Vào thời điểm báo cáo được công bố, thành tích của học sinh Việt Nam so với các nước ở môn Đọc, Toán và Khoa học không được đảm bảo đầy đủ. Vì lý do này, OECD không báo cáo thứ hạng của Việt Nam với các quốc gia khác.
Ngày 3/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) 2018 tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là lần thứ 3, Việt Nam tham gia lần đánh giá này, nhưng khác với 2 lần trước đó, phía Việt Nam cho đến nay chưa công bố kết quả. Theo thông tin mà VietNamNet nắm được, các bài khảo sát trên giấy của 5.377 học sinh ở 151 trường học trên toàn quốc cho kết quả khả quan, thậm chí tổng sắp các môn Đọc hiểu, Toán, Khoa học còn cao hơn năm 2015.
Thông tin mà Bộ GD-ĐT đưa ra trên cổng thông tin điện tử vào cuối giờ chiều ngày 4/12 cho biết: Đọc hiểu – lĩnh vực trọng tâm của chu kỳ 2018, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 19/65; chu kỳ 2015 đúng thứ 32/70). Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 17/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 22/70). Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 8/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 8/70).
Chương trình Đánh giá Học sinh quốc tế (PISA) là một cuộc khảo sát được thực hiện 3 năm một lần với học sinh 15 tuổi nhằm đánh giá mức độ kiến thức và kỹ năng mà các em có được để tham gia vào thị trường lao động.
Việc đánh giá này tập trung vào mức độ thành thục ở các môn Đọc hiểu, Toán, Khoa học và một lĩnh vực mang tính sáng tạo (năm 2018 là năng lực toàn cầu) cũng như mức độ hạnh phúc của học sinh.
Lý giải việc “thang đo quốc tế” lại “vắng mặt” tên Việt Nam, báo cáo cho biết của OECD cho biết:
“Vào thời điểm báo cáo được công bố, thành tích của học sinh Việt Nam so với các nước ở môn Đọc, Toán và Khoa học không được đảm bảo đầy đủ. Vì lý do này, OECD không báo cáo thứ hạng của Việt Nam với các quốc gia khác”, báo cáo nêu.
Trong khi đó, cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT giải thích lý do như sau:
Có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh. Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Bởi vì, ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu nên đến tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12/2019. Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Dù không công bố kết quả xếp hạng của Việt Nam, OCED vẫn công bố dữ liệu bảng hỏi.
Nơi tất cả học sinh đều có thể thành công
Hiệu trưởng các trường của Việt Nam khai báo về sự thiếu hụt giáo viên ngang bằng với mức thiếu hụt trung bình của OECD, nhưng việc thiếu cơ sở vật chất nhiều hơn mức trung bình của OECD. Giữa các trường có cơ sở vật chất tốt và những trường khó khăn, sự thiếu hụt giáo viên gần như là ngang nhau, không có sự khác biệt lớn.
Ở Việt Nam, có 19% học sinh ở trường có cơ sở vật chất kém và 18% học sinh ở trường có cơ sở vật chất tốt nói rằng việc thiếu giáo viên gây ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến chất lượng giảng dạy.
Theo các hiệu trưởng của Việt Nam, 92% giáo viên ở trường có cơ sở vật chất tốt và 100% giáo viên ở những trường có cơ sở vật chất chưa tốt đều có đủ bằng cấp phù hợp.
Môi trường học đường tác động thế nào tới đời sống học sinh?
Ở Việt Nam, 27% học sinh cho biết mình bị bắt nạt ít nhất vài lần/ tháng – so với con số trung bình của OECD là 23%. Đồng thời, 85% học sinh Việt Nam (so với 88% của OECD) đồng ý hoặc rất đồng ý rằng việc giúp đỡ những học sinh không có khả năng tự vệ là một việc làm tốt.
