Hai vắc xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống đã được WHO phê duyệt. 

Các quốc gia đang triển khai tiêm 17 loại vắc xin Covid-19, trong đó có 7 loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, theo thứ tự: Pfizer, AstraZeneca, vắc xin của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Johnson&Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovac.

Trong đó 2 vắc xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống (vắc xin sống giảm độc lực) để kích thích hệ miễn dịch giống như các vắc xin sởi, quai bị, rubella, cúm…

Sự thật về chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Ảnh

Trung Quốc đã phân phối hơn 2 tỉ liều vắc xin

Đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã phê duyệt 7 loại vắc xin ngừa Covid-19 nội địa, trong đó 2 vắc xin Sinopharm, Sinovac phổ biến nhất. Tính đến 30/7, Trung Quốc đã tiêm được 1,64 tỉ liều vắc xin Covid-19 trên tổng số hơn 4 tỉ liều được tiêm trên toàn thế giới. Tuy nhiên số liệu không cung cấp chi tiết tỉ lệ từng loại vắc xin được tiêm.

Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp vắc xin cho 4 khu vực trên thế giới, bao gồm 103 quốc gia với tổng 903 triệu liều vắc xin Sinopharm, Sinovac đã được bán ra. Quốc gia 1,4 tỉ dân này cũng đã tài trợ 32 triệu liều vắc xin cho các nước.

Châu Á Thái Bình Dương nhận được số lượng vắc xin Trung Quốc nhiều nhất, với 38 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ từ Trung Quốc. Mỹ Latinh nhận được số lượng vắc xin Trung Quốc nhiều thứ hai (19 quốc gia).

Châu Phi có tới 33 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ vắc xin từ Trung Quốc nhưng tổng số lượng chỉ đứng thứ 3.

Sinovac đã bán được 556 triệu liều cho 42 quốc gia, trong đó Indonesia, Brazil và Chile là những khách hàng lớn nhất, đã mua lần lượt 125 triệu, 100 triệu và 60 triệu liều.

Trong khi đó, Sinopharm đóng góp chính cho nguồn vắc xin tài trợ của Trung Quốc tới 72 quốc gia với tổng 32 triệu liều.

Sinopharm đã tiến hành thử nghiệm ở các nước bao gồm UAE, Ai Cập và Maroc. Các quốc gia này đã mua 18 triệu, 20 triệu và 18 triệu liều vắc xin của Sinopharm.

Wei Sheng, Giáo sư tại Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung (Trung Quốc), chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) hôm 21/6 rằng, kết quả của các thử nghiệm mới nhất cho thấy, vắc xin Sinovac cũng như nhiều vắc xin khác của Trung Quốc vẫn có hiệu quả với biến chủng Delta.

Vị giáo sư dẫn kết quả thực tế tại Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông cho thấy, nguy cơ mắc bệnh nặng ở những người tiêm vắc xin đã giảm đáng kể so với những người chưa được tiêm chủng.

Đánh giá của WHO về 2 vắc xin của Trung Quốc

Ngày 7/5, vắc xin Sinopharm được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Vắc xin này được sản xuất bởi Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh, công ty con của Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG).

Quyết định phê chuẩn vắc xin Sinopharm được WHO đưa ra sau khi nhóm cố vấn của tổ chức này bắt đầu đánh giá thông tin lâm sàng và quy trình sản xuất vắc xin của hãng dược Trung Quốc từ ngày 26/4. Các dữ liệu về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả cũng được đánh giá đầy đủ bởi các chuyên gia độc lập và các nhóm của WHO.

Ngoài ra WHO cũng yêu cầu công ty dược Trung Quốc tiếp tục bổ sung các dữ liệu từ các thử nghiệm để đảm bảo vắc xin đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết về chất lượng, an toàn, hiệu quả cũng như kế hoạch quản lý rủi ro.

Thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở nhiều quốc gia cho thấy, tiêm đủ 2 liều vắc xin Sinopharm cách nhau 3-4 tuần có hiệu quả chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%, giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không có triệu chứng. Tác dụng phát huy 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2. Hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nhập viện là 79%.

Sự thật về chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Ảnh

Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc hiện là một trong những vắc xin ngừa Covid-19 phổ biến nhất thế giới.

Dù vậy, dữ liệu về độ an toàn của vắc xin với những người trên 60 tuổi không có nhiều do tỷ lệ người tham gia thử nghiệm ở nhóm tuổi này thấp.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chính thức phê duyệt khẩn cấp vắc xin Sinopharm vào ngày 3/6.

Theo Bộ Y tế, vắc xin Sinopharm bắt đầu được nghiên cứu từ tháng 2/2020. Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020 vắc xin này đã được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn tiến hành thử nghiệm trên người.

Ngày 23/6/2020, vắc xin bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại UAE, Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.

Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vắc xin Covid-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.

Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vắc xin này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.

Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vắc xin đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.

Trung Quốc cho biết, có thể sản xuất 3 tỉ liều vắc xin Sinopharm mỗi năm.

So với nhiều vắc xin ngừa Covid-19 hiện hành, Sinopharm có thời hạn sử dụng lên tới 2 năm, bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, trên lọ có nhãn nhỏ thay đổi màu sắc khi vắc xin tiếp xúc với nhiệt độ.

Với vắc xin Sinovac, sau quá trình xem xét, đánh giá, ngày 1/6 WHO chính thức cấp phép, đưa Sinovac vào danh sách vắc xin Covid-19 sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

WHO tuyên bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 ở Brazil cho thấy với 2 liều (tiêm cách nhau 14 ngày), Sinovac có hiệu quả ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% những người được tiêm chủng và ngăn ngừa 100% các trường hợp tiến triển nặng cũng như nhập viện ở bệnh nhân tham gia thử nghiệm sau 14 ngày nhận liều thứ hai.

Trong một nghiên cứu quan sát, WHO cho biết hiệu quả ước tính của Sinovac trên nhóm nhân viên y tế ở Manaus, Brazil (nơi biến thể P1 chiếm tới 75%) cho thấy vắc xin có hiệu quả 49,6% đối với các trường hợp có triệu chứng. Tại Brazil, ước tính hiệu quả vắc xin cũng đạt 49,6% sau tiêm mũi 1 và nâng lên 50,7% sau 2 tuần tiêm mũi 2.

Thực tế, không có vắc xin nào đảm bảo an toàn và hiệu quả 100%. Theo tiêu chuẩn của WHO, vắc xin có hiệu quả trên 50% đã có thể sử dụng.

Trong đại dịch Covid-19, một trong những hiệu quả đáng quan tâm của vắc xin là ngăn ngừa bệnh trở nặng và làm giảm mức độ lây lan sau tiêm.

Dù vậy liên quan đến vắc xin Covid-19 Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng dữ liệu chưa được cung cấp đầy đủ.

Vào ngày 1/6, tờ South China Morning Post đưa ra 2 “bài học” liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc đó là về việc xây dựng kỳ vọng quá mức vào vắc xin và tính minh bạch trong nghiên cứu, sản xuất.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Phối hợp vắc xin COVID-19vắc xin covid-19

Các tin liên quan đến bài viết