Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, kể từ ngày 20-6-2023, lao động nữ khám sức khỏe định kỳ sẽ được sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Khám sản phụ khoa cho nữ giới sắp có thêm 2 dịch vụ quan trọng trong danh mục khám định kỳ - Ảnh: D.L

Khám sản phụ khoa cho nữ giới sắp có thêm 2 dịch vụ quan trọng trong danh mục khám định kỳ 

Đây là lần đầu tiên hai loại ung thư phổ biến ở nữ giới được đưa vào danh mục tầm soát định kỳ, nhằm phát hiện sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm gánh nặng bệnh tật. Nhưng khi thực hiện yêu cầu này, việc tầm soát sẽ triển khai ra sao, hiệu quả thế nào?

Phát hiện sớm, được không?

Đã gần một năm nay, cứ ba ngày/tuần, từ 4h30 sáng bà T.C. (49 tuổi, Long An) đã tranh thủ dậy để đón chuyến xe buýt sớm nhất từ Long An lên đến Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) để hóa trị.

Năm 2021, bà C. cảm thấy hai bên tuyến vú của mình bị đau nhức, lo ngại mắc ung thư nên mới đến bệnh viện thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà mắc phải ung thư vú giai đoạn hai, phải hóa trị liên tục.

“Tôi phát hiện mình có cục u nhỏ ở vùng vú từ lúc còn 16 tuổi, khi sờ cục u chạy hai bên vú. Tuy nhiên vì chủ quan không đi khám, cộng thêm công việc bận rộn, sau đó thấy cục u to lên bất thường, đau nhức, lan tỏa sang hai bên nách tôi mới sợ và đi khám”, bà C. cho hay.

Hướng dẫn mới trong khám chuyên khoa sản phụ khoa cho lao động nữ của Bộ Y tế nêu rõ: Lao động nữ sẽ được sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng ít nhất một trong các kỹ thuật: xét nghiệm tế bào cổ tử cung, xét nghiệm HPV, nghiệm pháp quan sát cổ tử cung.

Với sàng lọc ung thư vú, nữ giới sẽ được khám lâm sàng tuyến vú, siêu âm và chụp X-quang tuyến vú. Như vậy những trường hợp như bà C. có thể được phát hiện bệnh sớm hơn.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, mỗi năm Việt Nam có hơn 182.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là hơn 21.000 ca (gần 12%); ung thư cổ tử cung ghi nhận khoảng 4.000 ca mới, hơn 2.000 ca tử vong/năm.

Ung thư vú và ung thư cổ tử cung đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp trên dưới 20 đã mắc bệnh. Điều đáng tiếc đây là hai loại ung thư có hiệu quả điều trị khả quan nếu phát hiện sớm, tuy nhiên trên 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn (trước đây còn cao hơn).

Việc giảm số ca phát hiện muộn nhờ các chương trình truyền thông và tầm soát ung thư vú sớm triển khai trên 10 năm nay, tuy nhiên nếu đưa vào chương trình tầm soát định kỳ, số ca được phát hiện bệnh sớm sẽ tăng, đồng nghĩa với việc thêm nhiều ca bệnh được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Hoa Mai, Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phát hiện ung thư cổ tử cung sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là một trong hai loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất ở phụ nữ.

Ung thư cổ tử cung ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc mới/năm và hay gặp ở độ tuổi trên 35.

“Phụ nữ đã quan hệ tình dục nên khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung).

Xét nghiệm Pap có thể tiến hành mỗi 1-3 năm tùy từng trường hợp cụ thể. Phụ nữ trong độ tuổi 25 đến 65 có thể tiến hành xét nghiệm vi rút HPV đơn độc hoặc kết hợp xét nghiệm tế bào học cổ tử cung trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp việc điều trị khả quan hơn”, bác sĩ Mai nhấn mạnh.

Bác sĩ tư vấn thăm khám sinh sản cho bệnh nhân hiếm muộn - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

c sĩ tư vấn thăm khám sinh sản cho bệnh nhân hiếm muộn 

Cần có thêm hướng dẫn

Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ung thư vú và cổ tử cung chiếm tỉ lệ cao. Khi đưa hai loại ung thư này vào khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Đây là tín hiệu tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ hiện nay.

“Điều tôi khá băn khoăn là nếu lao động nữ phát hiện mắc ung thư vú hoặc cổ tử cung giai đoạn sớm thì sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến việc phân loại sức khỏe lao động.

Doanh nghiệp họ cần những người khỏe mạnh để làm việc, vậy khi tầm soát ung thư nếu lao động nữ phát hiện mắc bệnh thì việc sử dụng lao động tiếp theo sẽ như thế nào?

Cần phải có những hướng dẫn để phân loại lại sức khỏe người lao động, nếu phát hiện sớm ung thư vú hay ung thư cổ tử cung, có khả năng điều trị thì sẽ xếp loại sức khỏe lao động ra sao” – ông Cường nói.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức – việc đánh giá tầm soát ung thư phải có tính liên tục và cần đưa vào hệ thống dữ liệu quốc gia để theo dõi mới đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt với những lao động di chuyển nhiều nơi.

“Ví dụ trong khám sàng lọc ung thư vú, nhũ ảnh có gì bất thường, bước tiếp theo phải làm gì, không phải ca nào chụp xong cũng sinh thiết, mà phải hẹn bệnh nhân theo trình tự để theo dõi.

Việc lựa chọn kỹ thuật tầm soát hai loại ung thư trên cũng rất quan trọng, phải có quy định kỹ thuật phù hợp với từng lứa tuổi. Khám sàng lọc sẽ được thực hiện ở chuyên khoa nào cũng cần được cân nhắc. Nếu các bác sĩ đa khoa thực hiện cần phải được tập huấn, nếu không bệnh viện chuyên khoa có thể quá tải”, bác sĩ Vũ cho hay.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức

“Theo quy định, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Với thông tư hướng dẫn mới về khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ Bộ Y tế vừa ban hành, nếu tính theo khung giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung, mức chi trả cho mỗi lần khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ sẽ tăng ít nhất là 300.000 đồng.

Đây cũng là vấn đề đặt ra cho người sử dụng lao động trong thời gian tới”, đại diện một bệnh viện cho hay.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lao động nữtầm soát ung thư

Các tin liên quan đến bài viết