Vững như mái nhà dài, trải qua mưa nắng, giông tố lại càng mạnh mẽ! Những già làng, người có uy tín là kho tri thức uyên thâm, là chỗ dựa tinh thần trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS). Họ là cánh tay nối dài giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội với đồng bào trong vùng DTTS. 94 già làng, 368 người có uy tín trong năm 2020 là những cây đại thụ của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Họ dù là nông dân, cán bộ cấp xã hay đã nghỉ hưu vẫn luôn phát huy vai trò, sức mạnh nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong xây dựng phát triển, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của đồng bào DTTS ở cơ sở.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi tặng quà tết già làng ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh – Ảnh: Minh Luận

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Căn nhà dài của ông Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng là kiến trúc đặc biệt của đồng bào S’tiêng, đã trải qua hơn 100 mùa mưa nắng. Dù xuyên qua 2 thế kỷ nhưng được sự gìn giữ của già làng Điểu Đố và cộng đồng, căn nhà vẫn sừng sững giữa đất trời.

“Già làng, người có uy tín là trụ cột trong cộng đồng các DTTS. Họ gương mẫu, có khả năng tác động, tập hợp đồng bào DTTS, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng. Vì vậy, uy tín của họ được cộng đồng các DTTS tôn vinh. Họ còn là nơi để đồng bào các DTTS tín nhiệm bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến, trao đổi và cung cấp các thông tin về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và thôn, sóc.”
Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Đặc biệt, trong căn nhà ấy có một kho tàng đồ sộ về văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng. Đó là hệ thống lu, ché, tố với đủ hoa văn đặc sắc, đại diện quyền lực trong cộng đồng DTTS. Những chiếc sừng trâu trải qua nhiều mùa lễ hội vẫn hiện hữu, đại diện cho nền văn hóa nông nghiệp của đồng bào. Đó cũng là những vật dụng sinh hoạt, lao động đã được gìn giữ qua bao thế hệ mà không bị mai một giữa nhịp sống hối hả của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, để đúc kết, tổng hợp tất cả tinh hoa của văn hóa S’tiêng thì không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Và việc ra đời của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo dưới sự trợ giúp đắc lực của đội ngũ già làng, người có uy tín, am hiểu tận tường các phong tục, tập quán của dân tộc mình, tiêu biểu như già làng Điểu Đố chính là một sự nỗ lực đi đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bình Phước trong lưu giữ nền văn hóa các dân tộc. Hơn ai hết, các già làng hiểu những giá trị đặc trưng ấy trong thời đại mới và càng nỗ lực bảo tồn.

Am hiểu sâu sắc các phong tục, tập quán dân tộc và hiểu rõ việc xây dựng, phát triển văn hóa trong thời đại ngày nay, già làng, người có uy tín thường xuyên vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đồng thời, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Năm 2017, Ủy ban Dân tộc tổ chức “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu toàn quốc các DTTS lần thứ nhất năm 2017” và 4 người có uy tín của Bình Phước tham gia. Tại lễ tuyên dương, 1 người được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 3 người được Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen. Năm 2018, một người có uy tín được tuyên dương trong chương trình “Điểm tựa bản làng”; năm 2019 có 1 già làng được tuyên dương tại Đại hội già làng khu vực Tây nguyên.

Hiện nay, trong cộng đồng các DTTS ở Bình Phước, những phong tục lạc hậu dần được xóa bỏ như tục đâm trâu trả của, các hoạt động cúng bái mê tín dị đoan khi gia đình có người ốm đau, hủ tục trong tang ma, cưới hỏi, sinh đẻ… Các lễ hội phá bàu, mừng lúa mới, nghề dệt thổ cẩm, các món ăn đặc trưng… được khôi phục. Già làng, người có uy tín còn tích cực vận động đồng bào giữ vững truyền thống văn hóa gia đình, thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống…

