Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.
Mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất (GTSX) bình quân hàng năm ngành trồng trọt từ 2,5 – 3%, chăn nuôi từ 4 – 5%; chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu tỷ lệ sử dụng giống xác nhận hoặc tương đương đối với cây trồng đạt trên 70%; đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai đạt 70%; đối với lợn và gia cầm, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt khoảng 90%.
Đến năm 2020, diện tích cây trồng áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được cấp chứng nhận đạt từ 25 – 30 ngàn ha, diện tích cây trồng được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm từ 400 – 500 ngàn ha; số lượng lợn chăn nuôi theo quy trình VietGAP đạt 5%, gà đạt 15%.
Mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 2.000 hợp tác xã thành lập mới và tổ chức lại 90% hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012. Củng cố, tu bổ khoảng 650 km đê biển và 550 km đê sông; chủ động phòng chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn 1.150 hồ chứa nước vừa và nhỏ; đáp ứng đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu thiết yếu cho dân cư trên 12 đảo lớn, có đông dân cư sinh sống.
Bên cạnh đó, ổn định đời sống cho 11.500 hộ tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng; các hộ sau tái định cư công trình thủy lợi, thủy điện.
Tổng mức vốn thực hiện chương trình là 306.660 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương cho chương trình 22.460 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 21.900 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 560 tỷ đồng; vốn ODA là 14.200 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 270.000 tỷ đồng.
Trong Quyết định số 923, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương; đề xuất xây dựng và triển khai các dự án của địa phương thực hiện chương trình.
UBND các tỉnh, thành phố xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trung hạn và hàng năm của địa phương; gửi chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan. Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc chương trình do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo chủ Chương trình tiến độ thực hiện chương trình tại địa phương; tổ chức sơ kết và tổng kết chương trình ở địa phương theo quy định./.
TT.THCB

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24hTin tức Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết