Không như các tài xế xe hai bánh có thể chuyển sang giao hàng, giao đồ ăn hay đi chợ hộ, lái xe taxi công nghệ chật vật hơn trong mùa dịch khi vừa phải mưu sinh, vừa lo trả nợ ngân hàng vì mua xe trả góp.
Khi dịch bệnh quay trở lại, học sinh, sinh viên nghỉ học, các văn phòng cho nhân viên làm việc từ xa, mọi người đều hạn chế ra đường nên nhu cầu đi lại, gọi xe giảm hẳn.
Không như tài xế xe hai bánh có thể chuyển sang giao hàng, giao đồ ăn hay đi chợ hộ, các tài xế GrabCar, beCar chật vật hơn khi lượng khách ít hơn, thu nhập giảm xuống, trong khi nhiều người phải trả nợ ngân hàng và duy trì cuộc sống.
“Còng lưng” trả nợ ngân hàng, sống lay lắt qua mùa dịch
Một tài xế chạy dịch vụ GrabCar cho biết các cuốc xe giảm hẳn trong mùa dịch. |
“Từ hôm dịch đến giờ là anh em méo hết mặt rồi. Dịch dã thế này cuốc xe nổ lẹt đẹt lắm”, anh Nguyễn N.Minh, một tài xế GrabCar tại Hà Nội tâm sự khi có chuyến xe đầu tiên trong ngày. “Bình thường tầm này tôi phải chạy được 4 – 5 cuốc rồi”, anh nói.
Hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Anh Minh và nhiều tài xế taxi công nghệ khác đang ở trong những ngày rất khó khăn.
Tài xế này cho biết khi chưa có dịch, dịp cuối tuần là cánh taxi công nghệ chạy không kịp nghỉ nhưng giờ khác hẳn. “Trước kia các tài khoản đẹp chạy liên tục, tài xế muốn nghỉ phải tắt app. Nhưng dạo gần đây các cuốc xe không nổ, cuối tuần giỏi lắm được mấy trăm bạc thôi. Giờ không có khách nên chúng tôi khó lắm”, anh Minh nói.
Cuối tuần là vậy, ngày thường cũng không khá hơn khi các cuốc xe chỉ thưa thớt. “Ngày thường chỉ nổ cuốc tầm đầu giờ sáng, đến trưa thì gần như không có khách. Anh em phải tìm chỗ râm mát để đứng chứ không nổ máy. Nổ máy suốt tốn xăng lắm”, anh phân trần.
Anh Trần V. Anh, một tài xế Grabcar khác cũng ở tình cảnh tương tự khi các cuốc xe giảm hẳn. “Một ngày khi chưa dịch chạy khoảng hơn hai chục cuốc xe, tổng thu của tôi lúc nào cũng ở ngưỡng 1,7- 2 triệu đồng, nhưng giờ chỉ còn 700 – 800 ngàn quay đầu. Hôm nào nhiều lắm thì được 900 nghìn đến 1 triệu đồng. Đó là đi từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối và chưa tính xăng, chiết khấu cộng các chi phí khác”.
Anh V. Anh cho biết khi dịch bệnh quay trở lại và diễn biến căng thẳng hơn, các khu văn phòng cho nhân viên làm việc từ xa. Cộng thêm với tâm lý e ngại của người dân khi di chuyển trên các phương tiện công cộng, sợ dịch bệnh lây nhiễm nên hạn chế gọi xe hơn.
Trong khi đó, anh Ngọc, tài xế beCar còn nhọc nhằn hơn khi thu nhập giảm hơn nửa so với trước nhưng hàng tháng vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi vay ngân hàng vì mua xe trả góp.
“Trước mỗi ngày chạy 15 -16 cuốc xe, giờ có ngày chỉ chạy 5 – 6 cuốc. Có những ngày trong đợt dịch, tôi chỉ chạy đủ tiền xăng và tiền ăn. Như hôm qua, tôi chạy được 600 ngàn đồng, trừ chiết khấu, xăng xe đi mất gần 400 rồi, còn được 200 ngàn thôi”, anh nói.
Tài xế này tâm sự không chỉ mỗi mình ở trong hoàn cảnh đó. “Xe dịch vụ thì 80-90% là mua trả góp, tài xế nào may mắn đã trả hết tiền rồi, thì đợt dịch này sẽ không bị áp lực vay nợ”.
Tìm cách vượt qua mùa dịch
Khi các ứng dụng trở nên quen thuộc với người dân, taxi công nghệ dần trở thành một nghề thu hút được nhiều lao động. Thời gian lao động linh hoạt và mức thu nhập khá được xem như lời mời gọi hấp dẫn với nhiều người.
Một tài xế chạy xe lâu năm cho biết nghề lái taxi công nghệ thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh đến các thành phố lớn. Họ đầu tư tiền hoặc mua xe trả góp, thậm chí, nhiều anh em còn thuê xe và trả phí theo tháng. Đây trở thành công việc chính để kiếm sống chứ không phải là một nghề kiếm thêm thu nhập nữa. Vì thế, dù hành khách có giảm nhưng nhiều người vẫn phải duy trì do gánh nặng mưu sinh.
“Không ít người đã bỏ nghề, nhất là những tài xế phải thuê xe để chạy. Nhưng vẫn còn nhiều người trụ lại. Ngành nào cũng khó khăn, ai cũng phải duy trì cuộc sống cả”, anh Nguyễn N.Minh, tài xế GrabCar nói.
Các tài xế còn trụ lại vì không thể bán xe, tìm mọi cách vượt qua khó khăn trong đại dịch. “Phải tiết kiệm xăng và mọi chi phí để duy trì”, anh Minh nói. Dù thời tiết rất nắng nóng nhưng khách xuống xe là tài xế phải tắt điều hòa nhằm tiết kiệm xăng, các chi phí khác cũng được hạn chế tối đa.
Thay vì đi lại liên tục trên đường như trước đây, các tài xế công nghệ giờ đây chỉ di chuyển vào giờ cao điểm. “Di chuyển một mình trên đường vừa phải chạy xe, vừa bật điều hòa nên rất tốn xăng mà khách lại ít. Vì thế trả khách xong chúng tôi tìm điểm đỗ lại. Thông thường là đỗ dưới chân các tòa nhà lớn chờ cuốc xe khác nổ”, anh Trần V. Anh nói.
Một tài xế khác tâm sự phải kiếm thêm việc, chứ không trông chờ hoàn toàn vào những cuốc xe. “Tôi chỉ chạy xe vào giờ cao điểm thôi, chạy lâu rồi nên cũng đoán được khi nào cuốc xe nổ nhiều. Thời gian còn lại tôi làm shipper cho một số cửa hàng quần áo và thực phẩm gần nhà. Nhu cầu mua hàng cao nên làm shipper kiếm được hơn, dù vất vả nhưng còn có việc làm để duy trì cuộc sống và đợi dịch qua đi”.
Nguồn: vietnamnet