Nhiều người ở nhà trong mùa dịch COVID-19 bị stress nặng vì nhiều nỗi lo. Có người sống trong tâm trạng bất an, suy nghĩ mất ngủ kéo dài.
Có người bị căng thẳng khi gần nơi mình ở xuất hiện những ca dương tính, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng. Có người dễ dàng cáu gắt người thân vì tình hình tài chính điêu đứng…
Hơn 60 ngày qua, kể từ khi TP.HCM bắt đầu phải giãn cách, chị T. luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi. Theo chị T., có lẽ do sống ở trong nhà nhiều, lo ngại tiếp xúc với bất cứ ai và thêm cả những câu hỏi về tài chính làm chị rơi vào tình trạng mất ngủ.
Đêm ngủ không ngon giấc, cộng với nhiều nỗi lo trên làm chị rơi vào tâm trạng bất an. Chị T. kể cứ tiếp tục sống thế này chị thấy mình dễ bị trầm cảm.
Hiểu ra hạnh phúc giản đơn
Chị T.N.D., 46 tuổi, hiện đang sống một mình ở chung cư P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM), đã phải cách ly ở nhà nhiều ngày qua làm chị thấy thật mệt mỏi.
Chị D. kể ngày 30-5, nghe các bản tin thông báo từ 0h ngày 31-5 quận Gò Vấp sẽ giãn cách theo chỉ thị 16, chị đã mua lương thực cho khoảng 14 ngày trữ trong tủ lạnh và không đi ra ngoài vì sợ lây bệnh.
Đến ngày 15-6, chị D. hồ hởi tưởng chuẩn bị được đi làm thì lại nhận được tin chung cư chị ở có ca F0. Người này trước đó là F1, đã được đi cách ly từ ngày 10-6. Chung cư chị ở bị phong tỏa, chị lại ở nhà thêm 10 ngày nữa.
Đến ngày 24-6, chung cư của chị mới hết bị phong tỏa. Vừa được “ra ngoài” vài ngày thì hôm qua chung cư chị ở lại có ca F0, lại bị phong tỏa, chị phải tiếp tục ở trong nhà và chưa biết đến khi nào mới được ra ngoài.
Liên tục ở trong căn hộ chỉ rộng chừng 40m2 với thời tiết nóng nực, chị cảm thấy cuộc sống rất bức bối và khó chịu. Là một phụ nữ đơn thân, có nhiều lúc chị muốn “nổi khùng” nhưng cũng chẳng có ai để “xả” sự khó chịu trong lòng chị. Ngoài chị ra, trong phòng chỉ có mấy chú cá cảnh tung tăng bơi lội.
Chị không có việc gì làm ngoài việc theo dõi những thông tin của chung cư qua Facebook, theo dõi tình hình dịch bệnh của TP, nấu ăn ngày ba bữa. Những ngày tưởng chừng “nhàn tênh” như thế lại làm chị thường xuyên mất ngủ.
Những ngày ở trong nhà, không gặp gỡ, trò chuyện với ai đã làm chị D. hiểu được ra ngoài, được làm việc, được trò chuyện với mọi người chị mới thoải mái vui vẻ. Những ngày bình thường trước đây lại là mong ước của chị bây giờ. Sau này khi cuộc sống bình thường trở lại, chị sẽ trân quý từng người bạn, từng đồng nghiệp, từng người thân và đặc biệt sẽ nỗ lực hơn trong công việc… Còn nếu cứ “nhàn tênh” kiểu bắt buộc ở trong nhà mà kéo dài đến chán chường thì chắc chị sẽ mắc… bệnh.
Trường hợp khác là hai vợ chồng chị M.T., 29 tuổi, làm tại một công ty ở Bình Dương. Bốn ngày trước, công ty chị phát hiện một số ca F0 nên vợ chồng chị cũng như nhiều người phải ở lại công ty. Hai đứa con nhỏ, một cháu 3 tuổi và một cháu 6 tuổi, đang được gửi người giữ trẻ gần đó trông, vợ chồng chị đã phải gọi điện nhờ trông luôn suốt 4 ngày qua chứ nội ngoại hai bên đều ở tận Quảng Nam.
Xa con trong hoàn cảnh chưa được chuẩn bị trước thế này, hai vợ chồng chị vừa nhớ vừa rất lo lắng cho hai con, cứ đứng ngồi không yên và cũng không biết đến ngày nào mới được về nhà vì mỗi ngày công ty lại thông báo có thêm người mắc COVID mới.
Trải qua những ngày xa con như thế này, giờ chị M.T. chỉ mong ước gia đình chị luôn mạnh khỏe, ngày nào cũng được ở bên nhau. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều rất giản đơn mà trước đây chị chưa hiểu được.
Bình tĩnh giải quyết vấn đề
Các chuyên gia tâm lý cho rằng trong mùa dịch này con người có rất nhiều nỗi lo, có thể có những chuyện không như ý muốn xảy ra. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào cũng không nên hoảng hốt, mất bình tĩnh một cách quá mức vì sẽ không giải quyết được vấn đề của hiện tại mà có thể làm cho sự việc phức tạp thêm.
Cuộc sống luôn có vui, có buồn, phải trải qua những lúc buồn mới hiểu được lúc vui; cũng như phải trải qua khó khăn mới thấy bản thân mình khao khát điều gì, để khi có được mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự. Nếu nhìn từ góc độ tích cực sẽ thấy những ngày này rất “đặc biệt” và chúng ta đang có cơ hội trải nghiệm những ngày đặc biệt theo cách riêng của mỗi người.
Hãy dành thời gian đi bộ hay tập các bài tập tại nhà, vì khi tập luyện nhiều sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh và có một tinh thần vui vẻ hơn.
Ngoài ra, có thể làm những điều mình thích như đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hoặc nhiều tập phim hay… Điều này sẽ giúp bạn cảm nhận cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Ngay cả khi bị cách ly ở trong nhà thì hãy luôn giữ liên lạc với bạn bè, người thân, chia sẻ với mọi người những gì mình lo lắng, mong muốn.
Còn nếu một người quá lo lắng, căng thẳng thì nên tìm đến các dịch vụ tư vấn tâm lý online miễn phí hoặc các phòng tư vấn tâm lý online để được hỗ trợ tâm lý.
Nguồn: tuoitre.vn