Sóc Bom Bo nay được Nhà nước quan tâm xây dựng, có khu bảo tồn, có làng nghề từ dệt, rèn, nấu rượu cần… Nhà nước đã quan tâm, đầu tư rồi, chúng tôi không lo sợ giá trị văn hóa dân tộc mình bị mai một nữa. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cũng cần đào tạo lớp trẻ có niềm đam mê hơn với phong trào văn hóa văn nghệ của dân tộc.
Già làng Điểu Lên, thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Già làng đi trước…

Hơn 15 năm định cư, phát triển kinh tế ở thôn 5 – thôn có hơn 65% số dân là đồng bào DTTS ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, ông Hà Văn Hợp không chỉ tiên phong trong các phong trào văn hóa, xã hội của thôn mà còn tích cực phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. Ông không chỉ là người được tín nhiệm, có uy tín trong vùng mà còn là Trưởng thôn năng nổ. Ông Hợp chia sẻ: Khi được nhân dân tín nhiệm làm người có uy tín trong vùng, bản thân mình phải gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động của thôn, xóm như đóng góp tiền, ngày công để chung sức kéo điện, làm đường giao thông nông thôn hay phát triển các mô hình kinh tế. Khi mình làm được rồi, đi tuyên truyền các chủ trương, chính sách dễ dàng hơn. Tôi cũng thường xuyên động viên đồng bào nghèo tự lực vươn lên để ổn định kinh tế gia đình.

“Tôi vận động đồng bào mình xóa bỏ hủ tục, phải tiết kiệm để phát triển kinh tế. Hiện bà con trong thôn đã xóa bỏ hủ tục được 70-80%. Tôi cũng phải đi đầu trong phát triển kinh tế như: áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng tiêu, cao su, điều… Thấy tôi làm được, năng suất cao thì bà con cũng làm theo”.
Ông Điểu Mun, thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Bù Nga (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) là thôn biên giới có hơn 80% đồng bào M’nông di cư tự do từ tỉnh Đắk Nông sang. Nhiều năm về trước, an ninh ở đây luôn là vấn đề trăn trở của chính quyền xã. Từ khi ông Điểu Mun làm Bí thư chi bộ đồng thời là người có uy tín, các vấn đề tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; những vụ việc cầm cố, sang nhượng, bán điều non trong đồng bào DTTS giảm hẳn. Đặc biệt, từ khi ông đứng ra nhận giao khoán bảo vệ hơn 2.000 ha rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập vừa góp sức giữ vững tài sản quốc gia, ổn định biên giới vừa giúp nhiều đồng bào nghèo có công việc ổn định, nâng cao đời sống.

Điểm tựa của mọi điểm tựa

Già làng, người có uy tín là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước đến vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Họ có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động trực tiếp đến đồng bào DTTS. Bằng uy tín, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tự vươn lên làm giàu của mình, họ đã tác động tích cực vào giáo dục gia đình, dòng họ, cộng đồng noi gương và làm theo. Đa số người có uy tín được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhân dân đánh giá cao và giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của đồng bào các DTTS.

Các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào S’tiêng được già làng Điểu Đố, sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng gìn giữ trong ngôi nhà dài đã hơn 100 năm tuổi

Ở một tỉnh biên giới, có tới 41 dân tộc anh em chung sống như Bình Phước, những già làng chính là cây cao bóng cả, xứng đáng là điểm tựa của thôn, sóc. Họ cũng là chỗ dựa tin cậy của chính quyền địa phương trong việc đưa chủ trương, chính sách về với vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ ấy là lực lượng to lớn củng cố niềm tin của người dân, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trong tỉnh chung tay xây dựng Bình Phước ngày càng phát triển bền vững.

Để phát huy sức mạnh của già làng, người có uy tín, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu bằng ngân sách tỉnh. Đồng thời ban hành đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của người có uy tín, già làng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : dân tộcđồng báo dân tộc

Các tin liên quan đến bài viết