BP – “Ban đầu, bệnh nhân chạy thận người nghèo cũng có mà hộ khá giả cũng nhiều. Nhưng phải điều trị lâu dài, tốn kém nên đa số không chỉ sức khỏe suy giảm, tinh thần suy kiệt mà kinh tế gia đình cũng rơi vào khó khăn, túng thiếu. Nếu không nghèo thì căn bệnh quái ác này cũng khiến người khá giả trở thành nghèo khó và người nghèo khó trở nên kiệt quệ… Thấu hiểu nỗi khổ đó, chúng tôi luôn coi bệnh nhân như người nhà, thành tâm giúp đỡ bằng tất cả khả năng có thể” – bác sĩ Lê Thành Chung, Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết.

Bác sĩ Lê Thành Chung ân cần chăm sóc người bệnhBác sĩ Lê Thành Chung ân cần chăm sóc người bệnh

Bị bệnh suy thận, nhiều người ở khắp nơi trong tỉnh, nhất là vùng sâu, xa đã phải về Bệnh viện đa khoa tỉnh “ăn trực nằm chờ” để được chạy thận. Bệnh viện thiếu thốn từ cơ sở vật chất tới nhân lực. Tuy nhiên, nhờ sự thấu hiểu, cảm thông của những bác sĩ và điều dưỡng làm việc ở phòng chạy thận nhân tạo mà bệnh nhân đã vơi ít nhiều khốn khó!

Giúp bệnh nhân vơi nỗi khổ

Dường như căn bệnh suy thận không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp và tất cả huyện, thị xã trong tỉnh đều có người phải chạy thận nhân tạo. Hiện trong 117 người bệnh điều trị chạy thận nhân tạo nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh có người ở tuổi trên 20, có người đã trên 60 và đủ thành phần: nông dân, cán bộ… Ngoài ra, tuyến bệnh viện huyện, thị xã cũng có nhiều người đang chạy thận nhân tạo gồm: Đồng Xoài 25 ca, Đồng Phú 12, Bù Đăng 14, Bù Gia Mập 25… Phần lớn bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Tuy nhiên, nhờ được tư vấn nên hiện 100% bệnh nhân chạy thận đã có bảo hiểm y tế.

Đưa vợ là bà Hồ Thị Sự (68 tuổi) đến Bệnh viện đa khoa tỉnh chạy thận từ khi phòng chạy thận nhân tạo (thuộc Khoa Nội – Bệnh viện đa khoa tỉnh) mới thành lập năm 2008 nên ông Trương Văn Liên ở ấp 9, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) là một trong số những người có “thâm niên” ở lại khoa lâu nhất, rất thân thuộc với các y, bác sĩ, điều dưỡng. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây cũng cảm phục và hết lòng giúp đỡ cặp vợ chồng già khi hằng ngày chứng kiến ông Liên tận tụy chăm sóc vợ từ bệnh tiểu đường biến chứng sang thận đã hơn 22 năm. Giờ bệnh bà Sự chuyển sang giai đoạn nặng, liệt 2 chân, cơ thể đau đớn nên bà rất khó tính, rên la thường xuyên, nhưng ông vẫn ân cần chăm sóc.

Ông Đồng Văn Đức ở ấp 8, xã Lộc Thuận chỉ có một mình đi chạy thận nhân tạo. Ông Đức cho biết: “Nhà tôi nghèo lắm, vợ phải ở nhà lo cho các con nên tôi tự xoay xở. Tôi chạy thận 3 lần/tuần nên tranh thủ cuối tuần về thăm gia đình rồi đầu tuần trở lại tiếp tục chữa trị”. Biết bà Điểu Thị Lúc (60 tuổi) ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã hết hạn bảo hiểm y tế từ đầu năm 2017 nhưng bác sĩ Chung cùng các điều dưỡng vẫn để bà ở lại chạy thận. Bà Lúc thuộc hộ nghèo lại lớn tuổi nhưng con cái kinh tế quá khó khăn nên vài tháng mới tới thăm bà 1 lần. Bệnh tật thì “khoán trắng” cho thầy thuốc; phụ giúp bà ăn uống, sinh hoạt là cháu nội 12 tuổi nhỏ thó, gầy guộc. Cũng vì bệnh của bà mà em đã phải nghỉ học.

Canh cánh ước mong vì bệnh nhân nghèo

So với các căn bệnh khác thì chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo không vất vả bằng bởi có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ có 2 bác sĩ chịu trách nhiệm chính và còn phải trực khám hằng ngày ở Khoa Nội nên gần như ngày nào bác sĩ cũng phải có mặt ở bệnh viện. Ngoài theo dõi, tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ, điều dưỡng còn thường xuyên động viên tinh thần tránh tâm lý tiêu cực, giúp bệnh nhân lạc quan hơn trong cuộc sống. Chính vì thế, bác sĩ Chung cho rằng cần bổ sung cho khoa 4 bác sĩ nữa mới đáp ứng nhiệm vụ.

Mỗi tuần bệnh nhân phải chạy thận 2-3 lần nên nơi đây gần như trở thành nhà của họ. Ngoài khu vực được vô trùng, đặt máy móc chạy thận nhân tạo thì khu vực dành cho bệnh nhân hiện rất thiếu thốn. 2 phòng bệnh, 1 dành cho người nặng nằm nội trú (đa số đã liệt hai chân, phải có người chăm sóc); phòng còn lại khoảng 5 giường dành cho người bệnh nằm chờ. Những bệnh nhân khác và người thân thường nằm ở hai dãy giường đặt dọc hành lang của Khoa Nội.

Vợ ông Nguyễn Văn Xuân, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh vừa dìu chồng từ xe lăn lên giường bệnh vừa bùi ngùi chia sẻ: “Trong 8 năm, hai cha con ông ấy đều bị suy thận vào đây chạy thận nhân tạo. Nhưng chỉ được 2 năm thì con trai mất, giờ bệnh ông ấy cũng đã chuyển nặng liệt chân nên đi khám phải ngồi xe lăn. Tôi đã phải bán đất để trang trải nhưng vẫn rất khó khăn. Buồn nhưng phải ráng để làm chỗ dựa tiếp thêm sức mạnh cho chồng vượt qua đau đớn”.

 Ngoài thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất chật hẹp quá mức thì tình trạng thiếu máy chạy thận nhân tạo càng khẩn thiết hơn. Trực tiếp điều trị, thấu hiểu hoàn cảnh người bệnh, nhất là người nghèo vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số nên bác sĩ Lê Thành Chung luôn đau đáu ước nguyện mong có thêm ít nhất 10 máy chạy thận nhân tạo. Vì mỗi ngày chạy thận khoảng 52-53 người nên bác sĩ, điều dưỡng phải bố trí thêm ca đêm. Biết khổ cả thầy thuốc và bệnh nhân nhưng không còn cách nào khác, bởi 10 máy trị giá gần 5 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh và cấp trên thì bệnh viện không thể cáng đáng nổi.

Gắn bó với bệnh nhân mà người điều trị lâu cũng đã gần 10 năm nên bác sĩ, điều dưỡng dễ cảm thông, chia sẻ với họ. Bên cạnh phát huy chuyên môn, gần gũi giúp đỡ người bệnh, các y, bác sĩ còn thường xuyên phối hợp Hội Bảo trợ người khuyết tật – trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh để bệnh nhân có thêm cơ hội được giúp đỡ như xây nhà tình thương, tặng quà… Đây cũng là điểm sáng về tấm lòng của những thầy thuốc vì người bệnh.

Từ khóa : bệnh nhânngười bệnh hiểm nghèothầy thuốc

Các tin liên quan đến bài viết