Giới tài xế công nghệ xôn xao chuyện “đồng nghiệp” Uber tại Anh đã được chấp nhận tư cách là nhân viên có trả lương, có bảo hiểm cho tài xế. Họ mong tài xế công nghệ tại Việt Nam cũng được thay đổi thân phận.

Tài xế xe công nghệ chờ phúc lợi - Ảnh 1.

hàng vạn tài xế xe công nghệ đang mang danh “đối tác” và không có quyền lợi căn bản như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội 

Là đơn vị kinh doanh, các ứng dụng phải có trách nhiệm an sinh xã hội. Mối quan hệ giữa lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm là mối quan hệ hợp đồng lao động chứ không phải là đối tác như hiện nay.

Ông Nguyễn Công Hùng

Hàng vạn tài xế đang mang danh nghĩa “đối tác” với hãng xe công nghệ nhưng phúc lợi ít khiến họ khó gắn bó với nghề, trừ khi bất đắc dĩ.

Mới 1 hãng trả bảo hiểm chăm sóc sức khỏe

Sáng 23-3, anh Nguyễn Mạnh Toàn – tài xế ứng dụng Now – đứng trước trung tâm thương mại Gigamall (TP Thủ Đức) cho biết đã chạy ứng dụng này được 2 năm, ngoài chiết khấu 10% với hãng, tài xế gần như không hưởng một chính sách nào về quyền lợi lao động với ứng dụng này.

Ngay lúc này, nhiều tài xế của một hãng khác đứng cạnh cũng than thở phận làm “đối tác” nhưng không có được chính sách hỗ trợ phúc lợi từ hãng xe, ngược lại ngày càng phụ thuộc vào ứng dụng với các loại hình thưởng, phạt, chờ phát cuốc xe.

Anh Thanh Hiền – tài xế BeBike – cho biết đã chuyển hẳn sang chạy xe công nghệ. Những tưởng có thu nhập khá và thời gian thoải mái nhưng sau đó anh Hiền mới vỡ mộng.

“Ế, thu nhập không cao, suốt ngày dầm mưa đội nắng ngoài đường nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thấy bất bình lắm. Ngoài bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mà công ty hỗ trợ, còn lại giới tài xế công nghệ không có gì cả” – anh Hiền nói.

Trò chuyện với chúng tôi, rất nhiều tài xế đều bày tỏ mong muốn được các ứng dụng công nghệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bởi gọi là “đối tác” cho sang chứ thực tế tài xế làm việc dưới sự điều hành, kiểm soát của ứng dụng trên.

Một tài xế Gojek hi vọng: nếu luật VN cũng yêu cầu các ứng dụng công nghệ xem tài xế như người lao động, có bảo hiểm xã hội, chi trả lương… thì quá tốt.

Theo tìm hiểu, trên thị trường gọi xe công nghệ hiện nay chỉ có một hãng tự nguyện trang bị bảo hiểm chăm sóc toàn diện sức khỏe cho tài xế. Đại diện Be Group cho biết họ làm điều này với mong muốn xã hội công nhận tài xế công nghệ là một nghề.

Đóng bảo hiểm: xem xét nhiều yếu tố

Ứng dụng gọi xe nội địa Be của Be Group đăng ký kinh doanh là hãng vận tải ứng dụng công nghệ, tiên phong đóng bảo hiểm như trên.

Be Group tài trợ 100% kinh phí mua gói bảo hiểm bổ sung beHealthcare với quyền lợi bảo vệ hơn 350 triệu đồng cho tài xế. Tuy nhiên, đại diện Be Group cho biết chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho tài xế vẫn… đang xem xét vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong khi đó, các ứng dụng gọi xe như Gojek, Grab, Fast-Go… chỉ có gói bảo hiểm tai nạn.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong kinh doanh, ngoài lợi nhuận, các doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm xã hội, có sự quan tâm đến những người lao động yếu thế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Công Hùng – phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN (VATA) – cho rằng hiện các đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ như Grab, Gojek, Fast-Go… đang quyết định giá cước và điều hành lái xe nên phải chấp hành theo quy định tại nghị định 10 và thông tư 12. Họ sẽ phải chuyển đổi thực hiện trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.

Bản chất điều hành giá cước, chiết khấu và thu tiền khách, trả tiền cho tài xế, thực hiện một quy trình trọn gói vận tải. Vì vậy, lái xe cần được thực hiện chế độ làm việc theo thời gian quy định, được khám sức khỏe định kỳ… “Với phán quyết của tòa án Anh đối với Uber, tôi hoàn toàn ủng hộ và cho rằng có thể áp dụng ngay ở VN” – ông Hùng nói.

* Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG (phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Vận động doanh nghiệp mua bảo hiểm xã hội cho tài xế

Về mặt pháp lý, cần làm rõ thế nào là quan hệ lao động bởi hiện nay giữa các nền tảng công nghệ và các tài xế không xác định bằng hợp đồng lao động, không có tiền lương, thời gian lao động cũng như nhiều điều kiện khác.

Trước mắt, Quốc hội, Chính phủ cần làm rõ về mặt quan hệ giữa các nền tảng và các tài xế để mình có cơ sở đề xuất những chính sách, biện pháp ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ và người lao động. Chỉ khi luật pháp quy định rõ, coi hoạt động này là gì thì trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi liên quan mới rõ ràng.

Chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ đảm bảo các điều kiện cho tài xế, ít nhất có bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Còn về góc độ người lao động, các tài xế cần được đảm bảo các điều kiện lao động, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng.

Tài xế công nghệ có những quyền lợi nào?

Theo tìm hiểu, hiện các ứng dụng gọi xe như Grab, Be, Gojek hỗ trợ bảo hiểm tai nạn và hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm sức khỏe, cách áp dụng mỗi hãng khác nhau.

Như Grab có bảo hiểm tai nạn nhưng phạm vi áp dụng bảo hiểm chỉ từ thời gian ứng dụng của tài xế trong chế độ sẵn sàng nhận cuốc xe, bao gồm cả thời gian trước và trong cuốc xe. Ngoài ra, Grab có gói bảo hiểm sức khỏe và chỉ hỗ trợ một phần chi phí, giới hạn khu vực và đối tượng tài xế tham gia.

Đa dạng hơn, ứng dụng Be đang áp dụng bảo hiểm tai nạn toàn diện kể cả tài xế trong giai đoạn đón khách, trong lúc chờ, thậm chí khi tắt ứng dụng. Đồng thời, Be cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tài xế khi ốm đau, bệnh tật… Tuy nhiên, sau 3 tháng Be sẽ xét lại hiệu quả làm việc của tài xế để căn cứ quyết định mức bảo hiểm.

Hiện nay trên thị trường gần như 100% các hãng xe đều đã mua bảo hiểm tai nạn theo chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều tài xế cho biết các thủ tục về gói bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khỏe để được chi trả khá nhiêu khê về thủ tục. Còn bảo hiểm sức khỏe hãng phân loại từng thứ hạng chứ không phải 100% tài xế được hưởng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bảo hiểmBeBikeGrabquyền lợitài xế công nghệ

Các tin liên quan đến bài viết