát, tranh giành của cải vật chất. Cái mà họ tranh chấp gay gắt là quyền được nuôi con. Điều này được đem ra đong đếm, tranh luận từng ly từng tí.

“Ly hôn là gì hả cha?”

Phiên tòa vụ tranh chấp, thay đổi quyền nuôi con được TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM) đưa ra xét xử một chiều cuối tháng 9. Chị là nguyên đơn, anh là bị đơn.

Suốt những ngày trước phiên tòa, chị sống trong hồi hộp, sợ một lần nữa quyền nuôi con không thuộc về chị như hai bản án trước đã tuyên.

 Mỗi người đứng đơn độc trước chiếc micro của hai dãy ghế. Phòng xử trống trơn. Cả hai có hai con chung, đứa lớn – bé trai 10 tuổi, đứa nhỏ – bé gái 5 tuổi.

Chị khởi kiện do các phiên tòa trước tuyên anh được nuôi cả hai con. Lần này chị yêu cầu thay đổi quyền nuôi con để chị được nuôi bé gái, anh nuôi bé trai. Họ hỏi đáp nhau nhỏ nhẹ.

Cảm giác như rằng nếu họ nói to hơn, không khí căng thẳng hơn thì đứa trẻ đang được “tranh chấp” sẽ càng tổn thương nhiều hơn. Nhưng sự nhỏ nhẹ, né tránh nhau lại tạo nên sự ngột ngạt, như chính sự ngột ngạt từng có trong căn nhà của anh chị.

Cả hai đã ly hôn. Theo phán quyết của tòa, anh nuôi hai con. Sợ hai đứa trẻ bị xáo trộn tâm lý khi bỗng dưng mất đi bàn tay chăm sóc của mẹ, nên chị vẫn ở lại chung nhà để giữ mái ấm không xiêu vẹo bởi những tổn thương của con trẻ. Anh im lặng, đồng ý.

Sống chung nhưng cả nhà không ăn chung, không đi chơi chung. Anh đưa đón con đi học, những lúc bận thì anh thuê tài xế, chị cặm cụi chỉ dẫn con học bài mỗi tối.

Có lần, khi ba cha con chuẩn bị đi chơi thì cậu bé quay sang hỏi mẹ: “Sao mẹ không đi cùng?”. Chị thắt lòng, quay đi. Chị bảo mẹ có công việc bận nên ba cha con cứ đi chơi vui nhé.

Anh và chị yêu nhau thời sinh viên. Công việc ổn định, cả hai về cùng một nhà. Đến lúc anh ra thành lập công ty riêng, chị nghỉ việc để phụ anh, chăm sóc gia đình. Khi công ty làm ăn phát đạt thì anh xa chị dần.

Những mâu thuẫn, im lặng đẩy vợ chồng vào ngõ cụt. Mỗi người có cuộc sống riêng, chị đi làm trở lại. Căn nhà lạnh tanh, việc ai nấy làm. Có việc gì cần nói với anh thì chị nhờ bọn trẻ nói giúp hoặc ngược lại.

Lắng nghe phần xét hỏi của cả hai, vị hội thẩm từ tốn hỏi: “Việc cả hai ly hôn trẻ có biết không?”. Chị đáp: “Sinh hoạt mọi thứ bình thường, không để hai cháu bị sốc nên tôi nghĩ bọn trẻ không biết”.

“Cháu nhỏ không biết nhưng hình như cháu lớn biết. Có lần cháu hỏi: Ly hôn là gì hả cha? Tôi giải thích đó chỉ là một thủ tục giấy tờ của người lớn” – anh trả lời.

Tranh luận

“Tôi có điều kiện hơn. Tôi có thời gian nuôi con. Nếu không đủ thời gian, tôi sẽ nhờ đến cô ấy. Tôi không muốn tách hai bé ra, xáo trộn cuộc sống của các cháu từ trước đến giờ” – anh nói về vợ cũ bằng hai từ “nguyên đơn” lạnh lùng, xa cách.

Chị hỏi anh: “Nếu nói anh chăm sóc được cho con thì những kỳ họp phụ huynh cho con ai tham dự, con học giáo trình tiếng Anh đến bài nào anh có biết không?”.

