Đối nghịch với nhiều người ‘hít không khí’ cũng tăng cân thì không ít người dù ‘ăn cả thế giới’, duy trì tập luyện thể dục thể thao vẫn gầy tong. Tại sao vậy?

Nhiều người dù ăn rất nhiều, với đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng rất khó tăng cân - Ảnh: X.MAI

Nhiều người dù ăn rất nhiều, với đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng rất khó tăng cân 

Áp lực tăng ký

Từ nhỏ đến nay, chị N.T.Đ. (27 tuổi) vẫn “duy trì” thân hình gầy ốm dù đã cố gắng ăn nhiều hơn. Hiện chị Đ. cao 1,65m, nhưng cân nặng khiêm tốn với 42kg khiến thân hình chị lại càng ốm hơn.

Chị Đ. chia sẻ những lời nhận xét liên quan đến thân hình gầy ốm của bản thân từ mọi người xung quanh nhiều không xuể, nhất là những người sau thời gian dài gặp lại, người thân trong gia đình trong dịp lễ Tết về quê.

“Tôi cũng biết mọi người nói vậy là quan tâm, mong tôi tăng ký nhưng có khi là áp lực khi bản thân biết rõ điều này và đã cố gắng nhiều cách để tăng cân, thân hình cân đối hơn chứ”, chị Đ. tâm sự và cho biết từng đi khám bệnh và được bác sĩ cho hay là do cơ thể khó chuyển hóa năng lượng thành cân nặng và hay căng thẳng.

Chị B.X. (ngụ TP.HCM) cũng gặp áp lực chuyện ăn hoài không tăng cân của đứa con trai 5 tuổi. Hiện bé nặng 16kg, cao 1,1m, lười ăn nhưng nếu cố gắng thì cũng ăn hết khẩu phần ăn mỗi bữa. Bên cạnh tăng cường dinh dưỡng, gia đình chị X. còn cho con tham gia các bộ môn thể dục nhưng cân nặng của con vẫn không cải thiện.

Không chỉ dinh dưỡng mà còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng thể trạng, cân nặng mỗi người - Ảnh: X.MAI

Không chỉ dinh dưỡng mà còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng thể trạng, cân nặng mỗi người 

Nhiều yếu tố, không chỉ dinh dưỡng

Giải thích lý do vì sao nhiều người dù ăn nhiều nhưng không tăng cân, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – cho hay mỗi người có thể trạng và chuyển hóa cơ bản trong cơ thể khác nhau. Nếu chuyển hóa cơ bản cao thì cơ thể sẽ tiêu hao năng lượng cao, từ đó khó tăng cân. Ngược lại, những người có chuyển hóa cơ bản thấp thì dễ tăng cân.

Bên cạnh đó, nguyên nhân không tăng cân còn phụ thuộc vào giấc ngủ, trạng thái tinh thần. Người ngủ không đủ giấc, giấc ngủ không sâu, không đạt chất lượng, thường xuyên căng thẳng, suy nghĩ nhiều, stress… thì rất khó tăng cân dù có cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

“Không chỉ dinh dưỡng, mà còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng thể trạng, cân nặng mỗi người. Người bị stress, ngủ không ngon trong một thời gan dài sẽ rất khó tăng cân. Còn những người ăn ngon, ngủ ngon, không quá lo âu, căng thẳng thì dễ tăng cân hơn”, bác sĩ Minh Hạnh nói.

Đối với trẻ em, giấc ngủ ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của trẻ. Giấc ngủ không tốt khiến trẻ khó tăng cân, gầy ốm và còn chậm tăng chiều cao. Ngoài ra, trẻ bị các vấn đề về kém tiêu hóa, hấp thu hoặc hay bị ốm tái đi tái lại cũng dẫn đến khó tăng cân.

Khi loại trừ những nguyên nhân nêu trên, nghĩa là trẻ khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, tiêu hóa, hấp thu tốt, ngủ ngon mà vẫn chậm tăng cân thì có thể do chế độ ăn chưa đủ cho nhu cầu tăng cao vì tăng chuyển hóa cơ bản hoặc do trẻ quá năng động.

“Phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân cụ thể và lời khuyên thích hợp”, TS.BS Minh Hạnh khuyến cáo.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ăn nhiều vẫn gầydinh dưỡngngười gầy

Các tin liên quan đến bài viết