Việc thi hành án tài sản trong vụ án ông Đinh La Thăng đang gặp nhiều khó khăn, chỉ mới thu hồi 20,521 tỷ đồng, vẫn còn hơn 900 tỷ đồng chưa thu hồi được.

Tại họp báo quý 3 của Bộ Tư pháp chiều nay, liên quan đến việc thu hồi tài sản trong các đại án vừa qua, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, việc thi hành án tài sản trong các đại án là nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án đặc biệt quan tâm.

Tài sản vụ ông Đinh La Thăng: Còn hơn 900 tỷ chưa thu hồi
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực

Tất cả đại án ngay trong quá trình xét xử Bộ đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương bám sát theo dõi diễn biến xét xử, chuẩn bị xây dựng kế hoạch về nguồn lực, nhân lực để tiếp nhận bản án, nguồn tài liệu có liên quan, tang vật do cơ quan toà án, điều tra bàn giao để xây dựng kế hoạch cụ thể.

Sau khi bản án có hiệu lực, Tổng cục chỉ đạo các cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tiếp nhận bản án, tài liệu, tang vật vì những vụ việc này rất phức tạp, tài liệu rất nhiều.

Thời gian qua, Tổng cục đã tiếp nhận và thi hành một cách khẩn trương, kịp thời các vụ việc.

Còn hơn 800 tỷ đồng phải thu hồi và 17.567 cổ phiếu phải xử lý

Đối với vụ ông Đinh La Thăng, theo bản án, tiền án phí là 1,433 tỷ đồng, tiền bồi thường của ông Thăng và 5 người khác cho PVN là 820,125 tỷ đồng.

“Kết quả đã thu được 521 triệu đồng tiền án phí, 20 tỷ tiền bồi thường. Như vậy số tiền phải thi hành án còn lại: tiền án phí 912 triệu đồng và 800,125 tỷ đồng tiền bồi thường. Vụ việc này đang gặp nhiều khó khăn trong thi hành án”, ông Lực nói.

Ông Lực cũng thông tin thêm, cơ quan điều tra đã kê biên 17.567 cổ phiếu và cơ quan thi hành án đang tìm hướng xử lý, đồng thời đang truy tìm các tài sản khác, xác minh các điều kiện thi hành án.

Đối với vụ Hà Văn Thắm, theo bản án, tiền án phí và truy nộp sung công quỹ nhà nước là 71,565 tỷ đồng, trả cho OceanBank và các cá nhân khác 84,129 tỷ đồng…

“Kết quả đến nay đã thu án phí và truy nộp sung công quỹ nhà nước là 594 triệu; trả  OceanBank và các cá nhân khác 84,129 triệu; bồi thường cho OceanBank 24,937 tỷ đồng. Số tiền còn lại phải thi hành án còn khá lớn”, ông Lực nói.

Ngoài ra, tài sản các cơ quan điều tra đã kê biên gồm 5 bất động sản và nhiều cổ phiếu, cơ quan thi hành án đang có kế hoạch khẩn trương xử lý các khó khăn vướng mắc.

Vụ Châu Thị Thu Nga, tiền án phí là 53 triệu, bồi thường cho tổ chức cá nhân 358,810 tỷ. Hiện đã thu 4,418 tỷ đồng bồi thường cho các cá nhân, xử lý 1 xe ô tô thu 605 triệu đồng.

Hàng loạt khó khăn

Ông Lực nêu hàng loạt khó khăn trong công tác thi hành án tài sản các đại án.

Đó là các vụ việc này có số tiền phải thi hành án rất lớn, trong khi tài sản cơ quan điều tra thu giữ hoặc kê biên trong quá trình điều tra không đủ thi hành án.

Cơ quan thi hành án phải xác minh rất khó khăn. Bởi hầu hết các đối tượng này không còn tài sản trực tiếp đứng tên.

Ngoài ra, tài sản thường nằm nhiều địa phương khác nhau, trong khi theo quy định thì phải thi hành án xong tại địa phương ra bản án rồi mới tiếp tục thi hành ở các địa phương khác. Như vụ Giang Kim Đạt, tài sản rất nhiều nơi nhưng phải xử xong tài sản ở Hà Nội rồi mới làm đến các tỉnh khác.

Điểm khó nữa là tài sản thu hồi có cả cổ phiếu, liên quan đến chứng khoán cần có cơ quan chuyên môn tham gia và phải có thời gian.

Việc xử lý tài sản chung của vợ chồng, yêu cầu cơ quan thi hành án phải trả lại ½ tài sản cho vợ hoặc chồng, trong khi quá trình điều tra chưa các định tài sản này là của vợ hay chồng.

Hơn nữa, khi xử lý tài sản phát sinh tranh chấp, các hợp đồng mua bán chuyển nhượng chưa rõ ràng, có một số tranh chấp yêu cầu phải giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đinh la thăngtài sảnthi hành án

Các tin liên quan đến bài viết