13% học sinh Việt Nam (so với 26% của OECD) cho biết, giáo viên thường phải đợi một lúc lâu để học sinh trật tự trong hầu hết các giờ học. Trung bình ở các quốc gia OECD, có 21% học sinh nghỉ học 1 ngày và 48% học sinh đến muộn trong vòng 2 tuần trước bài kiểm tra PISA. Ở Việt Nam, con số này là 6% và 45%.
Ở hầu hết các quốc gia và nền kinh tế, những học sinh thường xuyên bị bắt nạt sẽ có xu hướng nghỉ học nhiều hơn, trong khi những em thích môi trường kỷ luật của trường học, được bố mẹ động viên nhiều hơn sẽ có xu hướng bỏ học ít hơn.
87% học sinh Việt Nam (so với 74% của OECD) đồng ý hoặc rất đồng ý rằng giáo viên của họ yêu thích công việc giảng dạy.
Ở Việt Nam, 58% học sinh cho biết bạn bè chúng hợp tác với nhau trong học tập, 44% nói rằng chúng cạnh tranh nhau. Con số này của OECD là 62% và 50%.
13% học sinh Việt Nam (so với 16% của OECD) chia sẻ rằng chúng cảm thấy cô đơn khi ở trường.
Học sinh Việt Nam cảm thấy thế nào về cuộc sống và học tập?
Ở Việt Nam, 73% học sinh cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, 85% nói rằng đôi khi hoặc lúc nào cũng thấy vui. 13% nói rằng chúng luôn cảm thấy buồn.
79% học sinh đồng ý rằng mình thường tìm cách thoát khỏi tình huống khó khăn và 67% đồng ý rằng khi thất bại. Các em thường lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình. Mức trung bình của OECD ở 2 chỉ số này lần lượt là 84% và 56%.
Trong hầu hết các hệ thống giáo dục, trong đó có cả Việt Nam, các nữ sinh thường cảm thấy sợ thất bại nhiều hơn là nam sinh. Khoảng cách giới tính này càng lúc càng cách biệt đối với nhóm học sinh xuất sắc.
Hầu hết học sinh ở các nước OECD không đồng ý với quan điểm “Trí thông minh là thứ mà bạn không thể thay đổi được nhiều”, trong khi đó chỉ có 53% học sinh Việt Nam không đồng ý với điều này. Những người làm khảo sát cho rằng đây là cách đánh giá về tư duy phát triển.
Trong PISA 2018, Việt Nam không tham gia đánh giá về năng lực toàn cầu. Bài kiểm tra này cũng đánh giá về hiểu biết tài chính của học sinh và đó là chỉ số mà các nước có thể chọn tham gia hoặc không.
Có khoảng 600 nghìn học sinh đã hoàn thành bài kiểm tra PISA 2018, đại diện cho khoảng 32 triệu học sinh 15 tuổi ở các trường học của 79 quốc gia và nền kinh tế tham gia. Ở Việt Nam, có 5.377 học sinh của 151 trường học hoàn thành bài kiểm tra, đại diện cho 926.260 học sinh 15 tuổi (chiếm 70% trẻ em 15 tuổi trên cả nước).
Cách thức thực hiện bài kiểm tra PISA Bài kiểm tra được thực hiện trên máy tính ở hầu hết các nước trong thời gian 2 tiếng. Bài kiểm tra kết hợp cả câu hỏi tự luận và trắc nghiệm. Học sinh cũng phải trả lời một bảng câu hỏi về kiến thức nền tảng, mất khoảng 35 phút. Bảng câu hỏi này hỏi về bản thân học sinh, quan điểm, thái độ, niềm tin, gia đình, trường học và các trải nghiệm học tập khác của học sinh. Một số hiệu trưởng cũng hoàn thành bảng câu hỏi về việc quản lý, tổ chức trường học và môi trường học tập. Ở một số nước cần sử dụng thêm bảng câu hỏi bổ sung để gợi nhiều thông tin hơn, cụ thể bảng câu hỏi cho giáo viên – 19 nước, bảng câu hỏi cho phụ huynh – 17 nước. |
Nguồn: vietnamnet