Binh sĩ Trung Quốc triển khai ở khu vực Tân Cương |
Theo Reuters, một quan chức chính quyền khu vực khẳng định “những kẻ côn đồ” đã bị cảnh sát bắn hạ. Vụ tấn công xảy ra vào tối 14-2 tại huyện Pishan ở phần phía nam còn bất ổn của Tân Cương, trang cổng thông tin của chính quyền Hotan đưa ra thông báo ngắn gọn vào sáng nay (15-2). “Hiện tại, tình hình an ninh trật tự tại đó đã trở lại bình thường, tình hình xã hội ổn định và việc điều tra đang được tiến hành”, bản thông báo cho biết nhưng không cung cấp thêm chi tiết về những kẻ tấn công và động cơ của chúng. Huyện Pishan, người Duy Ngô Nhĩ gọi là Guma, là địa điểm từng xảy ra một số sự cố tấn công trong những năm gần đây. Năm 2011, cảnh sát từng tiêu diệt bảy người được mô tả là những kẻ bắt cóc thuộc một nhóm khủng bố. Ngày 23-9-2015, ít nhất 5 sĩ quan cảnh sát đã bị các phần tử ly khai đâm chết trong một cuộc tấn công bằng dao tại một mỏ than ở khu tự trị Tân Cương. Theo nguồn tin cảnh sát, hàng chục người đã bị thương trong vụ tấn công này. Theo Reuters, những tuần gần đây đã xuất hiện tình trạng gia tăng bạo lực ở Tân Cương sau một thời gian tương đối yên tĩnh. Hồi tháng 12-2016, năm người đã thiệt mạng khi những kẻ tấn công lái một chiếc xe lao vào một tòa nhà cơ quan chính quyền và cảnh sát đã nổ súng bắn chết những kẻ mà tháng trước đó chính quyền mô tả là ba nghi can khủng bố. Trung Quốc có 5 khu tự trị là Nội Mông, Hồi Ninh Hạ, Tây Tạng, Choang Quảng Tây và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương gọi tắt là Khu tự trị Tân Cương, nằm ở phía tây bắc Trung Quốc (cách Bắc Kinh khoảng 3.300 km về phía tây), là đơn vị hành chính cấp tỉnh, có diện tích hơn 1,6 triệu km2. Khu tự trị Tân Cương có 7 thành phố, 5 châu tự trị, 74 huyện và huyện tự trị, thủ phủ là Thành phố Urumqi.Khu tự trị Tân Cương ở vị trí điểm nối giữa châu Âu với châu Á, giữa Trung Á với Nam Á, với hơn 5.400km đường biên giới giáp 8 nước (Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ). Vùng tiếp giáp của các nước trên với Khu tự trị Tân Cương đã nhiều năm tồn tại các vấn đề xã hội phức tạp như xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động chống đối chính phủ, khủng bố… Nhìn chung, đời sống của người dân ở khu tự trị này còn nhiều khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa các tộc người còn khá rõ nét. Dân số của Khu tự trị Tân Cương khoảng 21 triệu người, gồm 47 dân tộc cùng chung sống, trong đó người Duy Ngô Nhĩ và người Hán mỗi dân tộc chiếm khoảng 40%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác.