Những giải pháp để thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả, tránh lãng phí đang được Bộ TT&TT cùng Bộ GD-ĐT xem xét, tính toán.
Báo cáo về tình hình triển khai, kết quả sử dụng máy tính bảng, ông Phạm Văn Sinh – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), cho hay Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ TT&TT và Bộ GD-ĐT đã ký ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện.
Theo đó, chương trình được triển khai thành 2 giai đoạn:
– Giai đoạn I: Huy động 1 triệu máy tính bảng (các doanh nghiệp thuộc khối viễn thông 100.000 máy; các ngân hàng thương mại 100.000 máy; các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 100.000 máy; ngành Giáo dục 200.000 máy; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam 400.000 máy; TP.HCM 100.000 máy) để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT- TTg.
– Giai đoạn II: Từ năm 2022-2023, tiếp tục phát động để 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị máy tính để học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Trong giai đoạn I, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận máy tính và tiền, phân bố cho các địa phương để trao cho học sinh. Đến nay, Bộ phân bổ được 92.629 máy tính bảng cho từng đối tượng học sinh và 463 tỷ đồng (tương ứng với 205.200 máy tính bảng) cho các Sở GD-ĐT tổ chức mua sắm.
Hiện nay, các sở GD-ĐT cơ bản đã hoàn thành việc mua sắm và bàn giao cho học sinh phục vụ học tập.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện hồi tháng 1/2023, tất cả các địa phương đều đánh giá chương trình rất nhân văn, thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến và cần được triển khai rộng rãi hơn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cùng các đại biểu tại buổi làm việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” diễn ra sáng 30/8.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
Cụ thể, gói cước 4G chỉ hỗ trợ học sinh trong thời gian 3 tháng, nên khi ngừng hỗ trợ, học sinh hộ nghèo không có khả năng duy trì gói cước nên máy tính bảng không thể dùng được tại gia đình.
Do đó, đa số các cơ sở giáo dục đề nghị học sinh gửi lại máy tính bảng để nhà trường quản lý chung ở thư viện, cho học sinh sử dụng tại trường vì 100% số trường phổ thông hiện nay đã có internet.
Bên cạnh đó, máy tính của chương trình được tặng trực tiếp cho học sinh (thuộc sở hữu của học sinh) nên việc quản lý để sử dụng đúng mục đích gặp khó khăn. Khi học sinh ra trường, có thể một số gia đình khó khăn sẽ bán, đổi máy tính cho người khác, người thân trong gia đình sử dụng vào việc khác,… dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng, lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, việc triển khai chậm trễ 400.000 máy tính bảng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai Giai đoạn I của chương trình, làm thiệt thòi cho những học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng.
Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục phân bổ 400.000 máy tính bảng từ Quỹ viễn thông công ích Việt Nam theo đúng kế hoạch của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo Quyết định số 1506/QĐ-BTTTT ngày 12/8/2022 của Bộ trưởng TT&TT về việc phân bố máy tính bảng thuộc chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị để việc sử dụng máy tính bảng có hiệu quả, tránh tình trạng học sinh sử dụng không đúng mục đích, học sinh gửi máy tính bảng tại thư viện trường học để nhà trường cất giữ, quản lý; học sinh sử dụng máy tính bảng tại trường, khu nội trú theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cùng đó, Bộ TT&TT cũng được đề nghị tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân hỗ trợ, thực hiện Giai đoạn II của Chương trình để tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn có máy tính để học tập, giúp các em có cơ hội tiếp cận với phương pháp học tập mới, góp phần tạo nên công bằng trong giáo dục.
Ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho hay chủ trương tiếp tục triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là hết sức cần thiết.
“Không cứ phải học trực tuyến mới cần cung cấp máy tính cho các em học sinh, vì qua thống kê, số lượng những hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay còn rất lớn và nhu cầu máy tính với những em thuộc đối tượng này cũng rất cần thiết để phục vụ việc tra cứu, học tập, đặc biệt là sử dụng các hình thức học trực tuyến khác ngoài kiến thức từ trường, qua các phần mềm, ứng dụng”, ông Dũng nói.
Gói 4G hiện nay đang bị giới hạn 3 tháng. Thời gian tới liệu có giải pháp nào để gỡ việc này hay không. “Nếu có máy tính mà không có mạng gần như vô nghĩa, không giải quyết được việc gì”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cho rằng chương trình là “Sóng và máy tính cho em”, như vậy các bên cần quan tâm cả phần “sóng” nữa, không chỉ lo phần máy. Theo ông Nam, thực tế, nhiều nơi học sinh có máy nhưng chưa có sóng đúng nghĩa để học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh thông tin 2 Bộ cần quan tâm chất lượng những sản phẩm khi đưa đến tay học sinh, để đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả.
“Hai Bộ cũng cần có đánh giá để xem chất lượng sản phẩm của những đơn vị khi đưa xuống địa phương. Khi hỏng hóc, các đơn vị có thực hiện nghiêm túc việc bảo hành hay không, hay cứ kết thúc trao nhận là xong”, bà Minh lưu ý.
Theo bà Minh, Bộ GD-ĐT cũng nghiên cứu hướng khuyến khích việc các em học sinh khi tốt nghiệp, tặng lại máy tính cho nhà trường để giúp cho các bạn có hoàn cảnh tương tự.
“Như vậy, có thể tạo nên thư viện, để cho các học sinh con em các hộ nghèo khác tiếp tục được mượn máy và sử dụng. Tuy nhiên, đó là khuyến khích chứ không ép buộc”, bà Minh nói.
Bà Minh cho hay, dự kiến, ngày 7/9 tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với Bộ TT&TT về việc thực hiện triển khai chương trình và những vấn đề trên.
Nguồn: vietnamnet