Bản Tân Hương thuộc địa phận xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An có một con suối “mọc” lên từ dưới lòng đất, mát lạnh về mùa hè, ấm nóng về mùa đông.
Huyện Con Cuông nằm cách trung tâm TP Vinh (tỉnh Nghệ An) khoảng 125km về phía Tây. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng đẹp hoang sơ nhưng vô cùng đặc sắc. Một trong số đó là suối nước Mọc thu hút hàng chục nghìn du khách ghé thăm.
Khác với những dòng suối thông thường, nước ở đây suối Mọc luôn mát dịu vào mùa hè. Còn vào mùa đông giá rét, thiên nhiên ở đây lại ban tặng cho dòng suối một điều kỳ diệu, nước ở đây trở nên ấm áp vô cùng trong những ngày lạnh giá.
Người dân ở đây thường gọi con suối này này là suối nước Mọc, còn người Thái ở địa phương gọi là Tạ Bó (suối nóng lạnh).
Suối nước Mọc còn có một đặc điểm lạ, bất kể trời mưa to hay hạn hán kéo dài, mức nước ở đây vẫn không thay đổi và mặt nước luôn trong xanh.
Dòng suối trong xanh được bao bọc bởi dãy núi xung quanh.
Bao quanh dòng suối là một rừng cây cổ thụ và những tảng đá rêu phong tạo thành các bậc lên xuống, vừa thuận lợi cho người tắm suối, vừa tạo nên vẻ hoang sơ, thơ mộng.
Do sự kỳ bí của suối Nước Mọc nên có nhiều truyền thuyết dân gian xung quanh dòng suối này. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở huyện Con Cuông có động Đào Nguyên nằm sát dòng sông Lam. Ngọc Hoàng thường cho các nàng tiên nữ giáng trần xuống động Đào Nguyên để gặp gỡ những chàng trai tài giỏi ở chốn trần gian. Ngọc Hoàng đã tạo một giếng tiên ở nơi kín đáo này để các nàng tiên hàng ngày đến tắm gội trước khi đến gặp các chàng trai.
Cũng có chuyện rằng, ngày xưa có một cô tiên đi du ngoạn qua đây, thấy suối đẹp nên xuống tắm. Vì thế suối Nước Mọc còn có tên gọi là Rốn cô Tiên.
Theo lời người dân nơi đây, những người con gái Thái nếu thường tắm suối nước Mọc thì da sẽ rất trắng. Nguồn nước nơi đây còn được người dân hàng ngày về sử dụng. Nhờ uống nước Mọc mà da dẻ hồng hào, cơ thể khỏe mạnh, nhiều người tuổi cao vẫn gùi bó lúa băng rừng.