Các ứng viên “trượt” chức danh giáo sư, phó giáo sư cho rằng việc xét duyệt chưa thoả đáng, trong khi văn phòng Hội đồng khẳng định có lý do chính đáng.

Sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2019, xuất hiện thông tin một nhóm nhà khoa học trẻ đã gửi thư lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự “ấm ức” với những đánh giá của hội đồng xét duyệt.

Theo đó, một số ứng viên có lý lịch khoa học sáng giá với nhiều công trình được công bố quốc tế và có bằng phát minh sáng chế; thậm chí, có người với lý lịch gần 60 bài báo quốc tế nhưng vẫn bị loại khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận GS, PGS năm nay.

Điều này đã khiến các ứng viên cảm thấy vô cùng hoang mang, thất vọng và mong muốn được giải thích rõ lý do bị “đánh trượt”.

Trượt vì thiếu tiêu chuẩn “cứng”

Trao đổi với báo chí chiều ngày 18/11, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước thông tin, việc 7 ứng viên giáo sư, 9 ứng viên phó giáo sư – dù được hội đồng ngành/liên ngành thông qua nhưng đến vòng xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn bị “đánh trượt” – là do các ứng viên thiếu tiêu chuẩn cứng.

Bởi lẽ, theo quy định mới (Quyết định 37), việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải dựa trên 5 tiêu chuẩn “cứng” là có công bố quốc tế; có hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia đề tài nghiên cứu khoa học; thâm niên đào tạo và chủ trì biên soạn sách đào tạo (không bắt buộc với ứng viên phó giáo sư).

Tại sao 16 ứng viên bị 'trượt' giáo sư, phó giáo sư?

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước

Cụ thể, về tiêu chuẩn có công bố quốc tế, ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của 2 bài báo quốc tế, còn ứng viên giáo sư phải công bố 3 bài báo quốc tế trên ISI, Scopus hoặc tạp chí quốc tế uy tín của ngành với vai trò tác giả chính.

Về tiêu chuẩn hướng dẫn, ứng viên phó giáo sư phải hướng dẫn chính 2 thạc sĩ đã bảo vệ thành công, còn ứng viên giáo sư phải hướng dẫn 2 tiến sĩ bảo vệ thành công. Mốc để quy định là trước 5/7/2019.

Về tiêu chuẩn tham gia đề tài nghiên cứu khoa học, đối với ứng viên phó giáo sư phải chủ trì 2 đề tài cấp cơ sở, trong khi ứng viên giáo sư phải chủ trì ít nhất 2 đề tài khoa học cấp Bộ trở lên.

Tiêu chuẩn về sách dù không bắt buộc đối với ứng viên phó giáo sư nhưng vẫn sẽ được tính điểm nếu ứng viên có tham gia viết sách; còn ứng viên giáo sư bắt buộc phải chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo.

Về tiêu chuẩn thâm niên, ứng viên giáo sư phải có đủ 3 năm được bổ nhiệm phó giáo sư hoặc phải có bằng tiến sĩ 3 năm trở lên đối với ứng viên phó giáo sư.

Những tiêu chuẩn này được đánh giá có phần khắt khe hơn so với quyết định 174 trước đó. Vì vậy, khi hội đồng họp, cả 32/32 thành viên của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã thảo luận và đi đến thống nhất, ứng viên có thể “bù thay thế các tiêu chuẩn nếu thiếu”. Tuy nhiên, nếu ứng viên thiếu toàn bộ một hay nhiều tiêu chuẩn nào đó thì sẽ bị đánh trượt.

Trong số 7 ứng viên “trượt” giáo sư có 2 ứng viên ngành cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành kinh tế, 2 ứng viên ngành vật lý và 2 ứng viên ngành y.

Theo ông Tuấn, có tới 6/7 ứng viên khi hội đồng xem xét điều kiện “cứng” của quy định 37 thì thấy không đạt nên đã không đưa vào danh sách bỏ phiếu.

6 ứng viên này đều thiếu hoàn toàn tiêu chuẩn hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh (đã được cấp bằng tiến sĩ cho đến thời điểm xét). Thậm chí, một số ứng viên còn thiếu các tiêu chuẩn khác như không chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo. Theo quy định, dù ứng viên có thể viết nhiều sách nhưng không là chủ biên mà chỉ tham gia thì cũng không được tính.

Với 6 trường hợp này, 100% thành viên hội đồng đều đồng ý không đưa vào danh sách bỏ phiếu.

Trường hợp ứng viên còn lại “trượt” giáo sư, theo ông Tuấn là do không đủ số phiếu bầu của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Ứng viên này thuộc ngành Vật lý, làm hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư vào năm 2017 và được công nhận năm 2018. Đến năm 2019, ứng viên này tiếp tục nộp hồ sơ xét giáo sư.

Xét theo tiêu chuẩn thâm niên, ứng viên không đủ thời gian do cần phải có 3 năm được bổ nhiệm phó giáo sư. Tuy nhiên, ứng viên vẫn có thể bù thay thế bằng các tiêu chuẩn khác nên đã đủ tiêu chuẩn để được đưa vào danh sách bỏ phiếu.

Trong khoảng thời gian từ khi công nhận phó giáo sư đến lúc nộp hồ sơ xét giáo sư, ứng viên này chỉ công bố được 8 bài báo (2 bài trong nước, 6 bài quốc tế), trong khi lại thiếu chỉ tiêu hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.

“Vì thiếu hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh nên ứng viên phải bù thay thế bằng 3 bài báo công bố tạp chí quốc tế uy tín. Như vậy ứng viên chỉ còn 2 bài báo trong nước và 3 bài báo quốc tế. Số lượng này quá ít kéo chỉ số xuống thấp nên không thuyết phục được hội đồng nhà nước”, ông Tuấn nói.

Còn đối với 9 ứng viên “trượt” phó giáo sư, theo lý giải của ông Tuấn, tất cả đều trượt do hoàn toàn không có hướng dẫn học viên cao học.

Ông Tuấn nhấn mạnh, các chức danh giáo sư và phó giáo sư là chức danh của nhà giáo, do đó ứng việc phải thực hiện song song cả 2 nghĩa vụ nghiên cứu và đào tạo.

Nếu không chú trọng đánh giá đầy đủ  cả hai thì sẽ có những trường hợp chỉ chú trọng vào việc sản xuất bài báo; trong khi đó, nghĩa vụ giảng dạy của giáo sư phải được thể hiện qua việc hình thành nhóm nghiên cứu, qua nghiên cứu sinh, người tiếp bước hướng nghiên cứu đó.

Không có chuyện “đánh trượt” mà không giải thích

Ông Trần Anh Tuấn khẳng định, không có chuyện ứng viên đánh trượt mà không giải thích.

“Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ trực tiếp giải thích cho các ứng viên trượt lý do vì sao họ không được xét tại hội đồng nhà nước”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, văn phòng chưa nhận được bất kỳ thắc mắc trực tiếp nào, cũng như chưa thấy Bộ GD-ĐT hay Văn phòng Chính phủ chuyển đến bức “tâm thư” của các nhà khoa học trẻ.

Theo ông, năm nay vì tập trung vào việc nâng cao chất lượng ứng viên nên các hội đồng được phép áp dụng việc “bù thay thế”, vận dụng theo hướng chặt hơn để nâng cao chất lượng. Trong quá trình xét, do có những tranh cãi xung quanh nội dung quyết định 37 nên một số hội đồng ngành/liên ngành đã xét trên tinh thần “vận dụng”. Nhưng trước phiên họp lần 3 của Hội đồng Giáo sư nhà nước, Bộ GD-ĐT nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu  thực hiện theo đúng quyết định 37.

Việc xét công nhận tuân thủ theo các nguyên tắc áp dụng nghiêm những tiêu chuẩn cứng và áp dụng quyết định 37 theo hướng nâng cao những “tiêu chuẩn được bù thay thế về nhiệm vụ đào tạo”.

“Hội đồng cũng ngồi rà từng hồ sơ, phân tích từng trường hợp cụ thể và biểu quyết từng ứng viên xem có đủ điều kiện được đưa vào danh sách bỏ phiếu hay không. Mọi thứ đều đảm bảo được làm chặt chẽ và minh bạch”, ông Tuấn khẳng định.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giáo sưhội đồng chức danhphó giáo sư

Các tin liên quan đến bài viết