Anh rành mạch: “Họp phụ huynh của cháu lớn từ lớp 1 đến lớp 5 là tôi tham gia. Những lúc cháu sốt, tôi là người ở nhà chăm sóc chứ không phải mẹ của cháu. Không chỉ lúc bệnh, có việc gì mẹ bé cũng nhắn tôi đến đón”.

“Đó là việc của cả hai” – chị thẳng thừng.

Anh chắc nịch: “Đúng, đó là trách nhiệm của cả hai dù trước hay sau khi ly hôn. Nhưng nếu nguyên đơn là người biết nghĩ cho gia đình, nghĩ cho con cái thì nguyên đơn có hành động như vậy không?”.

Chị trình bày chị chỉ đi làm giờ hành chính, thời gian còn lại dành cho con. Anh khẳng định thời gian anh tự do hơn, lái xe đưa đón con đi học ở trường, đi học thêm, đứa lớn rồi đến đứa bé, chưa trễ học, bỏ học ngày nào, đột xuất lắm thì anh thuê tài xế.

Chủ tọa hỏi anh: “Có bao giờ anh yêu cầu các bé đi với mẹ mà nguyên đơn không đồng ý?”. Anh đáp ngay: “Không, không, không có sự phân công rõ ràng. Không ai từ chối việc đưa đón bé cả. Tôi bận thì mẹ bé sẽ đưa đón”.

Tòa quay sang chị, chị trả lời: “Trước giờ hai bé vẫn đi với cha như một thói quen, không đòi tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ từ chối việc đưa rước con”.

Chị tha thiết được nuôi bé gái để đảm bảo sự phát triển về giới tính cho cháu. Anh phân trần những ngày mẹ đi công tác thì cháu vẫn chơi với cha, vẫn ngủ cùng với cha và anh trai.

Mọi sinh hoạt của bé đều bình thường. Anh đảm bảo về tài chính, đảm bảo cho con học trường tốt, đảm bảo cho con được hưởng những điều tốt nhất.

“Nuôi cả hai con, nhiều khi mệt nhưng không dám than. Chúng tôi cũng không hề có khái niệm đúng ngày này anh phải thăm, ngày kia cô phải thăm. Mẹ bé muốn cứ thoải mái thăm hoặc chơi, ở cùng với cháu. Tôi không cấm cản” – anh trần tình.

Vị hội thẩm phân tích đúng là bị đơn có nhiều điều kiện hơn, nhưng với bé gái thì ở với mẹ sẽ hợp lý hơn.

“Làm cha làm mẹ, thương con thì đừng áp đặt suy nghĩ là mình có điều kiện này, điều kiện kia thì nhất quyết phải nuôi con. Đặt tâm sinh lý con lên trước. Về góc độ giới tính nên nghĩ về tâm sinh lý cháu gái” – giọng vị hội thẩm từ tốn.

Tòa tuyên cho chị được nuôi bé gái. Khi chủ tọa vừa bế mạc phiên tòa, anh vội vã bước nhanh ra khỏi phòng xử. Chị ôm người bạn thân khóc nức nở vì vui mừng. Đây là lần thứ ba chị ra tòa để xin được quyền nuôi bé gái.

“Cuộc chia tay của những con búp bê”

Phiên tòa kết thúc. Tất cả ra về. Tôi tự hỏi bọn trẻ phản ứng thế nào nếu chúng biết hai anh em sắp chia cách.

Chợt nhớ về một buổi sáng chia ly đầy nước mắt của hai anh em Thành và Thủy trong truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài mà mình từng được học năm lớp 7.

Trong câu chuyện này, đêm hôm trước khi cha mẹ chia tay, Thành và Thủy khóc sưng cả mắt. Đến lúc bị mẹ thúc “chia đồ chơi ra đi” thì cả hai líu ríu.

Thành chia hai con búp bê Vệ Sỹ và Em Nhỏ ra, Thủy phản ứng, giận dữ, bảo anh trai độc ác. Dùng dằng mãi mới chịu tách hai con búp bê.

Vậy mà khi chiếc xe sắp lăn bánh đưa Thủy và mẹ về nhà ngoại thì cô bé tụt xuống, chạy về phía giường, đặt con Em Nhỏ quàng vai con Vệ Sỹ, bắt Thành hứa nhất định không bao giờ được để chúng ngồi cách xa nhau.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chia tayly hônmâu thuẫnphiên tòa

Các tin liên quan đến bài viết