Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 và Hội thảo khoa học chuyên đề “Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng; Giáo sư Ngô Bảo Châu, các thành viên Hội đồng khoa học, lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, một số chuyên gia, nhà khoa học và đại diện nhóm chuyên gia của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học là gỡ bỏ các nút thắt phát triển đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học.

Quá trình sửa đổi, bổ sung sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật Giáo dục đại học hiện hành để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, tập trung vào những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo yêu cầu “sửa đổi, bổ sung một số điều chứ không phải sửa đổi, bổ sung để thay thế Luật Giáo dục đại học hiện hành”.

Để đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả của Luật Giáo dục đại học sẽ lựa chọn sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vấn đề/nút thắt thực hiện đổi mới giáo dục đại học, thực hiện tốt tự chủ đại học, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển giáo dục đại học.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đi vào cuộc sống ngay sau khi Luật được Quốc hội ban hành. Thực thi Luật Giáo dục đại học mới phải tạo được môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, là khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội, kiến tạo nền kinh tế tri thức cho đất nước.

Luật Giáo dục đại học được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành việc thực hiện trong 5 năm qua, nhận diện rõ vướng mắc từ thực tế để sửa đổi, bổ sung; đánh giá tác động của các nội dung sửa đổi, bổ sung đối với thực tiễn. Cần xuất phát từ hoạt động của thị trường lao động (bậc cao), nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội để xem xét các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung trong các điều của Luật Giáo dục đại học.

Vì Luật giáo dục đại học là cụ thể hóa các nội dung cơ bản về giáo dục đại học trong Luật Giáo dục nên các nội dung của Luật Giáo dục đại học sẽ phải phù hợp với Luật Giáo dục và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành để đảm bảo khi Quốc hội ban hành thì thực thi ngay được.

Ngoài ra, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật cũng cần có tính đổi mới, hội nhập quốc tế. Đổi mới trong nhận thức, tư duy quản lý và phương thức quản trị giáo dục đại học, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự sáng tạo cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của các nước tiên tiến trên thế giới để phát triển giáo dục đại học Việt Nam hướng tới chuẩn mực của giáo dục đại học trên thế giới.

Nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học sẽ bao gồm 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua như sau: Nhóm chính sách 1: Tự chủ đại học; Nhóm chính sách 2: Quản trị đại học; Nhóm chính sách 3: Quản lý đào tạo; Nhóm chính sách 4: Quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Mặc dù 04 nhóm chính sách nêu trên đã bao trùm hầu hết các điều trong Luật Giáo dục đại học hiện hành; tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, nếu phát hiện cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết khác ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua, cần lồng ghép vào 04 nhóm chính sách nêu trên hoặc bổ sung chính sách mới.

Yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học lần này là phải đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình và thời gian trình dự án Luật theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phải đảm bảo về chất lượng nhằm tạo ra sự đột phá, khởi sắc trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam./.

Nguồn dangcongsan.vn

Từ khóa : Chương trình xây dựng luậtgiáo dụcLuật giáo dụcthanh niênthiều niênvăn hóa

Các tin liên quan đến bài viết